Trên trang cá nhân của mình, thầy Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh (một trong 3 trường vừa qua được Sở GD&ĐT Hà Nội chấp thuận phương án tuyển sinh riêng theo năng lực, tuy nhiên cũng sau một ngày quyết định được bãi bỏ và tất cả các trường THCS đều phải thực hiện xét tuyển) đã đăng tải bức "tâm thư" nhận định về cuộc "khủng hoảng" mà theo thầy là "không đáng có", cùng với những bài học kinh nghiệm từ Quy định cấm thi lớp 6 của Bộ GD&ĐT.
Mở đầu bài viết, thầy Văn Như Cương cho biết, gần đến ngày học sinh tiểu học được xét tuyển vào lớp 6 để chuẩn bị cho năm học mới thì một cuộc “khủng hoảng” bỗng xẩy ra do một chỉ thị của Bộ GD&ĐT “Cấm thi vào 6”.
Cuộc khủng hoảng này cho đến nay hầu như không có dấu hiệu chấm dứt, mà ngược lại mức độ khủng hoảng càng tăng, do sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền….
Chỉ 1% số học sinh lớp 5 muốn thi vào lớp 6
Thầy Cương nhận định, nền Giáo dục của chúng ta đã phổ cập đến bậc THCS. Điều đó có nghĩa là mọi học sinh đã học xong bậc tiểu học đều có quyền được học tiếp tục. Họ được xét tuyển theo tuyến, ai ở địa bàn nào, phường hay quận nào thì học tại các trường trên địa bàn đó, trừ một số trường hợp có thể nhận trái tuyến…Như vậy nói chung 99% học sinh không phải thi vào lớp 6.
Ngoài các lớp THCS như bình thường chúng ta còn có một số trường lớp không mang tính phổ cập . Đó là các trường chuyên, các trường có chất lượng dịch vụ giáo dục cao, các trường tư thục…các trường này được phép tuyển sinh không theo tuyến, vì thế có một số trường thu hút nhiều học sinh đến nộp đơn xin học.
Thầy Văn Như Cương vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra ở việc tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội. Nguồn ảnh Internet |
Thầy Cương cho rằng, trong trường hợp đó, như thường lệ, người ta thường tổ chức một kiểu kiểm tra, sát hạch, hay khảo sát nào đó … để lựa chọn học sinh theo đúng tiêu chí của trường mình….Số lượng các trường như vậy không nhiều, ở Hà Nội chỉ có 6 trên tổng số hơn 620 trường , chưa đến 1%.
Nếu tính trên toàn quốc thì không đến 1% học sinh phải thi vào lớp 6.
"Đưa ra con số như vậy để thấy rằng một chỉ thị “Cấm thi vào 6” của Bộ GD&ĐT nó hài hước và xa rời thực tế đến mức độ nào! Bộ cho rằng chỉ thị “Cấm thi vào 6” là nhằm giảm tải áp lực học tập cho học sinh và nhất là chống dạy thêm, học thêm tràn lan… Chao ôi, cái chiêu bài chống dạy thêm, học thêm … luôn luôn được sử dụng như là một phép mầu để đổi mới Giáo dục. Thật là một lối tư duy hết sức nông cạn …" thầy Văn Như Cương than thở.
Thực hiện chỉ thị “Cấm thi vào 6” như thế nào ?
Viết tiếp trên trang cá nhân, thầy Văn Như Cương nói một cách nghiêm túc và chân thành cầu thị, chỉ thị “Cấm thi vào 6” của Bộ GD&ĐT là hết sức vội vàng, theo kiểu nước “đến chân mới nhảy”. Tại sao không đưa ra sớm hơn, báo trước từ đầu năm học? Tại sao cứ phải để đến phút chót mới ra lệnh làm cho học sinh, phụ huynh, thầy giáo, các phòng ban ở Sở…cứ cuống quýt cả lên ? Liệu không còn cách nào bình tĩnh hơn, chu đáo hơn đồng thời lắng nghe dân và cấp dưới hơn ?
