LTS: Tiếp tục loạt bài về kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước; hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy nhắc nhớ bạn đọc về quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Quân đoàn 2 anh hùng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi các lực lượng của Quân đoàn 2 có mặt đầy đủ ở nam Xuân Lộc (hướng đông nam Sài Gòn) thì các cánh quân khác của ta đã rầm rộ tiến vào bao vây chặt sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trên tất cả các hướng.
Hướng tây bắc có Quân đoàn 3, tăng cường lực lượng vũ trang Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định. Hướng bắc có Quân đoàn 1 (thiếu) tăng cường Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 và lực lượng đặc công, xe tăng cao xạ. Hướng đông có Quân đoàn 4.
Hướng tây và tây nam có Đoàn 232 và chủ lực Quân khu 8, lực lượng tương đương một quân đoàn. Ở vùng ven và nội thành Sài Gòn đã sẵn sàng có các đơn vị đặc công, pháo binh kết hợp với lực lượng chính trị to lớn của quần chúng.
Ở phía sau, ta cũng đang gấp rút tổ chức thêm các lực lượng dự bị mới, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra.
Về phía địch, tại Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, trên các hướng bắc, tây bắc, tây nam, mỗi hướng địch bố trí khoảng một sư đoàn tăng cường.
Riêng hướng đông, lực lượng phòng thủ của chúng tăng lên đến chín trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, lính dù, lính thủy đánh bộ và bốn trung đoàn thiết giáp.
Ở vùng nội đô có một số đơn vị lính dù, biệt động, thiết giáp, các lực lượng bảo vệ căn cứ, các lực lượng thuộc "Biệt khu thủ đô" phòng giữ.
Lực lượng không quân ở Sài Gòn - Gia Định có ba sư đoàn, bố trí chủ yếu ở hai sân bay lớn là Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, địch có ba sư đoàn bộ binh, năm trung đoàn thiết giáp, một sư đoàn không quân.
Chúng tập trung phòng giữ Tân An, Mỹ Tho đề phòng khi không giữ nổi Sài Gòn - Gia Định sẽ theo hướng đường 4 rút về đồng bằng sông Cửu Long cố thủ.
Sáng 23 tháng 4 năm 1975, tại sở chỉ huy Quân đoàn đặt tại ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, sư đoàn 325 chính thức nhận nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Quân đoàn 2.
Ngay chiều và đêm hôm đó, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn họp đánh giá lại toàn bộ tình hình và nghiên cứu nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tác chiến.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn 325 được tăng cường xe tăng, pháo binh, cao xạ, công binh, đảm nhiệm một hướng đột kích quan trọng trong hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 2, đồng thời cũng là hướng vu hồi của chiến dịch.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Trước mắt sư đoàn có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, khóa chặt đường thủy, không cho địch ở Sài Gòn theo sông Lòng Tàu rút chạy ra biển và mở đường đưa pháo tầm xa vào Nhơn Trạch đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, khống chế đường không.
Nhiệm vụ tiếp theo của sư đoàn là tổ chức vượt sông, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, tiêu diệt các lực lượng địch phòng ngự ở hữu ngạn sông Đồng Nai và đánh vào nội đô giải phóng quận 9.
Trục tiến công của sư đoàn vào Sài Gòn là một vùng có địa hình rất phức tạp, bị chia cắt bởi những cánh đồng lầy lội và hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó có hai sông lớn (sông Đồng Nai và sông Sài Gòn) ta phải tổ chức vượt qua bằng thuyền, phà vì không có cầu qua sông.
Lực lượng địch phòng thủ ở khu vực này có một bộ phận của lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ, bảy tiểu đoàn bảo an, một số đơn vị pháo binh, xe tăng và bốn liên giang đoàn yểm trợ, một liên giang đoàn người nhái với khoảng 2.000 quân và 241 tàu, xuồng chiến đấu (các đơn vị hải quân địch tập trung chủ yếu ở khu vực Cát Lái).
