LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của PGS-TS. Lưu Tiến Hiệp, một nhà giáo từng giảng dạy, tại Đại học New South Wales hơn 12 năm.
Ở bài này, ông đề cập đến một vấn đề đang rất nóng của giáo dục, đó là giáo dục dạy nghề tại nước ta, tham chiếu với sự thành công của nước Úc.
Giáo dục nghề nghiệp tại Úc
Giáo dục nghề nghiệp tại Úc (vocational education and training, hay VET) rất phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Chỉ nhìn vào con số du học sinh tại Úc học VET (Bảng 1) là chúng ta đã thấy sức thu hút của lãnh vực này.
Bảng 1 – Thống kê số du học sinh quốc tế và Việt Nam tại Úc |
Úc phân biệt 3 lĩnh vực (sector) giáo dục (không hiểu sao Luật Giáo dục Nghề nghiệp GDNN lại gọi là “bậc học”):
- Trường học (giáo dục phổ thông)
- Giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục bậc cao (higher education) gồm đại học và sau đại học
Lĩnh vực trường học do các Bang quản lý. Giáo dục bậc cao thuộc các trường đại học, học viện… quản lý và có tính tự trị.
Những điểm chính của giáo dục nghề nghiệp tại Úc (VET)
So với giáo dục phổ thông và đại học, Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có nhiều thay đổi. Cho đến gần đây, GDNN thuộc bang quản lý, nghĩa là một người tốt nghiệp một bằng nghề ở một bang có thể không được hành nghề ở bang khác. Nhưng nay GDNN đã thống nhất thành một hệ thống quốc gia. Thống nhất về tiêu chuẩn đào tạo, bằng cấp, nhưng quản lý các trường vẫn thuộc bang.
Các chương trình đào tạo của GDNN phải được kiểm định, trong khi giáo dục bậc cao có tính tự trị và không phải kiểm định.
Có một sự trùng hợp đáng kể về mục tiêu của GDNN Úc với Việt Nam. Luật GDNN Việt Nam ghi: “Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học…”
GDNN Úc cũng nhấn mạnh 4 thành tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ, và việc làm sau khi tốt nghiệp (employability). Nhưng GDNN Úc nhấn mạnh khía cạnh tạo sự “thành thạo” (competence) cho người học và sự thành thạo này phải được đánh giá (assessment) bằng nhiều biện pháp linh hoạt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Đó là các đào tạo viết tắt là CBTA (competence-based training and assessment), thay cho cách nói đơn giản trước đây đào tạo kỹ năng. Khái niệm “khả năng tìm được việc làm” sau khi tốt nghiệp cụ thể hơn là đào tạo nguồn nhân lực vì lãnh vực giáo dục nào cũng nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội.
GDNN Úc cần phải có sự liên kết giữa 3 “nhà” chính: các trường đào tạo, doanh nghiệp và nhà nước.
Hệ thống giáo dục Úc chia thành 10 bậc học tương ứng với các loại bằng cấp, giáo dục mầm non và phổ thông coi như ở bậc 0.
Bảng 2 – Hệ thống bằng cấp của Úc (theo Australian Qualifications Framework AQF) |
GDNN Úc đào tạo từ Certificate I đến Advanced Diploma. Đảm nhận đào tạo và cấp các bằng này là các Học Viện TAFE (hơn 70 học viện, do nhà nước quản lý, nhưng không nhất thiết miễn phí), các trường Cao đẳng tư (Private Colleges, có khoảng 600 trường), một số nhỏ các trường đại học, các xí nghiệp (không nhiều). Trường TAFE và các Cao đẳng tư là hệ thống đào tạo chủ lực về GDNN Úc.
Australian Qualifications Framework AQF (Khung chương trình các bằng cấp của Úc) quy định tổng quát các yêu cầu kiến thức, kỹ năng rất tổng quát của tất cả các loại bằng cấp của Úc (như trong Bảng 2), nhưng không quy định thời gian để hoàn tất một bằng, việc này thuộc các trường.
