“Bí ẩn” đằng sau Tuyên bố chung về an ninh hàng hải của G7
Ngày 15 tháng 4, Hội nghị Ngoại trưởng G7 (câu lạc bộ 7 nền kinh tế phát triển chủ yếu) tại Lubech, Đức đã ra một tuyên bố chung về vấn đề an ninh hàng hải, liên quan đến tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, điều này được hãng tin nhà nước Tân Hoa xã - Trung Quốc cho là “lần đầu tiên trong lịch sử gần 40 năm qua của G7”.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ngày 15 tháng 4 năm 2015 |
Theo bài báo, trong các thành viên G7, Nhật Bản trên thực tế là nước thúc đẩy quan trọng và duy nhất của Tuyên bố này, họ đã làm rất nhiều công việc ở phía sau.
Bài báo cho rằng, đằng sau việc làm này của Nhật Bản có một số động cơ chính trị và ngoại giao.
Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản với hãng tin Kyodo, trong các nước thành viên G7, Nhật Bản là “nước thành viên duy nhất đến từ châu Á”, nỗ lực thuyết phục G7 đưa ra văn kiện liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải.
Quan chức này giấu tên cho biết: “Nếu (ở G7) Nhật Bản không làm, ai sẽ làm?”.
Đối với việc G7 tại sao muốn thảo luận vấn đề an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cho biết: “Là nước chủ nhà của Hội nghị G7 vào năm 2016, Nhật Bản rất quan tâm đến bảo lưu vấn đề này trong chương trình nghị sự vài năm tới”.
Tuyên bố về an ninh hàng hải của G7 tuy chỉ dài 6 trang, nhưng toàn là tuyên bố chính thức, nội dung rất rộng, liên quan đến nhiều phương diện như thương mại trên biển, buôn lậu và nhập cư trái phép, tấn công cướp biển, đa dạng sinh học.
Trong đoạn thứ 4 của Tuyên bố, Ngoại trưởng các nước G7 cho biết: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.
Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ cách làm nào có ý đồ thông qua các thủ đoạn đe dọa, uy hiếp, cưỡng ép hoặc vũ lực để mở rộng lãnh thổ hoặc yêu sách trên biển”.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ngày 15 tháng 4 năm 2015 |
Tuyên bố viết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước dựa vào luật pháp quốc tế, tìm cách quản lý, kiểm soát hoặc giải quyết hòa bình tranh chấp vùng biển, bao gồm thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận”.
Tiếp theo, Tuyên bố còn kêu gọi các nước đẩy nhanh xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) toàn diện, đồng thời cuối cùng cho biết, sẽ tổ chức hội nghị cấp cao G7 liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải vào cuối năm 2015.
Tân Hoa xã cho rằng, điều “bí ẩn” của tuyên bố là ở chỗ này. Thông qua Tuyên bố này, Nhật Bản muốn lôi kéo các nước thành viên G7 khác, ủng hộ chính sách của họ, thậm chí gây sức ép với Trung Quốc.
Hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Nếu G7 đoàn kết lại để gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh hàng hải, hiệu quả sẽ to lớn”.
Theo Tân Hoa xã, đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản lôi kéo các nước lớn phương Tây trong khuôn khổ G7 “chơi trò gây sức ép với Trung Quốc”.
Sau khi gia nhập G7, Nhật Bản luôn nhấn mạnh có “quan niệm giá trị tương đồng” với các nước lớn phương Tây, từ đó được phương Tây thừa nhận và ủng hộ về kinh tế và ngoại giao.
Mặc dù cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác, vai trò ảnh hưởng quốc tế của G7 những năm gần đây không ngừng giảm đi, nhưng vẫn là diễn đàn chính để Nhật Bản và các nước phương Tây chủ yếu triển khai hợp tác, xây dựng mặt trận thống nhất.
Bài báo cho rằng, những năm gần đây, Nhật Bản đã có tính toán trong việc tận dụng khuôn khổ G7, luôn hy vọng đưa những vấn đề do họ quan tâm vào chương trình nghị sự của G7, từ đó dựa vào các nước lớn phương Tây để “tạo thế”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 |
Tân Hoa xã tuyên truyền cho rằng, tháng 6 năm 2014, trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Brussels, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triển khai rất nhiều công tác “làm nền”, không ngừng tận dụng các trường hợp quốc tế để “bôi đen” Trung Quốc, khẳng định Nhật Bản đã bị Trung Quốc ăn hiếp và khẳng định họ là người bảo vệ cho luật pháp quốc tế và các quy tắc quốc tế.