Khi bị tiến công, hải quân địch có thể cơ động tàu, xuồng theo sông lạch, phối hợp với các lực lượng trên bộ chặn đánh ta từng bước.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, quyết tâm của Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn 325 là: Tập trung lực lượng bộ binh, xe tăng, pháo binh, cao xạ tiến công tiêu diệt quân địch ở khu vực Long Thành - Bình Sơn, phá vỡ tuyến phòng thủ then chốt vòng ngoài của địch trên hướng đông nam, mở đường đưa lực lượng và binh khí kỹ thuật thọc sâu vào đánh chiếm Nhơn Trạch, Thành Tuy.
Hạ bịt đường thủy, khống chế đường không theo đúng yêu cầu hiệp đồng, hoàn thành nhiệm vụ vu hồi chiến dịch và sẵn sàng vượt sông bằng sức mạnh đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, phát triển vào nội đô giải phóng quận 9 khi có lệnh.
Về cách đánh, Bộ tư lệnh sư đoàn chủ trương: tập trung lực lượng bộ binh có tăng cường hỏa lực pháo binh, cao xạ và xe tăng tạo thành mũi đột kích mạnh, chọc thủng "tuyến phòng thủ đông - nam" ở nơi xung yếu nhất của địch là Long Thành.
Kết hợp chặt chẽ giữa đột phá chính diện với bao vây, vu hồi, chia cắt, không cho địch rút chạy về phía sau. Khi trận tuyến phòng thủ vòng ngoài của chúng ở Long Thành đã tan vỡ thì nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo trong hành tiến làm cho địch không kịp trở tay, loại trừ khả năng co cụm của chúng.
Về sử dụng lực lượng, hai trung đoàn 101 và 46 được tăng cường xe tăng và hỏa lực mạnh đảm nhiệm nhiệm vụ đánh chiếm khu vực Long Thành: Trung đoàn 101 đột kích hướng chính diện theo trục đường 10; Trung đoàn 46 luồn vào phía sau địch đánh chiếm ngã ba Phước Thiềng cắt đường rút, không cho địch lui về phía sau co cụm; tiếp đó thọc sâu chiếm Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, căn cứ Cát Lái và quận 9 Sài Gòn.
Trung đoàn 18 bao vây tiêu diệt bọn địch ở Bình Sơn và làm lực lượng dự bị chiến dịch của quân đoàn, sẵn sàng chuyển sang tham gia tiến công địch trên hướng đột kích chủ yếu (hướng do Sư đoàn 304 đảm nhiệm), đánh vào nội đô theo trục đường 15 và xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa.
Trưa ngày 26 tháng 4 năm 1975, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Trên các hướng, bộ binh và xe tăng bắt đầu cơ động vào chiếm lĩnh tuyến xuất phát xung phong.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tiến công của quân ta trên hướng đông và đông nam Sài Gòn bắt đầu. Lực lượng pháo binh hùng hậu của sư đoàn, quân đoàn và các đơn vị bạn đồng loạt nổ súng trút bão lửa vào Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa... Bộ đội cao xạ ngoan cường đánh trả máy bay địch bảo vệ các trận địa pháo và toàn bộ đội hình chiến dịch.
Theo đúng kế hoạch, pháo tầm xa của Quân đoàn và pháo 85mm, 105mm, 122mm của các sư đoàn dồn dập bắn 40 phút vào các cụm phòng thủ của địch trên chính diện tiến công. Súng cối và pháo đi cùng của các trung đoàn bộ binh cũng phát huy hỏa lực bắn 10 phút vào các mục tiêu xung phong đầu tiên.
