Đó là lý do tại sao nhiều chính trị gia và doanh nghiệp địa phương ủng hộ sự cải thiện mối quan hệ với Nga, những khách hàng trung thành đem lại nguồn thu nhập chính cho nền kinh tế của Ukraine, RT dẫn thông tin từ tạp chí Time của Mỹ hôm 14/4 cho biết.
Ảnh RT. |
Moscow muốn chính phủ Kiev thông qua một loạt cải cách hiến pháp có thể dẫn tới sự phân quyền, cho phép khu vực miền đông có quyền tự chủ lớn hơn nữa. Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Petro Poroshenko không đồng ý với ý tưởng này vì theo ông, việc cho phép một khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ Nga được ly khai sẽ giống như việc tạo ra một loại virus, một động thái vượt qua giới hạn và tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Sự bất đồng này khiến mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục căng thẳng.
Theo Time, đối với thành phố Kharkiv 1,4 triệu dân - một trung tâm công nghiệp, văn hóa và thương mại của khu vực - nó sẽ khó tồn tại nếu không giữ được mối quan hệ kinh tế với quốc gia mà Kiev gọi là "kẻ thù xâm lược".
Chính phủ Ukraine hiện đang dành nhiều nguồn lực khan hiếm cho cuộc chiến ở miền đông. Nền kinh tế đang phải cầm cự nhờ những khoản vay từ phương Tây. Tuy nhiên, các nguồn viện trợ này không giúp đồng hryvnia ngừng mất giá đáng kể và tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp, sụt giảm kinh tế ngừng gia tăng.
Nhưng những khó khăn này mới chỉ là khởi đầu. Theo thị trưởng Kharkiv, Gennady Kernes, tình hình kinh tế của đất nước sẽ còn xấu hơn nữa nếu Ukraine không cho phép khu vực trọng điểm kinh tế miền đông phát triển thương mại với Nga.
"Thật không may, tất cả các ngành công nghiệp chính của chúng tôi đều kết nối với Nga", Alexei Cherkassky, Phó giám đốc nhà máy cơ khí Turboatom, nơi có 40% đơn đặt hàng đến từ Nga bình luận. "Vì vậy, chúng ta không nên tự lừa dối mình và nghĩ rằng chúng ta có thể sống độc lập với Nga. Chúng tôi là hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau".
Kể từ năm ngoái, Nga bắt đầu giảm đơn hàng tại các công ty của Ukraine nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền kinh tế nước này. Kết quả là Turboatom đã sụt giảm đáng kể đơn hàng và buộc phải sa thải hàng trăm công nhân.
Tuy nhiên trong tương lai gần, nhà máy này không thể hướng tới thị trường châu Âu bởi nó được vận hành chủ yếu bằng các thiết bị của Liên Xô, không đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu. Thêm nữa, mặc dù Mỹ và châu Âu đã hứa sẽ hỗ trợ Ukraine hội nhập, nhưng các doanh nghiệp ở khu vực này không mong chờ điều đó.
Tình trạng của Turboatom không phải là duy nhất tại đông nam Ukraine. Sau nhiều thập kỷ thắt chặt quan hệ song phương, nền kinh tế Ukraine đã trở nên phụ thuộc rất lớn vào Nga, đặc biệt là khu vực đông nam. Khi cuộc xung đột bắt đầu, hoạt động thương mại với Nga gần như bị đóng băng hoàn toàn khiến các nhà máy tại đây rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc ngấp nghé đóng cửa.
Theo chính trị gia người Nga Konstantin Zatulin, nếu Kiev không đồng ý cho khu vực đông nam nước này ly khai, Nga không cần tới các biện pháp quân sự mà chỉ cần các đòn bẩy kinh tế cũng có thể gây sức ép buộc Kiev phải suy nghĩ lại.
Trong cuộc phỏng vấn Thị trưởng Kharkiv thừa nhận rằng, lý do khiến khu vực này không tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai là do mối đe dọa từ Kiev. Theo ông, khi bắt đầu cuộc xung đột ở khu vực đông nam hồi năm ngoái, bản thân ông cũng có ý tưởng ly khai và quyết liệt chống lại cuộc cách mạng đã đem lại quyền lực cho Tổng thống Petro Poroshenko.
Nhưng sau đó, ông bị chính quyền Kiev đe dọa phạt tù khiến ông quyết định từ bỏ ý định ly khai, hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai tại Kharkiv. Trong tháng 3 năm nay, khi ông tiếp tục đòi quyền tự chủ lớn hơn nữa cho phía đông thì các nhà chức trách Kiev đã mở một vụ án hình sự chống lại ông./.