Ảnh chụp vệ tinh đá Chữ Thập, Trường Sa ngày 3/5/2015. Ảnh: Đa Chiều |
Tờ Tiền tệ Quốc tế thuộc chủ quản của Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 13/4 công khai thừa nhận Trung Quốc đang cải tạo, xây dựng bất hợp pháp, biến 7 bãi đá mà nước này đánh chiếm năm 1988, 1995 ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành các đảo nhân tạo và tính toán, chỉ xây thô mỗi đảo cũng phải mất 73,6 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,2 tỉ USD.
Báo Trung Quốc tuyên truyền, tốc độ xây đảo nhân tạo (phi pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa "nhanh kinh người". Tờ này viện dẫn thông tin từ tuần san quốc phòng Anh IHS Janes cho biết, ảnh chụp vệ tinh đá Tư Nghĩa ngày 1/2/2004 chỉ có một công sự nhà nổi bê tông kiên cố (Trung Quốc xây trái phép cho lính đóng quân sau khi đánh chiếm của Việt Nam năm 1988 - PV) rộng 380 mét vuông. Ảnh chụp vệ tinh ngày 24/1/2015 vừa qua, một đảo nhân tạo rộng 75 ngàn mét vuông đã mọc lên ở đây.
Việc xây dựng công khai và nhanh chóng như thế đã dấy lên lo ngại trong dư luận, hôm 9/4 Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận hoạt động xây dựng này cũng như mục đích quân sự của các đảo nhân tạo trái phép. Bà Oánh tiếp tục thách thức dư luận rằng, "đất Trung Quốc, Trung Quốc cứ xây, không nước nào có quyền nói này nói nọ"?!
Tuy nhiên số tiền Bắc Kinh phải bỏ ra cho những đảo nhân tạo bất hợp pháp này theo tính toán của tờ Tiền tệ Trung Quốc là không hề nhỏ. Các kiến trúc sư Trung Quốc nói với tờ báo này rằng, chỉ cần xây thô một đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc phải chi bình quân 73,6 tỉ nhân dân tệ, 1 nhân dân tệ tương đương khoảng 0,163 USD, chưa bao gồm các công trình, thiết bị trên đảo.
Giới kiến trúc Trung Quốc tin rằng xây đảo nhân tạo thì ngoài các khối bê tông đúc sẵn để xây tường bao, bờ kè, các vật liệu chủ yếu khác cũng phải "vận chuyển từ đất liền" với giá bình quân 75 tệ/mét khối, các chi phí phụ khác khoảng 41 tệ/mét khối.
Phương án xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc hiện nay sẽ tạo ra diện tích mặt bằng bình quân 62,6 km vuông. Trên thực tế những đảo nhân tạo này ngoài chức năng quân sự, Trung Quốc còn sử dụng nó cho mục đích dân sự theo tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh.
Lính Trung Quốc, hình minh họa. |
Bình luận về động thái này của Bắc Kinh, Bloomberg ngày 13/4 cho rằng Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực cần đặc biệt quan tâm và cân nhắc phản ứng. Một tư duy sắc sảo hơn là điều cần thiết về việc khi nào, làm thế nào để ngăn chặn sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Việc Hoa Xuân Oánh công khai thừa nhận "mục đích quân sự" của các đảo nhân tạo này cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn có thể áp đặt đơn phương vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Mỹ không thể mong đợi làm thất bại tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, dù Bắc Kinh đã sai lầm khi cố gắng thay đổi hiện trạng trong khu vực, tạo ra căng thẳng.
Nếu Mỹ hy vọng làm được nhiều hơn ở Biển Đông, Washington phải sẵn sàng các biện pháp mà có khả năng phải trả giá. Vì vậy theo Bloomberg, việc thống nhất giữa các bên yêu sách khác nhau trong khu vực là rất quan trọng. Tập Cận Bình đã phát động cuộc tấn công quyến rũ gần đây để đối phó với phản ứng dữ dội sau vụ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam mùa hè năm ngoái.
Ý tưởng về tuần tra chung ASEAN ở Biển Đông bao gồm cả Nhật Bản vẫn còn xa vời, nhưng nếu các nước nhỏ ít nhất có thể giải quyết hoặc tạm ngừng tranh chấp lãnh thổ, họ có thể tạo được áp lực ngoại giao lớn hơn với Bắc Kinh. Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn đàm phán với ASEAN bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nếu điều này còn tiếp tục, các thành viên ASEAN nên làm việc riêng rẽ với Mỹ.
Điều này sẽ vạch ra giới hạn cho những hành động của Trung Quốc. Còn Hoa Kỳ nên ủng hộ Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc, mục đích là để duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà Trung Quốc sẽ khó khăn hơn để bỏ qua. Mỹ cũng nên tăng cường hỗ trợ Việt Nam, Philippines nâng cao năng lực phòng thủ, khả năng nhận diện và kiểm soát hàng hải.
Ít nhất Mỹ cũng cần xem xét triển khai các tàu hải quân để sẵn sàng phản ứng trước sức ép của hải quân và lực lượng tàu bán vũ trang vỏ trắng (hải cảnh) Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh cần phải hiểu rằng nếu họ đi quá xa, leo thang có thể vượt tầm kiểm soát.