Quân đội và cảnh sát Indonesia tranh giành vai trò chống khủng bố

13/04/2015 14:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Cáo buộc cho rằng quân đội Indonesia đang cố gắng để hồi sinh vai trò "chức năng kép" của mình nhằm tham gia sâu hơn vào nền chính trị quốc gia.
Tướng Moeldoko, Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, ảnh: The Jakarta Post.
Tướng Moeldoko, Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, ảnh: The Jakarta Post.

The Jakarta Post ngày 13/4 đưa tin, quân đội Indonesia đã bị chỉ trích sau khi quyết định tích cực tham gia chống khủng bố, một nhiệm vụ theo truyền thống thuộc về lực lượng cảnh sát quốc gia. Đã có những cáo buộc cho rằng quân đội Indonesia đang cố gắng để hồi sinh vai trò "chức năng kép" của mình nhằm tham gia sâu hơn vào nền chính trị quốc gia.

Trả lời phỏng vấn tờ The Jakarta Post, Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia tướng Moeldoko cho biết, giống như các lực lượng quân sự khác trên thế giới, quân đội Indonesia có nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh và các hoạt động quân sự khác ngoài chiến tranh. Hoạt động quân sự khác ngoài chiến tranh có nghĩa là quân đội Indonesia có vai trò và trách nhiệm xã hội gắn với mỗi người lính.

Ông Moeldoko lập luận, mỗi khi đất nước gặp thảm họa, quân đội sẽ hành động để giúp các nạn nhân. Lực lượng quân sự di chuyển nhanh chóng ngay cả khi chưa có lệnh từ chỉ huy. Vai trò xã hội khác của quân đội là giúp đỡ chính phủ trong quá trình phát triển, ví dụ như Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Nhân quyền đã từng yêu cầu quân đội giúp đỡ để bảo vệ các cơ sở trọng yếu và nhà tù.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Indoesia khẳng định rằng, lực lượng này không dự định tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong đời sống chính trị, nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng trong xã hội, bởi thực tế vai trò xã hội là trách nhiệm của quân đội trước người dân Indonesia. "Quân đội Indoesia sẽ không làm chính trị, nhưng xin vui lòng cung cấp cho chúng tôi vũ khí hiện đại và mức sống, vì nhiều binh sĩ Indonesia còn nghèo", ông Moeldoko nói.

Về vai trò của xã hội dân sự hôm nay, tướng Moeldoko cho rằng trước thời kỳ đổi mới đã từng có nhu cầu mạnh mẽ trao quyền cho xã hội dân sự. Tuy nhiên sau thời kỳ đổi mới, ông nhận thấy rằng có những người "có nhu cầu tìm kiếm sự hỗ trợ từ quân đội", đó là một điều kỳ lạ. Xung quanh hoạt động chống khủng bố ở Poso, tướng Moeldoko cho rằng đó không phải là khu vực riêng của cảnh sát quốc gia.

Các nhóm khủng bố cực đoan đã hoành hành ở Poso trong thời gian dài và quân đội đang quan tâm, lo ngại khu vực này sẽ trở nên nguy hiểm hơn trong tương lai, đặc biệt là khi những kẻ cực đoan trở về từ Syria. Trước khi Poso trở thành trung tâm của các nhóm cực đoan, cần phải làm một điều gì đó. Trong khi cảnh sát quốc gia không thể tiếp cận được khu vực này, quân đội đã đến để đánh bật bọn chúng ra khỏi đây.

Có 22 mỏ khoáng sản ở Poso và các chủ mỏ không thể tiếp tục hoạt động vì những mối đe dọa an ninh khủng bố, hoạt động kinh tế ở Poso cũng phát triển rất chậm và quân đội nên ngăn chặn hoạt động của khủng bố ở khu vực này. Hiện tại có khoảng 700 binh lính quân đội Indonesia đang có mặt tại đây. Một trong những mối đe dọa của quân đội Indonesia hiện nay chính là lực lượng khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Quân đội Indoesia cần thiết phải kiểm soát các mối đe dọa này trước khi nó bùng phát đến mức không thể giải quyết, mặc dù quân đội gặp khó khăn để hành động vì dư luận Indonesia có xu hướng buộc tội quân đội vi phạm quyền con người khi đấu tranh chống các phần tử khủng bố.

Về các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài đối với Indonesia, tướng Moeldoko cho rằng tình hình Biển Đông diễn biến rất nhanh. Mặc dù Indonesia không có tranh chấp nào ở đây nhưng quân đội phải chuẩn bị đối phó với mọi tình huống không thể đoán trước. Căng thẳng trên Biển Đông khá cao, điều này là bình thường vì Trung Quốc đã không ngừng phát triển sức mạnh quân sự của họ, tuy nhiên một số nước khác như Việt Nam và Philippines đang lo ngại trước những diễn biến này, tướng Moeldoko bình luận.

Hồng Thủy