Trong thực tế thời gian đào tạo Diploma thường từ 2 đến 2,5 năm tùy theo ngành, Advanced Diploma thêm nửa năm. Cử nhân cần từ 3-5 năm, thông thường các loại Cử nhân như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tin học thường là 3 năm. Cử nhân Kỹ thuật (không gọi là bằng Kỹ sư) thường là 4 năm.
Quan hệ giữa 3 lĩnh vực giáo dục tại Úc
Thông thường học sinh từ 16 tuổi có thể vào học các khóa học nghề. Học sinh từ 17 tuổi (tương đương với lớp 11 của Việt Nam) được học bằng Diploma. Phải tốt nghiệp Trung học phổ thông (khoảng 18 tuổi) mới vào học đại học, bắt đầu là bằng Bachelor (Cử nhân). Sự phân luồng không bắt buộc.
Liên thông (articulation) là hình thức chuyển từ GDNN sang giáo dục bậc cao. Thông thường những sinh viên có bằng Diploma trở lên có thể liên thông vào học bằng Cử nhân, và liên thông luôn luôn được miễn trừ một số môn học, còn nếu học lại từ đầu thì không gọi là liên thông.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Như vậy một sinh viên theo GDNN nhưng vẫn có thể có bằng đại học mà không cần phải tốt nghiệp phổ thông trung học. Chẳng hạn nếu sinh viên bằng Diploma of Accounting, khi liên thông lên bằng Bachelor of Accounting thường được miễn một năm. Việc liên thông cũng có những giới hạn, chẳng hạn:
- Một người có bằng Advanced Diploma không được lợi hơn người có bằng Diploma khi liên thông vì Advanced Diploma cung cấp những kiến thức thiên về kỹ năng nghề nghiệp thường không cần cho bậc Cử nhân.
- Liên thông không phải đương nhiên giữa các trường mà cần có sự thương lượng giữa hai trường, và sự liên thông chỉ liên quan đến từng ngành học một. Sự liên thông không nhất thiết phải cùng ngành, có thể trong cùng khối ngành, như liên thông từ Kế toán vào Tài chính hay Quản trị.
- Không phải ngành học nào của Diploma cũng có thể liên thông lên đại học vì bản chất của hai chương trình quá khác nhau. Chẳng hạn Diploma về kỹ thuật hay công nghệ thường không liên thông được vào bằng kỹ sư, y tá không liên thông vào Y, Nha, Dược. Ngoài ra cũng có những trường đại học thuộc lớp trên không công nhận bằng Diploma nào cả.
Liên thông thể hiện tính chất nhân đạo của một nền giáo dục, nghĩa là không để học viên đi đến ngõ cụt của con đường học vấn. Liên thông là cách trường đại học tạo một cơ hội cho sinh viên học lên, nên sự xét duyệt thường không quá chi li, còn sau đó sinh viên học được hay không là việc của sinh viên. Ngược lại người học xong đại học có thể theo học các chứng chỉ, diploma nhằm trang bị thêm những kỹ năng cụ thể.
Như vậy, mặc dù cung cách quản lý các lãnh vực giáo dục rất khác nhau, sự tương tác giữa các hệ và giữa các trường rất hài hòa. Điều này làm được vì người học sẽ quyết định con đường tương lai, nghề nghiệp của mình và họ sẽ chọn phương án học tập thích hợp. Quan trọng hơn, do sự linh hoạt của hệ thống giáo dục, sự tự trị của giáo dục bậc cao nên học viên, nếu có quyết tâm, sẽ không bao giờ rơi vào ngõ cụt.
Nhìn về Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam (Luật GDNN)
Trình độ Cao đẳng
Sinh viên quốc tế - ngành công nghiệp tỷ đô
(GDVN) - Theo ước tính, một năm các gia đình Việt Nam chi trả khoảng 1,7 tỷ USD cho việc du học của con cái của mình.
Trình độ Cao đẳng Việt Nam cho đến bây giờ thuộc hệ giáo dục đại học. Hình như trình độ Cao đẳng thuộc Bộ GD&ĐT này sẽ không tồn tại chỉ còn trình độ Cao đẳng nghề. Đây là một điều đang được tranh cãi khá quyết liệt.