Cùng lúc đó, lợi dụng hiệu quả chế áp của pháo, bộ binh và xe tăng ta khẩn trương vận động vào chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Đợt pháo bắn chuẩn bị vừa dứt, từ các cánh rừng cao su, các vườn cây, các sườn đồi, công sự, chiến hào... bộ đội ta ào ạt xông lên đánh chiếm các căn cứ, các trận địa phòng ngự của địch. Phía bên phải khu vực đột phá của Sư đoàn 325, các chiến sĩ Sư đoàn 304 nổ súng tiến công căn cứ Nước Trong; phía bên trái, các chiến sĩ Sư đoàn 3 đánh Đức Thạnh, Bà Rịa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Ngày 27 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến đấu ở khu vực Long Thành tiếp tục diễn ra ác liệt. Bộ đội ta quyết đánh chiếm bằng được mục tiêu, địch cũng tăng cường lực lượng tới phản kích và huy động phi pháo chi viện cho binh lính lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ cùng bọn bảo an, dân vệ giữ Long Thành.
Các chiến sĩ vừa lùng diệt quân địch trong các vườn cây, các dãy nhà, góc phố vừa đánh trả máy bay địch. Đến 16 giờ 30 phút, Sư đoàn 325 hoàn toàn làm chủ khu vực Long Thành, diệt hơn 600 tên địch, bắt tại trận 506 tên khác, trong đó có hai tên trung tá, hai thiếu tá, bốn đại úy, thu và phá hủy ba trận địa pháo (10 khẩu 105mm), cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh khác của địch.
Chiến thắng Long Thành phá vỡ một khâu quan trọng trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở hướng đông nam Sài Gòn.
Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 gửi điện nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đã lập chiến công đầu và chỉ thị cho sư đoàn: Nhanh chóng tiến đánh chi khu, quận lỵ Nhơn Trạch, mở đường đưa pháo tầm xa vào cấu trúc trận địa, kịp thời nổ súng đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, khóa chặt đường không của địch trước giờ tổng công kích và khẩn trương đánh bịt đường rút của địch từ Sài Gòn qua sông Lòng Tàu ra biển, hoàn thành nhiệm vụ vu hồi chiến dịch.
Ngày 28 tháng 4, khi sư đoàn thọc sâu vào Nhơn Trạch thì bên cánh phải của Quân đoàn, Sư đoàn 304 vẫn đang tiếp tục đánh Nước Trong.
Các cánh quân khác của ta trên toàn mặt trận còn đang đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, mở cửa chiến dịch trên các hướng. Riêng Sư đoàn 325 nếu đánh được vào tới Nhơn Trạch, sẽ là mũi nhọn đột kích đầu tiên áp sát vùng nội đô.
Bọn địch chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội. Nhưng đây là một hướng đánh rất hiểm. Do địa hình có nhiều khó khăn, quân địch ít chú ý phòng bị trục đường 25.
Nếu ta hành động mau lẹ, chúng sẽ không kịp trở tay. Bị đòn bất ngờ, thế trận phòng ngự của chúng sẽ rơi vào tình trạng rối loạn. Bộ tư lệnh Quân đoàn đồng ý cho đơn vị chuyển sang tiến công địch trong hành tiến.
Trong đêm 27, các đơn vị lần lượt tiến ra đường 25 sẵn sàng cơ động. Trung đoàn 46 đảm nhận nhiệm vụ dẫn đầu đội hình của sư đoàn.
Đại đội 6 xe tăng (hiện còn bốn chiếc) được điều lên tăng cường cho Trung đoàn 46. Tiếp đó là cơ quan chỉ huy và các đơn vị binh chủng, đi cuối đội hình là Trung đoàn 101, vừa hành quân vừa tranh thủ củng cố lực lượng.
Trung đoàn 18 ở lại bảo vệ phía sau và làm dự bị của Quân đoàn tiến đánh bên cánh phải. Để nắm chắc và chỉ huy các lực lượng ở phía trước, Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm và Chính ủy Lê Văn Dương quyết định tổ chức một bộ phận chỉ huy nhẹ đi cùng sở chỉ huy Trung đoàn 46 do trung tá Nguyễn Quang Huy, Phó Sư đoàn trưởng và thiếu tá Nguyễn Văn Rinh, Phó Tham mưu trưởng sư đoàn phụ trách.
