Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 09/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết: "Hiện Thanh tra tỉnh đã có báo cáo đề xuất, vụ việc bình thường thì Thanh tra có thể tham mưu để tỉnh ra kết luận nhưng đây là vụ việc phức tạp nên cần có sự tham gia của Hội đồng Tư vấn pháp luật tỉnh.
Hội đồng Tư vấn pháp luật của tỉnh sẽ nghe lại một lần nữa, nói chung là sẽ có xử lý theo đúng quy định.
Đây là việc lớn, việc con cháu nói chuyện với ông bành tổ nên phải có thời gian nghiên cứu. Tỉnh đang làm và làm tích cực đấy, các anh nói với người dân là cứ yên tâm, chúng tôi đang làm quyết liệt, nếu chúng tôi làm xong mà người dân thấy không chuẩn thì cứ khiếu nại tiếp...".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết: "...Nếu chúng tôi làm xong mà người dân thấy không chuẩn thì cứ khiếu nại tiếp". Ảnh: Nld.vn |
Cùng ngày, ông Lê Văn Thiêm, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bên Sở Văn hóa làm thì cơ bản là đảm bảo nhưng thủ tục có việc chưa chuẩn lắm, như họ không xác minh ở Hoằng Hóa, các dòng họ, biến động theo thời gian như thế nào...
Còn về chuyên môn, thì chúng tôi chỉ có ý kiến nêu quan điểm, chứ chúng tôi không đi sâu...".
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 06/6/2014, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thanh Hóa ban hành Thông báo số 964/TB-SVHTTDL về việc giải quyết đơn tố cáo về di tích đền thờ Lê Nhân Tế, tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương.
Theo Sở Văn hóa, kết quả phiên âm, dịch nghĩa, thẩm định giá trị văn bản của Viện Nghiên cứu Hán nôm về các tài liệu do địa phương, dòng họ Lê cung cấp được Ban Quản lý di tích cho là văn bản gốc và tài liệu đánh máy chữ Hán.
Phiên âm dịch nghĩa của bà Nguyễn Kim Măng, cán bộ Viện nghiên cứu Hán nôm phiên âm, dịch nghĩa ngày 15/1/2006 là cơ sở lập hồ sơ khoa học di tích đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương cho thấy không đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ cơ sở khoa học, không có tính chính xác của tài liệu lịch sử.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa “câu giờ” xử lý “lập khống” hồ sơ xếp hạng di tích?
Ngoài ra, Sở Văn hóa còn kết luận từ trước đến năm 2004 tại thông 8, xã Quảng Hải không có đền thờ Hoàng giám Lê Nhân Tế.
Di tích đền thờ Lê Nhân Tế hiện nay được xếp hạng theo Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 31/1/2013 tại ngôi đền thờ được dòng họ Lê mới xây dựng năm 2004 trên đất vườn nhà ông Lê Văn Tằn, thôn 8, thuộc con cháu hậu duệ ông Lê Nhân Tế.
Sở Văn hóa căn cứ vào khoản 1, Điều 28 và khoản 1, Điều 29 Luật Di sản và cho rằng, việc công nhận xếp hạng di tích đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế hiện nay chưa đảm bảo với quy định của pháp luật.
Từ những sai phạm trên, Sở Văn hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương do hồ sơ khoa học di tích không đảm bảo tính pháp lý, chưa có cơ sở khoa học.
Việc xếp hạng di tích lịch sử đền Lê Nhân Tế không chính xác khiến nhiều người dân và dòng họ tại xã Quảng Hải bất bình. Ảnh: Laodong.vn |
Sở Văn hóa cũng yêu cầu ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc chỉ đạo chuyên môn, tham mưu thẩm định đề nghị xếp hạng đề thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế không đảm bảo tính pháp lý, chưa có cơ sở khoa học dẫn đến sai phạm phải thu hồi, hủy bỏ.
Có ít nhất 02 lần Sở Văn hóa đều khẳng định việc lập hồ sơ công nhận di tích đền Lê Nhân Tế là có sai sót, tuy nhiên không hiểu vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục giao Thanh tra tỉnh để thanh tra, làm rõ? Thời hạn đã hết nhưng đến nay người dân xã Quảng Hải vẫn chưa có được câu trả lời cuối cùng từ UBND tỉnh.
Lập khống hồ sơ, biến đền 10 năm “trong vườn” thành di tích lịch sử văn hóa
Ngày 01/4/2015, trong buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và các Sở, Ban ngành, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục khẳng định lại: “Sau khi có kết luận thanh tra của Sở Văn hóa và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thì có 02 luồng ý kiến trái chiều nhau.
UBND tỉnh có văn bản giao cho Sở Văn hóa bổ sung lý lịch hồ sơ di tích do Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh lập.
Đến tháng 3/2015, việc bổ sung hồ sơ hoàn tất, Hội đồng khoa học của Sở xem xét, đi đến kết luận: Tài liệu làm cơ sở lập hồ sơ khoa học di tích hiện không tìm được bản gốc để chứng minh; Các gia phả họ Lê đều mới được chép gần đây, nội dung chưa rõ ràng, độ tin cậy không cao; Lý lịch di tích bổ sung phần lập luận chưa logic, khoa học, thiếu chặt chẽ…”.