Đây là thông tin do ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, tổ chức ngày 14/4.
PGBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993. Đến ngày 31/12/2014, PGBank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 25.779 tỷ đồng, tín dụng đạt 14.507 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ đồng. Mạng lưới của PGBank gồm 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm.
Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, PG Bank có lợi thế cạnh tranh lớn dựa trên cơ sở khách hàng bền vững của hệ thống Petrolimex và các đơn vị thành viên, đối tác; cũng như dịch vụ tài chính cung cấp tại hệ thống cây xăng của Petrolimex và đại lý trên toàn quốc, vươn tới tận xã, thôn...
Việc sáp nhập PGBank sẽ mở rộng quy mô vốn và nâng cao năng lực tài chính của VietinBank trên phương diện tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tiến gần tới mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại có quy mô và năng lực cạnh tranh tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Điều này còn tạo cơ hội mở rộng mạng lưới chi nhánh của VietinBank nhằm tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong nước, vươn tầm hoạt động đến tận tuyến xã, thông qua việc tận dụng các trạm xăng của Petrolimex và nhiều đại lý để cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính ngân hàng, bán chéo sản phẩm; mở rộng cơ sở khách hàng, nâng tầm mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài với các tổng công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng.
Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, HĐQT VietinBank đã phối hợp với đơn vị Tư vấn tài chính độc lập, đơn vị tư vấn pháp lý xây dựng dự thảo Đề án sáp nhập và Hợp đồng sáp nhập trên cơ sở tự nguyện giữa VietinBank và PGBank cùng nguyên tắc khách quan, minh bạch, phù hợp với thông lệ thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Giao dịch sáp nhập và tái cơ cấu PGBank thể hiện quyết tâm cao của VietinBank trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN về tái cơ cấu ngành ngân hàng.