Đồng chí phó chủ nhiệm chính trị tỉnh đội Biên Hòa và một số đồng chí cán bộ huyện Nhơn Trạch cũng luôn theo sát đội hình tiến quân, giúp sư đoàn hiệp đồng với các lực lượng tại chỗ đánh địch. Rạng sáng ngày 28 tháng 4, đội hình tiến công của sư đoàn được tổ chức xong và các đơn vị bắt đầu xuất phát.
Trên đoạn đường từ Long Thành vào Nhơn Trạch, Trung đoàn 46 bộ binh dẫn đầu đội hình tiến công của sư đoàn, liên tiếp tiêu diệt các cụm phòng thủ của địch ở Bến Sáng, Phú Hội, Long Tân; đồng thời quét luôn hàng loạt tổ chức kìm kẹp của địch ở các thôn xã dọc đường 25.
Đúng như ta dự đoán, bị bất ngờ trước đòn đột kích táo bạo của các chiến sĩ Sư đoàn 325, lực lượng địch ở đây chống cự không nổi và tan vỡ.
Trong buổi chiều và tối hôm đó, được xe tăng và pháo binh chi viện, Trung đoàn 46 sử dụng chiến thuật bao vây tiến công liên tục, sau ba đợt xung phong quyết liệt đã chiếm gọn quận lỵ Nhơn Trạch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch cố thủ ở đây.
Đội hình chiến đấu của sư đoàn vừa xuất phát, các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 164 pháo binh dưới sự chỉ huy của Chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn Nguyễn Băng Hiến cũng được lệnh đưa pháo 130mm tiến sát theo bộ binh.
Trên đường tiến quân, bộ đội pháo binh cùng các lực lượng hành quân phía sau của sư đoàn liên tục đánh trả các cuộc phản kích của bộ binh và hải quân địch từ căn cứ Cát Lái theo sông lạch tiến ra bịt đường.
Ở khu vực Long Tân -Phú Hội, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất. Hàng chục tàu chiến địch đổ quân lên rừng đước và dồn dập nã pháo, cối vào trục đường 25. Binh lính của chúng tỏa ra, tốp bò, tốp chạy đầy đồng.
Nhiều trận giáp chiến đã diễn ra trong các vườn cây, các vạt ruộng ngập nước. Để bảo vệ pháo, giữ vững đội hình tiến quân, cán bộ, chiến sĩ cơ quan sư đoàn và các đơn vị binh chủng đều xông lên diệt địch.
Các khẩu đội pháo 85, cao xạ 37mm, súng máy 12,7mm... của các trung đoàn 84, 284 cũng nhanh chóng tìm vị trí thuận lợi tham gia đánh tàu chiến và bộ binh địch.
Đêm 28 tháng 4, các khẩu đội pháo tầm xa 130mm của lữ đoàn 164 dồn dập tiến vào Nhơn Trạch thiết bị trận địa bắn, chuẩn bị đánh sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu trong thành phố theo lệnh của Bộ tư lệnh Quân đoàn và Bộ chỉ huy chiến dịch.
36 khẩu pháo lớn của Trung đoàn 84 pháo binh, đơn vị anh hùng, 24 khẩu pháo cao xạ 37mm và 57mm của Tiểu đoàn 120 và Tiểu đoàn 75, đơn vị anh hùng nối tiếp nhau vào Nhơn Trạch, hướng nòng ra phía trước, sẵn sàng nhả đạn đánh phá Thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái, cảng Sài Gòn, v.v... săn diệt tàu địch trên sông Lòng Tàu, sông Đồng Nai, cắt đứt đường thủy từ Sài Gòn ra biển và sẵn sàng đánh máy bay địch bảo vệ đội hình tiến công của sư đoàn.