Trong hội nghị đó, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, vấn đề Ukraine và tình hình châu Á có quan hệ tương tác, ra sức yêu cầu các nước phương Tây lên án các hành vi dùng thực lực làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông của Trung Quốc. Điều này cho thấy, Nhật Bản muốn lôi kéo các nước lớn phương Tây hợp tác gây sức ép với Trung Quốc.
EU chuẩn bị can thiệp quân sự Biển Đông?
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” ngày 17 tháng 4 cũng có bài viết cho rằng, tuyên bố riêng về an ninh hàng hải của G7 được không ít phương tiện truyền thông Nhật Bản giải thích là “đã phản ánh chủ trương của Nhật Bản”, có ý kiềm chế Trung Quốc, là thành quả “tích cực hoạt động” của Ngoại trưởng Nhật Bản trong thời gian hội nghị.
Tuy nhiên, theo một tờ báo Đức, tuyên bố này hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý, đưa ra Tuyên bố phần lớn là vì mục tiêu thương mại, chứ không phải can thiệp vấn đề chính trị.
Theo bài báo, vào ngày 15 tháng 4, các quan chức cấp cao quân đội Mỹ liên tiếp lên án các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với vấn đề này, chủ nhiệm phòng nghiên cứu văn hóa châu Á-Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu, Viện khoa học xã hội Trung Quốc có tên là Hứa Lợi Bình than phiền “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”.
Lời ông Bình tuyên truyền cho rằng, Trung Quốc hy vọng Biển Đông có thể “duy trì hòa bình, ổn định”, một số tiếng nói trên quốc tế lại liên tục can thiệp những nỗ lực “duy trì hòa bình” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng các nước G7, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida |
Tuyên bố này được đặt tên là “Tuyên bố an ninh hàng hải Lubeck”. Theo TV Asahi Nhật Bản ngày 16 tháng 4, Tuyên bố mặc dù không điểm danh Trung Quốc, nhưng bày tỏ quan ngại đối với các “hành động đơn phương”. Điều này ở mức độ rất lớn đã phản ánh chủ trương của Nhật Bản.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản trực tiếp gọi đây là một tuyên bố “phản đối đe dọa”, cho rằng “có ý kiềm chế Trung Quốc”.
Tuyên bố này chỉ là một trong những tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng G7. Lời mở đầu của Tuyên bố đã đưa ra bối cảnh là, có 90% thương mại xuyên châu lục trên thế giới đi bằng đường biển, các nước G7 cho rằng, các nước cần bắt tay tăng cường quy tắc quản lý trên biển, tiếp tục sử dụng biển.
Theo tờ “Frankfurt Allgemeine Zeitung” Đức, G7 ra tuyên bố hàng hải có thể gây ngạc nhiên, nhưng Đức là một trong 5 nước vận tải đường biển lớn trên thế giới, có lợi ích của mình.
Hiện nay, 3/4 tuyến đường thương mại trên biển của thế giới tồn tại vấn đề an ninh như kênh đào Suez, vịnh Ba Tư. Tuyên bố có ý định nhằm tăng cường dùng quy tắc làm cơ sở để sử dụng biển.
Theo hãng Kyodo Nhật Bản ngày 16 tháng 4, sở dĩ hội nghị này triển khai thảo luận trực tiếp về vấn đề an ninh hàng hải là do Nhật Bản ra sức thúc đẩy các nước.
Trước khi hội đàm với Ngoại trưởng Đức, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh với truyền thông: “Hy vọng xác nhận hợp tác với các nước có quan niệm giá trị tương đồng về tình hình khu vực và các vấn đề toàn cầu cấp bách”.
Hãng Kyodo bình luận, đây là ông Fumio Kishida tập trung nói tới “quan niệm giá trị” chung, phản ánh ý thức chống lại Trung Quốc.
Đài truyền hình Đức bình luận, những nước tham dự hội nghị có kế hoạch tổ chức hội đàm cấp cao về an ninh hàng hải trong năm. Năm 2016, Nhật Bản sẽ là nước chủ tịch luân phiên của G7, sẽ đi sâu thảo luận chủ đề này và đưa ra thỏa thuận cụ thể hơn.