Trong bằng Úc có một bằng gọi là Associate Degree. Bằng này (bậc 6), cùng bậc với Advanced Diploma, nhưng Advanced Diploma lại thuộc GDNN. Một số đại học Úc cấp bằng này sau 2 năm học và cũng liên thông lên bằng Cử nhân và được miễn 1 - 2 năm. Bằng này có thể coi như tương đương với bằng Cao đẳng mà Bộ GD & ĐT vẫn quản lý.
Trong khi đó bằng Diploma và Advanced Diploma cũng có thể liên thông lên bằng Cử nhân. Như vậy có hai con đường lên Cử nhân Úc: sinh viên có bằng Diploma (thuộc GDNN) và có bằng Associate Degree (thuộc giáo dục bậc cao). Như vậy có thể coi Diploma là tương đương với bằng Cao đẳng nghề (xin hiểu là bằng cấp ở trình độ Cao đẳng) của Việt Nam.
Như vậy bằng Associate Degree (học 2 năm) có vẻ tương đương với bằng Cao đẳng của Bộ GD & ĐT (học 3 năm). Còn bằng Diploma và Advanced Diploma (học 2 – 2,5 năm) có vẻ tương đương với bằng Cao đẳng nghề của VN (học 2 – 3 năm).
Theo mô hình của Úc các loại bằng này đều liên thông được vào bằng Cử nhân, nghĩa là trường đại học Úc chấp nhận cả hai loại bằng này. Định hướng của bằng Associate Diploma có khác với Diploma, nhưng về cơ bản chúng có nhiều điểm chung, vì chung nên các bằng này đều liên thông lên đại học được.
Hiện nay ở Việt Nam có khuynh hướng tách bằng Cao đẳng khỏi hệ thống giáo dục bậc cao. Theo tôi đây là ý mang tính đổi mới. Không nên có 2 loại bằng như trong Luật Giáo dục đại học hiện nay cho một cấp học: bằng Cao đẳng và bằng Cử nhân.
Với một cấp học đại học từ nay chỉ có một loại bằng đó là Cử nhân. Cử nhân có thể học từ 3 đến 5 năm tùy ngành và tùy trường. Bachelor trong lĩnh vực quản trị, kế toán ở Úc chỉ là 3 năm còn kỹ thuật là 4 năm. Trong khi đó bằng cử nhân Mỹ phải mất 4 năm. Kỹ sư Pháp thường cần 5 năm. Thực tế ngay các đại học Úc cũng không mặn mà với Associate Degree.
Cử nhân thực hành và kỹ sư thực hành
Đây là một sự gán ghép rất đáng tiếc cho bằng ở trình độ cao đẳng trong Luật GDNN. Tên “Cử nhân” chỉ nên dành cho hệ giáo dục bậc cao. Theo tôi có lẽ đây là vấn đề kẹt từ nên dẫn lấn sân. Có thể hỏi các nhà sử học để kiếm một tên khác được không.
Tú Tài, Cử nhân, Tiến sĩ cũng rất “phong kiến”, nhưng dùng riết rồi quen. Sau 75 cũng vì kẹt từ chữ “Thạc sĩ”, vốn đã dùng từ thời “Pháp thuộc” để chỉ bằng Agrégé, nay bị dùng để dịch bằng Master. Cũng may ảnh hưởng giáo dục của Pháp lịm mất nên không gây nhầm lẫn. Nếu khi luật này sửa, đây là điều đầu tiên phải sửa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Mô-đun / Học phần / Môn học
Rõ ràng công tác làm luật của chúng ta thiếu nhất quán. Sau 75 cả miền Bắc và Nam không dùng từ học phần, mà dùng từ “môn học”, nhưng sau đó học phần xuất hiện (tôi biết lý do tại sao nó xuất hiện) và bám rễ. Trong khi Bộ cũng quản lý giáo dục phổ thông nhưng vẫn dùng từ “môn học”, sao không đổi thành “học phần” luôn.
