Báo Nga: Bà Clinton sẽ dùng lá bài chống Nga, Iran chạy đua vào Nhà Trắng

14/04/2015 13:32
Nguyễn Hường
(GDVN) - Trong con mắt của các cử tri Mỹ hiện nay, Moscow là một kẻ xâm lược, tấn công Ukraine, đánh chiếm Crimea và là mối đe dọa tới lợi ích của Mỹ.

Truyền thông Nga hôm 13/4 bình luận rằng, để giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, bà Hillary Clinton sẽ phải cần tới sự trợ giúp từ Nga và Iran.

Mặc dù nhóm của bà Clinton vẫn chưa thu thập được các nguồn tài chính cần thiết cho chiến dịch tranh cử của mình, nhưng ước tính sẽ có 2,5 triệu USD từ những người ủng hộ giàu có và biến chiến dịch tranh cử của bà trở thành đắt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. 

Ngày 12/4, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công bố chính thức ý định tham gia tranh cử cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử lần 2 này của Hillary Clinton là bà hy vọng sẽ trở thành "nhà vô địch" mà người Mỹ cần mỗi ngày và đem lại sự bình đẳng về kinh tế và xã hội cho người dân Mỹ.

Truyền thông Mỹ đánh giá rất cao khả năng chiến thắng của bà Clinton, tuy nhiên họ vẫn không loại trừ sự xuất hiện của các yếu tố bất ngờ. 

Theo tờ Expert của Nga, các yếu tố bất ngờ này có thể đến từ đảng Cộng hòa đang trở lại mạnh mẽ hơn trong chính quyền Mỹ hiện nay. Thêm vào đó, nhiều cử tri Mỹ tin rằng vẫn còn nhiều tranh cãi, bí mật và nghi ngờ lẫn thất vọng xung quanh những bê bối nghiêm trọng trong thời kỳ bà Clinton làm Ngoại trưởng.

Một trong những yếu tố trung tâm trong chiến dịch tranh cử mà nhóm hỗ trợ của bà Clinton có ý định vận dụng là kinh nghiệm trong thời kỳ làm Ngoại trưởng của bà. Để tăng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống báo Nga gọi là "đắt đỏ" sắp tới, bà Clinton có thể sẽ sử dụng "lá bài chống Nga và Iran" để làm tăng các lá phiếu, tờ Expert bình luận. 

Trong con mắt của các cử tri Mỹ hiện nay, Moscow là một kẻ xâm lược, tấn công Ukraine, đánh chiếm Crimea và là mối đe dọa tới lợi ích, vị trí thống trị của Mỹ trên thế giới. Nếu gây áp lực được với Nga buộc Moscow trả lại Crimea cho Ukraine thì có thể giúp Mỹ tăng đáng kể sự tín nhiệm của mình trên toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Hillary Clinton.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Hillary Clinton. 

Tuy nhiên, khó khăn là nhóm vận động tranh cử của bà Clinton cũng nhận ra rằng ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng sẽ lấy chủ đề "sự hiếu chiến của Nga" để tuyên truyền cho chiến dịch tranh cử của họ và hạ uy tín của đối thủ bằng cách chỉ trích những chính sách yếu kém của chính quyền Obama và nhóm của ông (bao gồm cả bà Clinton). 

Do đó theo báo Nga, nhóm của bà Clinton sẽ phải phát huy chiến dịch tuyên truyền chống Moscow một cách chủ động hơn, cực đoan hơn của đảng Cộng hòa và tách các chính sách của bà Clinton ra khỏi chính sách của chính quyền Obama. 

Tuy nhiên, mọi người đều hiểu rằng bà Clinton sẽ không mạo hiểm đưa Mỹ đến một cuộc đối đầu hung hăng hơn nữa với Nga nếu bà trúng cử. Do đó, những lời hứa của bà Clinton sẽ được giới hạn.

Trong khi đó, tờ Tầm nhìn của Nga lại tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng mối quan hệ Nga-Mỹ có thể được cải thiện nếu bà Clinton đắc cử Tổng thống bởi cựu Ngoại trưởng Mỹ ôn hòa hơn.

Tờ Tầm nhìn dẫn lời  Boris Mezhuev, một chuyên gia về Mỹ tại Nga cho rằng, bà Clinton "không ngây thơ" và không muốn đẩy mối quan hệ bế tắc với Moscow hiện nay đi đến kết cục nguy hiểm. Ngược lại, bà có nội lực để đảo ngược tình hình với Nga.

"Rõ ràng là trong cuộc bầu cử bà sẽ sử dụng những lời lẽ chống Nga, nhưng điều này có thể thay đổi ngay lập tức sau cuộc bầu cử", ông Mezhuev nói.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, bà Clinton đã sử dụng yếu tố Nga để thúc đẩy chiến dịch của mình, Nhưng kể từ năm 2010, bà bắt đầu bày tỏ lập trường thân thiện hơn với Nga. 

Trong quan hệ với Iran, bà Clinton là một trong những nhà vận động hành lang chính để trừng phạt chống lại Iran liên quan tới các hành động của nước này trong khu vực. Mối quan hệ với Iran cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ trong bối cảnh chính quyền Obama đang tích cực thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của quốc gia này./.

Nguyễn Hường