LTS: Tiếp tục mạch bài viết chào mừng 40 năm thống nhất đất nước, hôm nay, Tòa soạn giới thiệu đến quý vị bài viết của tác giả Phan Văn Lương.
Tác giả là cán bộ Phòng Khoa học quân sự, Trường Đại học Chính trị, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Bài viết này, bàn về vai trò của quần chúng nhân dân, vốn là sức mạnh vô địch trong mọi vấn đề quốc gia dân tộc.
(Sức mạnh toàn dân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975/ Sức mạnh và ý chí quân dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975/Đại thắng mùa xuân 1975-bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ người Việt)
Trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975), về cơ bản các ý kiến từ trước đến nay của các học giả, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận vai trò của bộ đội chủ lực, của các lực lượng vũ trang địa phương và sức mạnh quyết định trực tiếp của đòn tiến công về quân sự.
Tuy nhiên, trên thực tế, một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên chiến thắng này chính là quần chúng với sức mạnh của các đòn tiến công và nổi dậy của quần chúng nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch mà lâu nay nhiều người chưa thực sự quan tâm, nghiên cứu, thậm chí còn có những ý kiến khác nhau.
Đồng bào miền Nam xuống đường biểu tình phản đối ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh tư liệu) |
Bài viết này góp phần khẳng định và làm rõ hơn vai trò của quần chúng nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975.
Thực tế lịch sử đã ghi nhận, các đòn tiến công và nổi dậy của quần chúng nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trên quy mô rộng lớn, sôi nổi, kịp thời và khá hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ giành được chính quyền ở cấp cơ sở (phường, khóm ở một số huyện, quận), còn ở các khu vực đầu não của chính quyền ngụy Sài Gòn, ở các quận trung tâm như Quận 1, Quận 2, Quận 3… các cơ sở của ta chưa xây dựng lại được nhiều từ sau Hiệp định Pa-ri (tháng 01 năm 1973) nên chưa giành được chính quyền.
Như vậy, có thể khẳng định, không có tổng nổi dậy của quần chúng nhân dân trong mùa Xuân năm 1975 ở Sài Gòn - Gia Định giống như Tết Mậu Thân năm 1968.
Bởi vì, chỗ dựa chủ yếu của nguỵ quyền Trung ương lúc đó là khối chủ lực Quân đoàn 3 và tổng trù bị còn lại của địch đã bị các “quả đấm thép” của bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương của ta tiêu diệt và làm tan rã.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà coi nhẹ, hạ thấp vai trò của các đòn tiến công và nổi dậy của quần chúng nhân dân trong chiến dịch.
Bởi vì, thực tế quần chúng nhân dân đã được tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục, vận động từ rất sớm, được các tổ chức cơ sở đảng xây dựng, chuẩn bị lực lượng, phương thức hoạt động và hình thức đấu tranh sẵn sang phối hợp với các lực lượng quân sự khi thời cơ đến.
Do vậy, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, quần chúng nhân dân đã tham gia vào chiến dịch này với khí thế, tinh thần sục sôi cách mạng và niềm tin tất thắng chưa bao giờ có, tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Trong đó, các phong trào hành động của quần chúng đã thực sự trở thành “mũi tiến công chiến lược, lợi hại”, có tác dụng quan trọng, góp phần giành thắng lợi chiến dịch một cách nhanh gọn, triệt để và trọn vẹn (trong vòng 4 ngày đêm).
Nữ du kích dẫn đường cho xe tăng Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh tư liệu) |
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng diễn ra trong phạm vi không gian chiến trường rộng (Sài Gòn - Gia Định diện tích khoảng 120 km2), thời gian diễn ra chiến dịch ngắn, mục tiêu tiến công là thủ đô của chế độ Nguỵ quyền, nơi được Mỹ, Nguỵ dày công xây dựng và củng cố suốt hơn 20 năm.
Do vậy, để đảm bảo chắc thắng, triệt để, hạn chế tối đa thương vong, tổn thất… Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đều thống nhất khẳng định phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng quân sự và chính trị, sức mạnh của các đòn tiến công quân sự và đòn nổi dậy của quần chúng được chuẩn bị kỹ và phát triển ở một quy mô và trình độ cao chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Trong khi đó, thành phố Sài Gòn lại có mật độ dân cư đông bậc nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ (dân số trong phạm vi chiến dịch khoảng 6 triệu người, trong đó vùng nội thành có khoảng 3,5 triệu).
Thành phố có cấu trúc phức tạp với nhiều công trình kiến trúc đa dạng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, có các kho tàng và căn cứ hậu cần quan trọng, là sào huyệt cuối cùng của địch nên được bảo vệ, phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với sự tham gia của nhiều lực lượng.
Quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng ta, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phải: “Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp đòn quân sự và đòn nổi dậy, tiến công quân sự đi trước một bước; kết hợp ba thứ quân, lấy tác chiến hiệp đồng binh quân chủng của chủ lực làm chủ yếu; chuẩn bị tốt để đánh chắc thắng” (1),
“… Đòn nổi dậy cũng được tiến hành đồng thời trên cơ sở uy lực và thanh thế chấn động của đòn quân sự” (2).
Do vậy, khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là các lực lượng cách mạng trong khu vực không gian chiến trường Sài Gòn - Gia Định đều quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị với tư tưởng “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, với phương châm “Tiến công quân sự kết hợp địch vận, kết hợp tiến công với nổi dậy, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước, giữ vai trò quyết định” (3)
Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã xác định rõ cách đánh: “Đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn bằng lực lượng đột kích mạnh, có binh chủng hợp thành.
Tiến công thật mạnh và liên tục dồn dập đến toàn thắng; vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm từ nhiều hướng, thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy…” (4).
Cùng với việc khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng công kích giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Chiến dịch xây dựng kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với các đòn tiến công quân sự.
Nhân dân vùng ngoại thành Sài Gòn - Gia Định sử dụng thuyền (ghe) chở bộ đội và du kích tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu) |
Yêu cầu đặt ra là kế hoạch phải được tính toán kỹ lưỡng, tiến hành khẩn trương và tuyệt đối giữ bí mật. Sau khi được cấp trên phê duyệt theo quy định, kế hoạch được phổ biến xuống tận các phường, khóm, đến các cơ sở chính trị, binh vận của ta trong thành phố.
Để chuẩn bị cho các đòn tiến công và nổi dậy của quần chúng nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 3 năm 1975, Trung ương Cục đã họp và ban hành Nghị quyết 15 để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào hành động cách mạng của quần chúng, sau đó Nghị quyết được phổ biến cho Thành uỷ.
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Thành uỷ đã có chỉ thị, hướng dẫn cụ thể về việc đẩy mạnh mũi nổi dậy, tiến công của các lực lượng quần chúng nhân dân, nêu lên thời cơ và những công việc cần làm ngay như: tổ chức điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và phương pháp chỉ đạo quần chúng nổi dậy.
Cần phân công rõ trách nhiệm cho các bộ phận, các cánh quân (cánh A phụ trách các huyện nam thành phố và nội đô, cánh B phụ trách các huyện ngoại thành và Gia Định); tăng cường một số thành uỷ viên, quận uỷ viên và tương đương phụ trách và trực tiếp chỉ đạo phong trào quần chúng nổi dậy.
Đặc biệt, Trung ương Cục đã cử đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp phụ trách các mũi nổi dậy của quần chúng…
Tính đến thời điểm trước ngày mở màn chiến dịch, lực lượng chính trị có tổ chức của thành phố có khoảng hơn 40.000 người (gồm khoảng 400 đảng viên, hơn 300 đoàn viên, hơn 400 nòng cốt, hơn 4.500 quần chúng có vũ trang, hơn 500 hội viên và 30.000 quần chúng tích cực, cùng khoảng 400 tổ chức quần chúng công khai hợp pháp với hơn 7.000 quần chúng) (5) tham gia chiến dịch.
Các lực lượng này đã tích cực, chủ động tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc nổi dậy như: in tài liệu; may cờ, viết biểu ngữ, truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền; chuẩn bị lực lượng, các loại phương tiện xe máy để tiến hành phát thanh lưu động; bộ phận quần chúng làm liên lạc nội tuyến, dẫn đường cho bộ đội chủ lực…
Khi chiến dịch bắt đầu, trong điều kiện có các đòn tiến công quân sự đi trước, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, được sự hỗ trợ trực tiếp của đặc công, biệt động, bộ đội địa phương... các lực lượng chính trị của quần chúng đã nhanh chóng nổi dậy với sức mạnh to lớn, giành chính quyền ở nhiều khu vực cả nội thành và ngoại thành dưới nhiều hình thức, quy mô và mức độ khác nhau.
Quần chúng nhân dân ra đường phố làm công tác địch vận, tuyên truyền, phổ biến, lôi kéo, hù dọa đối với lực lượng kìm kẹp tại chỗ, thúc đẩy chúng vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, rời bỏ hàng ngũ trở về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu; tiến hành công tác tuyên truyền đặc biệt với các lực lượng trung gian để họ ngả theo cách mạng hoặc ít ra cũng không cố thủ, chống đối cách mạng.
