Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (TT17) Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 được Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ngày 24/12/2007.
Ký tên trong TT17 là Thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng bộ Công an Lê Thế Tiệm, Phó chánh án Tòa án tối cao Đặng Quang Phương và Phó viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Hoàng Nghĩa Mai. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật mà các cơ quan công quyền và người dân phải chấp hành.
Mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình là vì... thành tích?
(GDVN) - Bức cung nhục hình sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và nguy hiểm nhất là gây mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống hành pháp.
Do cách hiểu và áp dụng TT17 của các cơ quan tố tụng không đồng nhất nên trong nhiều bản án, mức hình phạt đưa ra không đúng với quy định của pháp luật. Với mục đích hạn chế, xóa bỏ án oan sai về tội phạm ma túy, án tuyên đúng người, đúng tội, ngày 17/9/2014 TAND Tối cao ban hành công văn 234 do Phó chánh án Nguyễn Sơn ký.
Nội dung chính của Công văn 234 (CV234) là yêu cầu TAND các cấp quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17.
Tại sao Tòa án nhân dân tối cao phải ban hành CV234 và vì sao CV234 bị phản ứng dữ dội từ phía Công an, Kiểm sát, chính quyền địa phương, thậm chí Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị xem xét lại? [1]
Có hai nguyên nhân cần được nhìn nhận thấu đáo:
Thứ nhất: Luật và các văn bản dưới luật đang tồn tại những bất cập;
Thứ hai: Từ các khó khăn khách quan, xuất hiện tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng.
Vietbao.vn ngày 29/11/2005 có bài về vụ Singapore tử hình công dân Úc gốc Việt Nguyễn Tường Vân vì vận chuyển mang 396g heroin (mức án quốc gia này áp dụng cho những ai mang hơn 15g chất bột trắng này là tử hình). Bài báo không đề cập đến việc Singapore đã tiến hành giám định hàm lượng ma túy trước khi tuyên án.
Quan điểm khá phổ biến về tội buôn bán ma túy không phải ở trọng lượng hay hàm lượng ma túy mà xem buôn bán ma túy là trọng tội cần xử lý thật nặng.
Về điều này pháp luật của chúng ta hình như vẫn chưa đạt đến mức nghiêm khắc như nước ngoài?
Luật không còn phù hợp thì phải sửa, thông tư lạc hậu thì phải bãi bỏ, tuy nhiên khi chưa sửa luật, khi thông tư còn hiệu lực mà không tuân thủ thì đó là vi phạm pháp luật, không thể biện minh dưới bất kỳ lý do nào.
Về phía cơ quan điều tra và kiểm sát, những khó khăn khi phải giám định hàm lượng, chủng loại ma túy của hàng chục nghìn vụ án là một thực tế không thể phủ nhận. Song một thực tế khác cũng đang tồn tại là bên công tố cứ dồn án sang cho tòa và tòa án là bên chịu trách nhiệm cuối cùng, thậm chí phải chịu trách nhiệm cả những sai phạm từ khâu điều tra, khởi tố.
Giải thích về CV234, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án tối cao phát biểu: “Triệt phá các băng nhóm tội phạm là việc của cơ quan điều tra, nhưng trách nhiệm của chúng ta (tòa án) là không được làm oan, làm sai, làm xấu hơn tình trạng của những bị can, bị cáo…. Việc tháo gỡ khó khăn theo hướng phải thực hiện pháp luật, bởi nếu không có thể dẫn đến oan sai, mà mọi lỗi lầm thì đều đổ lên đầu tòa án hết”. [2]
Ý kiến của ông Sơn được chứng minh qua vụ án oan với ông Nguyễn Thanh Chấn, ở cấp phúc thẩm do Tòa án tối cao xử, chỉ có Chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố chứ không thấy công bố trách nhiệm của cơ quan giữ quyền công tố.