Trong lịch sử kháng chiến cứu nước, đây là lần đầu tiên ta đã đặt toàn bộ khu vực "thủ đô" của địch trong tầm khống chế của pháo binh hạng nặng, tăng thêm thế uy hiếp mạnh mẽ quân địch ở thời điểm quyết định. Bao quanh các trận địa pháo là tầng tầng, lớp lớp các tay súng bộ binh kiên cường của hai trung đoàn 101 và 46 - những con người đã góp phần không nhỏ trong chiến công đưa pháo lớn vào đặt ngay cửa ngõ Sài Gòn trước giờ tổng công kích và đang cảnh giác sẵn sàng giáng trả các cuộc phản công của hải, lục, không quân địch, giữ vững bàn đạp Nhơn Trạch.
Việc tổ chức thành công cả một cụm pháo lớn ở ngay sát nội đô trước giờ tổng công kích thể hiện tài thao lược của Bộ chỉ huy chiến dịch; thể hiện quyết tâm và cố gắng vượt bậc của chiến sĩ bộ binh, binh chủng toàn Quân đoàn, đồng thời một lần nữa chứng tỏ ưu thế áp đảo của ta trong trận đánh giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, Tư lệnh Quân đoàn chỉ thị cho các trận địa pháo 130mm đặt ở Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, mở đầu cuộc tổng công kích.
đó, 303 quả đạn pháo 130mm dồn dập bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất trong một thời gian ngắn. Hòa cùng tiếng pháo lệnh của Lữ đoàn 164, các trận địa pháo của sư đoàn và các đơn vị bạn đồng loạt nổ súng, trút bão lửa vào các khu vực mục tiêu quy định.
Tiếng pháo vang rền từ trận địa Nhơn Trạch báo hiệu mở đầu cuộc tổng công kích của quân dân ta trên Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, các binh đoàn thọc sâu của năm cánh quân đồng loạt vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, ào ạt đánh vào nội đô, cùng các lực lượng tại chỗ giải phóng thành phố.
Trước đó, ngày 28 tháng 4, trong khi sư đoàn đang khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ đánh vu hồi trên hướng Long Thành - Nhơn Trạch thì Trung đoàn 18 (lực lượng dự bị của Quân đoàn) nhận được chỉ thị đưa một tiểu đoàn sang phối hợp với Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 đánh chiếm khu ngã ba đường 15 - Nước Trong, mở sẵn cửa kho binh đoàn đột kích cơ giới hóa phát triển.
Sáng ngày 29, khi binh đoàn đột kích cơ giới hóa bắt đầu xuất phát, Trung đoàn 18 được lệnh tiến tiếp ngay phía sau lực lượng thọc sâu, đánh vào giải phóng thành phố theo trục Nước Trong - Long Bình và xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn.
Cùng thời gian đó, sư đoàn được lệnh tổ chức đánh chiếm Thành Tuy Hạ, căn cứ Cát Lái và phát triển vào nội đô giải phóng quận 9.
Lúc 16 giờ chiều ngày 29 tháng 4, Trung đoàn 101 và xe tăng bắt đầu tiến vào cùng Trung đoàn 46 mở đợt tiến công quyết định. Ba chiếc xe tăng T54 tiến đến cách cổng Thành Tuy Hạ 500 mét thì dừng lại dùng pháo và súng trọng liên 12,7mm kiềm chế chặt chẽ các hỏa điểm địch.
Các chiến sĩ Trung đoàn 46 một lần nữa ào ạt xung phong. Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 101 có xe tăng T54 dẫn đầu dũng mãnh xông thẳng vào cổng chính và nhanh chóng tỏa ra đánh chiếm các điểm cố thủ của địch. Mục tiêu Thành Tuy Hạ được giải quyết xong vào hồi 18 giờ ngày 29.
Lực lượng quân ngụy phòng thủ khu vực này phần lớn bị tiêu diệt và bắt sống tại trận. Một bộ phận luồn được ra cổng phía nam, tháo chạy về Cát Lái.