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định phấn khởi chào đón Quân giải phóng trước cửa Dinh Độc Lập, trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu). |
Lực lượng quần chúng nhân dân tích cực, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên dùng xe cơ giới dẫn đường hoặc chở bộ đội, công nhân viên chức nơi có cơ sở đảng, chiếm giữ và bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, nhà ga, bến cảng; truy lung ác ôn, trấn áp bọn phá hoại; phối hợp với bộ đội tạo áp lực buộc ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng, giành chính quyền cơ sở; thiết lập trật tự cách mạng; động viên, yêu cầu những người giữ kho tiền, vàng cất giấu chìa khoá, bảo vệ tài sản…
Ở vùng ngoại thành, quần chúng nhân dân tham gia phá hủy đồn bốt, chiếm giữ nhiều trụ sở xã, ấp, huyện như ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Thủ Đức; thu giữ các giấy tờ, hồ sơ; hạ cờ nguỵ, kéo cờ ta; cử đại diện chính quyền cách mạng.
Trong nội thành, các tổ chức cơ sở đảng trước, trong và sau thời gian diễn ra chiến dịch đã tổ chức duy trì tốt việc bảo đảm điện, nước sinh hoạt liên tục không bị ngưng trệ (tiêu biểu là nhà máy điện Chợ Quán, Thủ Đức; nhà máy nước Thủ Đức); truyền hình thành phố đã chuẩn bị các phương án và chương trình cụ thể từ trước khi diễn ra chiến dịch, do vậy chỉ sau 12 giờ đã làm chủ các phương tiện kỹ thuật, tiến hành phát sóng theo chương trình mới của cách mạng.
Ngày 29/4, sau các đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang tại chỗ trong địa bàn chiến dịch bao gồm bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng biệt động, đặc công… đã phối hợp với quần chúng nhân dân đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh chiếm trên 100 mục tiêu, làm chủ 13 cầu các loại, đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Trong ngày 29/4, có 107 điểm nổi dậy của quần chúng, gồm 31 điểm ngoại thành, 76 điểm nội thành; đêm 29/4, có 75 điểm nổi dậy và sáng 30/4 có 32 điểm nổi dậy của quần chúng nhân dân (6).
Lực lượng quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thành phố, ngay trong ngày 30/4 mọi hoạt động của thành phố Sài Gòn - Gia Định hầu như diễn ra bình thường, không xảy ra tình trạng rối loạn, hôi của, cướp bóc.
Phụ nữ miền Nam may, vá cờ Tổ quốc phục vụ chiến dịch. (Ảnh tư liệu) |
Như vậy, cả trước, trong và sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đều đánh giá, nhận định chính xác về vai trò của quần chúng nhân dân Sài Gòn - Gia Định, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp, chuẩn bị lực lượng chính trị, vũ trang tại chỗ cho quần chúng để họ thực hiện các đòn tiến công và nổi dậy đạt hiệu quả tối đa, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch cũng như ổn định mọi mặt tình hình sau khi giải phóng thành phố.
Có thể khẳng định, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, vai trò của quần chúng và đòn nổi dậy của quần chúng nhân dân là rất quan trọng.
Mặc dù tính chất, quy mô, lực lượng tiến công và nổi dậy của quần chúng không nổi bật và mang tính chất quyết định như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Nhưng nó đã trực tiếp góp phần đập tan hệ thống ngụy quyền cơ sở, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn, triệt để của Chiến dịch Hồ Chí Minh, hạn chế tối đa thương vong về người, tổn thất về cơ sở vật chất, cũng như những tổn hại về mặt tâm lý, tinh thần, xã hội cho nhân dân.
Chiến tranh đã kết thúc 40 năm nhưng nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích về những vấn đề liên quan thì vẫn sẽ tiếp tục, có thể còn có những ý kiến khác nhau.
Song vai trò của quần chúng và sức mạnh của đòn nổi dậy của quần chúng nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 thì không thể phủ nhận, nó là một sự thật lịch sử, là một trong số những nguyên nhân trực tiếp góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Đồng thời, những bài học rút ta từ việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong chiến dịch này cũng đã, đang và sẽ tiếp tục để lại những kinh nghiệm quý cho Đảng, Nhà nước ta thực hiện tốt hơn công tác vận động quần chúng trong điều kiện mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Sức mạnh toàn dân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975
2. Sức mạnh và ý chí quân dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
3. Đại thắng mùa xuân 1975-bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ người Việt)