Tình trạng tội phạm ma túy bị đưa ra xét xử với cáo trạng không dựa vào TT17 đã và đang tạo ra những bản án không đúng tội, không loại trừ có những bản án mà nếu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật thì chưa đến mức tử hình, chưa đến mức áp dụng hình phạt tù.
Một bài viết trên website của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa có đoạn: “Cũng có địa phương sau khi không thống nhất được với ngành Tòa án thì tiếp tục giữ quan điểm truy tố mặc cho Tòa án trả hồ sơ (lý do mà quan điểm này đưa ra là theo điều 121 của Bộ Luật TTHS thì Tòa chỉ trả được 2 lần và Tòa không dám tuyên bị cáo không phạm tội)”…[3]
Công an và Kiểm sát cứ truy tố mặc cho Tòa trả hồ sơ vì Tòa không được trả hồ sơ lần thứ 3 và “Tòa không dám tuyên bị cáo không phạm tội”.
Liệu có người dân nào không bị sốc trước ý kiến phát biểu công khai của một cán bộ Kiểm sát tỉnh Khánh Hòa, và liệu đó có phải là quan điểm chung của ngành Kiểm sát?
"Công an chịu trách nhiệm vì 3 năm có 260 người chết khi tạm giam, tạm giữ"
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết rất xúc động khi đọc báo cáo thấy con số hơn 260 người chết trong lúc bị tạm giam, tạm giữ.
Báo Công an TP. Hồ Chí Minh dẫn văn bản của TP Hồ Chí Minh, rằng công văn 234 của Tòa án nhân dân tối cao là “ngộ nhận, không thống nhất, gây bế tắc cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy”. [1]
Sự tranh luận không chỉ dừng ở những phân tích mà còn bị đẩy lên cao khi ngôn từ được dùng vượt quá khuôn khổ mà chính quyền một thành phố nên dùng. Người dân không được đọc văn bản của TP Hồ Chí Minh nhưng có thể tin rằng tác giả Thanh Hòa, Báo Công an thành phố này không trích dẫn nhầm.
Ở một thành phố mà người ta “ngộ nhận” rằng thứ mà người dân đưa cho công an khi vi phạm giao thông là “tờ rơi”, thì việc chụp cho cơ quan khác cái mũ “ngộ nhận” chắc cũng không phải là quá đặc biệt. Điều này cũng không khác mấy so với chuyện UBND tỉnh Hà Tĩnh nói Thanh tra Chính phủ là “áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý…”. [4]
Chắc rằng chẳng ai dám nghĩ đến phạt vi phạm hành chính cơ quan công quyền địa phương đã dùng ngôn ngữ quá đà, bởi phía sau ngôn từ ấy là những con người cụ thể với sức mạnh tiềm ẩn khó nhận thấy.
Vậy Tòa án tối cao “ngộ nhận” hay một số cấp chính quyền địa phương đang “nhận ngộ”, nghĩa là “nhận xét một cách ngộ nghĩnh”?
TT17 ra đời từ năm 2007, sau tám năm áp dụng đương nhiên có những điều không còn phù hợp với thực tế, việc cần làm là sửa luật hoặc sửa thông tư chứ không phải là dùng từ ngữ nặng nề để xỉa xói nhau.
Ngôn từ mà chính quyền một số địa phương đang sử dụng cho thấy phần nào “văn hóa phát ngôn”, “văn hóa công sở” ở thời điểm hiện tại. Về điều này người viết đã từng đề cập trong bài Thói “công quyền” đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 5/3/2015.
Trở lại chuyện nói Tòa án tối cao là “ngộ nhận”, có lẽ những người đang lớn tiếng nên đọc một cách chậm rãi và tìm hiểu thật kỹ mục đầu tiên của TT17:
điểm 1.4, điều 1, mục I: “Về một số khái niệm và một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất…”.