Chớp thời cơ quân địch trong vùng đang hết sức hoang mang, dao động sau các đòn liên tiếp thua đậm ở Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 101 truy kích đánh thẳng xuống Cát Lái. Tới 18 giờ 40 phút, bộ binh, xe tăng ta tới sát khu vực mố cầu phà phía bắc.
Bọn hải quân địch ở khu vực Cát Lái vội vã kéo tất cả tàu, thuyền sang bờ nam sông Đồng Nai, bỏ rơi hàng trăm tên lính ngụy đang run lên vì khiếp sợ bên bờ bắc sông. Khi bộ đội ta tràn tới, chúng nhanh chóng đầu hàng và tan rã.
Tối 29 tháng 4, để chuẩn bị cho cuộc vượt sông đánh vào Sài Gòn, một bộ phận trinh sát chiến đấu của sư đoàn lập tức dùng thuyền bí mật đổ bộ sang bờ nam sông, nắm địch. Bộ tư lệnh sư đoàn cùng cán bộ chỉ huy các trung đoàn 101, 84, 46 và đơn vị xe tăng, công binh... xuống khu vực bến phà trực tiếp nghiên cứu, xây dựng phương án vượt sông tại chỗ.
Giữa những chớp lửa sáng lóe của đạn pháo địch bắn cầm canh sang bờ bắc, cán bộ chỉ huy các đơn vị chăm chú lắng nghe sư đoàn trưởng chỉ thị và phòng tham mưu sư đoàn phổ biến kế hoạch hiệp đồng tác chiến.
Quyết tâm của sư đoàn là: tổ chức tiến công vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, đánh chiếm căn cứ Cát Lái, khu vực cảng và quận 9 Sài Gòn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cấp trên giao cho.
Ngay trong đêm tối, các đơn vị khẩn trương triển khai lực lượng chuẩn bị vươt sông. Tảng sáng ngày 30 tháng 4, khi trận địa pháo tầm xa 130mm đặt ở Nhơn Trạch được lệnh thôi bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, thì cuộc tiến công vượt sông của sư đoàn bắt đầu.
Để thăm dò phản ứng và nhử các trận địa hỏa lực địch trên bờ nam sông bị lộ cho pháo binh ta bắn hủy diệt, sư đoàn trưởng chỉ thị cho một xe lội nước (BAP) chở 10 chiến sĩ bộ binh được trang bị mạnh, vượt lên trước đội hình, tiến thẳng sang bờ nam sông.
Xe BAP của ta vừa ra tới giữa sông thì bọn địch trong căn cứ hải quân Cát Lái nổ súng đánh chặn và cho ba tàu chiến xuất kích ra bịt đường. Trận địa pháo bắn ngắm trực tiếp của Trung đoàn 84 lập tức nổ súng đánh chìm tại chỗ cả ba tàu địch.
Các cụm pháo sư đoàn đặt ở Nhơn Trạch, Tuy Hạ đồng loạt phát hỏa, trút bão lửa xuống vị trí địch trên bờ nam sông. Các khẩu đội cao xạ của ta cũng hạ nòng tham gia đánh diệt bộ binh địch. Pháo binh ta được đài quan sát luồn sâu hiệu chỉnh bắn rất chính xác.
Tiếng trái pháo nổ dồn dập. Từ căn cứ Cát Lái, những đám cháy, những cột khói lớn bốc cao. Đòn tập kích hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh ta nhanh chóng đè bẹp lực lượng địch trên toàn khu vực.
Tuy có chuẩn bị đối phó từ chiều ngày 29, nhưng chúng vẫn bị bất ngờ trước quy mô cuộc tiến công và cách đánh của ta.