Trung Quốc đang làm gì ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam? |
Theo học giả Trung Quốc Hứa Lợi Bình, còn có dấu hiệu cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị can thiệp vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông từ góc độ quân sự và kinh tế.
Về tổng thể, sự liên hệ của các nước châu Âu với biển Hoa Đông và Biển Đông còn dừng lại ở cấp độ truyền thống.
Hãng tin Kyodo bình luận, các nước châu Âu trong G7 liên tiếp cho biết tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu.
Ngay cả Philippines và Việt Nam - những nước có các bước đi thống nhất với Nhật Bản trong vấn đề an ninh hàng hải - cũng có trong danh sách các nước thành viên sáng lập.
Theo một nguồn tin nghiên cứu quan hệ Trung-Nhật, làm cho một số nước lệ thuộc vào viện trợ là thủ đoạn quen dùng của Trung Quốc, “cho dù xây dựng mạng lưới bao vây an ninh hàng hải, Trung Quốc cũng có thể dựa vào thực lực kinh tế để áp đảo”.
Ngoài Nhật Bản, quan chức cấp cao Mỹ cũng liên tục lên án các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters Anh, tại phiên điều trần ngày 15 tháng 4 của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ Locklear cho rằng, Trung Quốc cuối cùng sẽ triển khai (phi pháp) quân đội, radar tầm xa và hệ thống tên lửa tiên tiến ở khu vực tiền tiêu xây dựng ở Biển Đông, đồng thời có thể thiết lập “vùng cấm bay” ở khu vực này.
Tại phiên điều trần, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Wormuth cho rằng, Trung Quốc quân sự hóa điểm đồn trú trên biển làm cho Mỹ rất quan ngại.
Ngày 20 tháng 4, Mỹ sẽ triển khai diễn tập quân sự “Balikatan” có quy mô chưa từng có với Philippines, địa điểm bao gồm căn cứ hải quân Zambales cách bãi cạn Scarborough (Trung Quốc cướp từ tay Philippines vào năm 2012) chỉ 220 km.
Đối với vấn đề này, Hứa Lợi Bình cho rằng, Mỹ và Philippines “kẻ xướng người họa” trong vấn đề Biển Đông.
Philippines hy vọng lấy đồng minh Mỹ-Philippines làm chỗ dựa, tăng cường tiếng nói và quyền hành động trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ dùng can thiệp Biển Đông để tăng cường hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Tình hình Biển Đông đang phát triển theo hướng phức tạp hóa, quốc tế hóa.
Nhưng bất kể là Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, lợi ích ở Biển Đông khác nhau, buộc các bên không liên quan với nhau phải chăng tạo ra “hợp lực” hay không còn chưa chắc chắn, các bên cuối cùng có tạo thành “một khối” hay không còn chưa biết – Hứa Lợi Bình bình luận.
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi |
Trung Quốc nói gì?
Đối với tuyên bố về an ninh hàng hải của G7, ngày 17 tháng 4, có phóng viên đề cập: “Được biết, ngày 15, Hội nghị Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, Biển Đông, làm tăng không khí căng thẳng.
Tuyên bố còn cho biết, ủng hộ xây dựng cơ chế hợp tác an ninh hàng hải khu vực, nhấn mạnh tham vấn COC giữa ASEAN-Trung Quốc có ý nghĩa tích cực trên phương diện xây dựng lòng tin”.
Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hồng Lỗi đã lặp lại lập trường của họ, cho rằng: “Trung Quốc luôn chủ trương tranh chấp liên quan cần do các nước đương sự trực tiếp thông qua đàm phán, hiệp thương giải quyết, luôn nỗ lực cùng các nước liên quan bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, cùng thắng.
Hy vọng các nước liên quan tôn trọng đầy đủ những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực của các nước trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực”.
Như vậy, Trung Quốc luôn lo ngại các nước lớn khác can thiệp vào vấn đề Biển Đông, tìm mọi cách để đẩy họ ra khỏi khu vực nhằm giành ưu thế áp đảo trước các nước nhỏ hơn khác để giành lợi thế trên bàn đàm phán hoặc tranh đoạt trên thực địa - PV.