Trong Luật GDNN dùng từ mô-đun (có gạch ngang ở giữa, điều này cũng trái quy định) và môn học. Mô-đun trong luật được định nghĩa, nhưng môn học lại không được định nghĩa. Nhưng bình thường mô-đun (module) vẫn để dịch học phần mà. Vậy mô-đun (dùng cho dạy nghề), học phần (dùng cho đại học) và môn học (dùng ở bậc phổ thông) có cùng một nội hàm không? Tiếng Việt quả phong phú.
Cơ quan nào quản lý GDNN
Đây là vấn đề đang tranh cãi. Ngày xưa Bộ GD&ĐT cũng quản lý lãnh vực này, sau đó chuyển sang Bộ Lao động TB&XH. Nay hình như đang có sự phân vân giữa hai Bộ.
Trước hết xem xét hệ thống GDNN tổ chức như thế nào
Hệ thống giáo dục nào cũng có cấu trúc, truyền thống, thói quen. Những nền giáo dục tiên tiến thường mang trong mình những yếu tố như tự hoàn chỉnh, linh hoạt, tính tự trị cao, tính giải trình (accountability), phi tập trung. Nước Úc có một nền giáo dục như vậy.
Nếu không công nhận điều này thì khó có thể lý giải là chỉ với một dân số khoảng 24 triệu dân mà nước này đã thu hút gần 600.000 du học sinh. Phi tập trung là một thuộc tính rất quan trọng, cơ quan nọ kiểm soát cơ quan kia trong một ma trận của những cơ quan và những người có quyền lợi (tạm dịch chữ stakeholders) trong nền giáo dục đó.
Một hệ thống lớn, như giáo dục, mà tập trung hóa cao độ, mà cũng có nghĩa là khép kín, luôn luôn thiếu sự thích nghi, thiếu linh hoạt vì “bứt dây động rừng”.
Hệ thống giáo dục Úc được quản lý bởi nhiều tổ chức: cơ quan nhà nước (thuộc tiểu bang và liên bang), hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, trường đại học,... nhưng vẫn hòa quyện với nhau, tương tác với nhau nhau thành một thể thống nhất mà không cần một cơ quan duy nhất cầm trịch.
Bảng 3 – So sánh các yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp và bậc cao. |
Còn nói về bản chất, GDNN rất khác giáo dục bậc cao. Từ Bảng 3 nêu rất khái quát sự khác biệt giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục bậc cao. GDNN cần các các doanh nghiệp, các nhà sử dụng đầu cuối (end-user), nếu không có họ nền GDNN sẽ mất phương hướng ngay.
Trong giáo dục nghề nghiệp, trường và người sử dụng lao động biết mình muốn mang lại cho người học kiến thức gì, kỹ năng gì, năng lực thực hành gì. Trong khi giáo dục đại học hướng tới khía cạnh học thuật. Đó là lý do Úc có một bộ máy quản lý GDNN riêng nhằm đáp ứng những đặc thù của lĩnh vực dạy nghề.
Luật GDNN sắp áp dụng, mặc dù có những điểm còn có thể phải thảo luận thêm, đã có những tiến bộ đáng kể, mà tiến bộ đáng kể nhất là tránh được tình trạng những quy định quá chặt chẽ. Do đó nếu có một bộ máy quản lý ở tầm vĩ mô phi tập trung hóa nhận diện được các vấn đề, những đặc thù của ngành, GDNN chắc chắn sẽ phát triển nhanh.
PGS-TS Lưu Tiến Hiệp nhận học bổng Colombo Plan, Tốt nghiệp Tiến sĩ, Hậu Tiến sĩ, và giảng dạy, tại Đại học New South Wales hơn 12 năm, sau đó ông trở về Việt Nam năm 1974 và làm “giảng sư” tại Đại học Kỹ thuật Sài Gòn. Ông trải qua nhiều chức vụ quản lý khác nhau, và cao nhất ở cương vị Phó Hiệu Trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Kỹ thuật, Tiền thân Đại học Bách Khoa ngày nay. Ông được phong Phó giáo sư năm 1984.