Bài viết trên Báo Công an TP Hồ Chí Minh [1] nêu thắc mắc: “Trước hết việc không thống nhất để xử lý hình sự tội phạm ma túy là căn cứ vào trọng lượng thực tế đã sản xuất từng dạng có chất ma túy, hay căn cứ vào hàm lượng chất ma túy để tính trọng lượng ma túy”.
Bài báo được đăng và không có chú thích, rằng đây là quan điểm cá nhân của tác giả Thanh Hòa nên có thể xem đó cũng là quan điểm của cơ quan ngôn luận của Công an TP Hồ Chí Minh.
Tác giả hoặc “đồng tác giả” thực sự không hiểu hay cố tình không hiểu ngôn từ được viết trong TT17. Để có thể “định tội hoặc định khung hình phạt” thì “trong mọi trường hợp” “đều phải trưng cầu giám định…”.
Thói “công quyền”
(GDVN) - “Thói công quyền” không phải là thói xấu của người Việt, nó thuộc về “một bộ phận không nhỏ” có thể vạch mặt, chỉ tên, nhưng quan trọng là ai làm?
Có lẽ cũng nên nói rõ thêm với những người chưa rõ là nếu không trưng cầu giám định thì không thể định tội, cũng không thể định khung hình phạt, đấy là nội dung đã được khẳng định tại điều “Một La Mã” trong TT17.
Vậy thì câu hỏi “căn cứ vào trọng lượng thực tế hay hàm lượng chất ma túy” phải chăng là một câu hỏi thừa, hay là một kiểu tung hỏa mù nhằm bao biện cho cái mũ “ngộ nhận” đã trót chụp vào đầu người khác?
Phấn đấu để có một xã hội pháp quyền, điều đầu tiên là các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tuân thủ pháp luật, nếu chính các cơ quan này không tuân thủ thì làm sao bắt người dân phải tuân thủ?
Chừng nào TT17 chưa bị bãi bỏ mà Công an, Kiểm sát và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều đồng loạt đề nghị Chánh án Tòa án tối cao xem xét lại công văn 234 thì đó quả thật là một sự “ngây thơ” không thể hiểu được của các cơ quan này.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoàn toàn có quyền kiến nghị Chính phủ hủy bỏ hiệu lực của TT17, khi đó đương nhiên CV234 sẽ không còn tác dụng.
Tại sao tất cả chỉ nhằm vào CV234 mà không động đến TT17, phải chăng vì CV234 là của riêng tòa án còn TT17 thì các bên đều đã “trót ký” nên đành bỏ qua?
Nếu tòa án các cấp cứ xét xử tội phạm ma túy mà không giám định thì đó mới là “ngộ nhận”.
Việc này không đơn thuần là trái với các văn bản quy phạm pháp luật mà còn thể hiện sự mơ hồ của cơ quan thực thi pháp luật nước nhà trước con mắt giới luật sư quốc tế.
Sẽ như thế nào nếu tội phạm ma túy là người nước ngoài bị xử khi chưa giám định “loại, hàm lượng, trọng lượng” chất ma túy?
Luật sư bào chữa cho tội phạm hoàn toàn có quyền viện dẫn TT17 để bác bỏ các kết luận mà tòa án đưa ra.
Có một dạo tại Thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh hàng loạt con nghiện tuổi chỉ trên dưới 20 bị chết sau khi sử dụng ma túy, dư luận cho rằng những kẻ tử vong là do sử dụng “ma túy rởm”.
Chuyện “ma túy rởm” thực hư thế nào không biết nhưng có một thực tế mà nhiều phim hình sự nước ngoài đã nêu lên, bọn tội phạm không phải lúc nào cũng buôn bán “ma túy thật”. Nếu trong 1 kg chất bột nghi là ma túy chỉ trộn vài gam heroin mà kết tội tử hình vì buôn bán 1 kg ma túy liệu có đúng tội?
Khó khăn trong việc giám định chủng loại, hàm lượng chất ma túy là một sự thật mà riêng ngành Công an không thể giải quyết.