Điều đáng nói thêm là một chỉ thị “Cấm” nhưng ngay cả người cầm bút kí vào nó cũng không biết nên làm thế nào nếu ông ta ở địa vị “bị cấm”.
Mọi người đếu biết rằng hiện nay Học bạ bậc Tiểu học có hai mức loại đánh giá “ đạt”, hoặc “không đạt”, mà đại đa số là “đạt”. Bởi vậy nếu một trường nào đó có 2000 hồ sơ nhà chỉ có thể nhận vào học 500 em thì làm thế nào để “xét tuyển” nếu không được “thi tuyển”? Đó là một câu hỏi sát sườn, một bài toán mà hầu hết các ông Hiệu trưởng bó tay.
Báo chí, phụ huynh, thầy giáo…., có hỏi như thế thì Bộ GD&ĐT cũng không trả lời, mà chỉ cho một định hướng chung chung: Mỗi trường tự lên phương án xét tuyển cho phù hợp , và phải được Sở Giáo dục và UB Thành phố thông qua. Quả bóng “Cấm” được Bộ chuyền cho các Sở và các UBND.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho phép 6 trường tự đề ra phương án tuyển sinh cho trường mình, và các trường đã mất rất nhiều công sức để tìm ra một lối thoát tối ưu. Thậm chí họ còn in ra những mẫu câu hỏi IQ , EQ để học sinh khỏi bỡ ngỡ.
Cuối cùng trong một cuộc họp với Sở GD&ĐT Hà Nội, có ba trường đã được Sở duyệt, và sẽ chuẩn bị trình lên UBND Thành phố Hà Nội. Các trường khác tiếp tục hoàn thiện dự án của mình.
Chỉ thị Hỏa tốc
Thầy Văn Như Cương nói, mọi việc có vẻ như là sẽ suôn sẻ. "Thôi thì không tốt lắm, nhưng cũng được thông qua. Nhưng thật không ngờ. Đột nhiên có một chỉ thị Hỏa tốc kiểu thời chiến của UBND Thành phố Hà Nội gửi xuống cho Sở, trong đó nói rằng mọi cơ sở GD của Hà Nội phải thực hiện đúng chỉ thị của Bộ GD&ĐT là chỉ được xét tuyển mà không được thi tuyển dưới mọi hình thức…
Thế là bao nhiêu công sức đành đổ xuống sông xuống biển. Sở buồn, các phòng bao buồn, các ông Hiệu trưởng thì quá lo lắng, còn dân thì chẳng biết đâu mà…lần".
Thầy Cương còn nhận định, quả tình là chỉ thị hỏa tốc ấy thực sự rất khó hiểu, nó bất chấp mọi sự giải trình của cấp dưới, nó không nghe ý kiến của cộng đồng xã hội, nó còn bảo hoàng hơn cả nhà …Vua.
Bài học để đời!
Cuộc khủng hoảng này bao giờ kết thúc và kết thúc như thế nào, không ai có thể đoán định được. Nhung nó sẽ để lại những bài học nhớ đời cho mọi người. Thầy Văn Như Cương từ sự kiện trên có đưa ra 3 bài học để đời.
Một là: cần phải đổi mới Giáo dục nhưng trong GD quy luật này luôn luôn đúng : Dục tốc bất đạt.
Hai là: Trước khi ban hành một chỉ thị cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng, sâu sát thực tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia…Phải chú ý đến tính khả thi của chỉ thị và sự đồng thuận của nhân dân.
Ba là: Khi triển khai chỉ thị cần tính đến những trường hợp phải điều chỉnh, thay đổi để tốt hơn. Không bao giờ được xem chỉ thị là “hoàn toàn đúng đắn”, và người ban hành chỉ thị là những “ông Thánh sống”.