Việc tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật và trang thiết bị cho ngành Công an nên được xem là ưu tiên trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên dựa vào khó khăn để bỏ qua giám định, để kết án, đặc biệt là án tử hình liệu có phải là hành vi vi phạm pháp luật, không phù hợp với bản chất nhân đạo của nhà nước “của dân, do dân và vì dân”?
Không phải ngẫu nhiên mà khảo sát của Ngân hàng Thế giới (Wold Bank-WB) kết hợp với Bộ TN&MT năm 2013 (văn bản mang mã số 155180) đã đưa đến nhận định “Việc xây dựng pháp luật của Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới nhưng thực thi pháp luật thì lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất”. [5]
Đứng đầu thế giới về xây dựng pháp luật không có nghĩa là chất lượng các văn bản luật và quy phạm pháp luật đều tốt. Luật Bảo hiểm vừa ban hành đã có nguy cơ phải sửa trước sự phản đối quyết liệt của gần 90.000 công nhân TP. Hồ Chí Minh là một minh chứng cho những văn bản ra đời trong phòng lạnh, hoàn toàn xa lạ với cuộc sống người dân.
Tình trạng “thực thi pháp luật thì lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất” rất dễ nhận thấy qua việc phớt lờ các quy định pháp luật đang xảy ra từ Hà Nội (vụ chặt cây) đến Đồng Nai (vụ lấp sông), từ cấp xã, huyện đến các cấp cao hơn.
Những cơ quan phản đối công văn 234 của Tòa án tối cao đều cố tình quên đi một nguyên tắc là chừng nào văn bản pháp luật còn hiệu lực thi hành thì mọi tổ chức cá nhân đều phải phải tuân thủ.
Việc cần làm là kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật, Chính phủ sửa các văn bản dưới luật không còn phù hợp chứ không phải đẩy tòa án vào thế “Tòa không dám tuyên bị cáo không phạm tội”.
Nếu không sớm chấm dứt tình trạng cấp tỉnh “lớn tiếng” rằng cấp Chính phủ (thanh tra), cấp Tối cao (tòa án) đang “áp đặt, máy móc, ngộ nhận…” thì sinh mạng chính trị của người dân sẽ do cấp nào định đoạt?
Nếu không chứng minh được rằng một số địa phương đang “lộng ngôn” thì có nghĩa là phải kiểm tra xem “mưa có rơi qua mái nhà”, còn nếu không có hạt mưa nào lọt xuống thì lại phải xem “nước có ngập đầy sân”?
Nếu pháp luật bị đùn đẩy giữa các cơ quan tố tụng, giữa địa phương và trung ương thì có nghĩa là pháp luật đang “tứ bề thọ địch”, đó thực sự là một thảm họa, là một trong các nguyên nhân đe dọa sự ổn định của đất nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào cơ quan công quyền.
Để chấm dứt tình trạng “ngộ nhận” của các bên liên quan đến TT17, chờ quốc hội sửa luật sẽ mất khá nhiều thời gian, nhưng Chính phủ có thể làm ngay là yêu cầu “Liên ngành” ngồi lại với nhau sửa lại những quy định gây khó khăn cho quá trình tố tụng kể cả việc hủy bỏ hiệu lực của TT17.
Về lâu dài việc thành lập Tòa án Hiến pháp là điều nên đặt ra một cách nghiêm túc.
Người dân hoàn toàn đồng tình với các biện pháp quyết liệt trấn áp tội phạm, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất với các tội tham nhũng, ma túy, hủy hoại môi trường…
Điều quan trọng không phải là Tòa án, Kiểm sát, Công an ai đúng, ai sai mà là đừng để xuất hiện thêm nhiều án oan hoặc không oan nhưng không đúng tội.
Đó không phải là mong mỏi mà là đòi hỏi của người dân./.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=942&id=536311
[2] http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20141106/xu-an-ma-tuy-vuong-cong-van-234/667909.html
[5] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/231203/viet-nam--dan-dau--va--nhat-the-gioi--.html