Vì bị bất ngờ nên binh lính ngụy hoảng hốt bỏ tàu vọt lên bờ tìm nơi ẩn nấp hoặc tháo chạy thục mạng. Bọn chỉ huy các liên giang đoàn yểm trợ hết sức lúng túng và không nắm được binh lính thuộc quyền. Chúng liên tiếp đánh điện cầu cứu cấp trên cho lực lượng tới tiếp viện.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 30 tháng 4, mong đánh thông đường tháo chạy ra biển và cứu nguy cho đồng bọn ở Cát Lái, bộ tư lệnh hải quân địch liều lĩnh tập trung lực lượng mở cuộc phản kích. Từ Tân Cảng, hàng đoàn tàu chiến chở đầy lính ngụy theo sông Nhà Bè hùng hổ tiến ra vừa đi vừa bắn tới tấp vào những nơi chúng nghi ngờ có trận địa hỏa lực của ta bố trí.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Mặc cho địch phản pháo ác liệt, các chiến sĩ Trung đoàn 84 và Tiểu đoàn 120 cao xạ gan góc chờ địch vào gần mới nổ súng đánh trả. Chỉ trong chớp nhoáng lại thêm 5 tàu địch bị nhấn chìm tại chỗ.
Nhiều chiếc khác trúng đạn pháo bị thương. Một tàu kéo theo ba xà lan chở đầy đạn bốc cháy, nổ dữ dội. Hàng chục tàu chiến địch liên tiếp bị bắn chìm, bắn cháy trên sông Đồng Nai làm cho bọn hải quân ngụy vô cùng khiếp sợ.
Sợ pháo binh ta săn đuổi, các tàu địch đi ở phía sau vội vã quay đầu tháo chạy về Tân Cảng. Nhân đà thắng lợi, cán bộ chỉ huy sư đoàn lập tức ra lệnh cho Trung đoàn 101 vượt sông.
Được chính quyền cách mạng và nhân dân địa phương đưa thuyền bè tới giúp chuyên chở lực lượng, cán bộ, chiến sĩ 101 nhanh chóng đánh sang chiếm gọn căn cứ hải quân Cát Lái, bắt giữ thu hồi hơn 100 tàu xuồng chiến đấu và một khối lượng rất lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh khác.
Cùng thời gian đó, các chiến sĩ Trung đoàn 46 nhận nhiệm vụ truy kích địch mới được tàu chiến đổ lên bờ bắc. Trung đoàn nhanh chóng tiêu diệt và đánh tan hai tiểu đoàn địch, bảo đảm an toàn cho lực lượng binh khí kỹ thuật tiếp tục chuyển sang phía nam sông.
Cuộc tiến công vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, trận đánh lớn thứ tư của Sư đoàn 325 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Vào lúc căn cứ Cát Lái - điểm cố thủ cuối cùng của địch ở phía đông - nam Sài Gòn bị đập vỡ tan tành, thì trên hướng đường xa lộ, binh đoàn đột kích cơ giới hóa của Quân đoàn 2, sau khi đánh chiếm căn cứ Long Bình, cầu xa lộ (Đồng Nai), đã tràn qua quận Thủ Đức và đang tiếp tục đột phá qua điểm cố thủ cuối cùng của địch ở khu vực cầu xa lộ (Sài Gòn), mở đường đánh vào dinh Độc Lập.
Chấp hành mệnh lệnh trên, ngay sau khi vừa cơ bản đập vỡ được điểm phòng thủ của địch ở Cát Lái, Bộ tư lệnh sư đoàn 325 trực tiếp nắm Trung đoàn 101 cùng đơn vị xe tăng thần tốc đánh vào quận 9 và khu vực Tân Cảng. Trung đoàn 46 và Trung đoàn 84 ở lại bảo vệ mục tiêu và khóa chặt sông Lòng Tàu không cho địch rút ra biển.
Đến giờ phút này, bọn địch ở Sài Gòn đã hỗn độn đến cực độ. Đại bộ phận binh lính địch khiếp sợ trước sức tiến công vũ bão của quân ta, chúng quẳng súng tìm đường tháo chạy.
Bọn quan chức ngụy quyền cũng nháo nhác tìm phương di tản. Nhưng đường thủy, đường không và mọi tuyến đường bộ đều đã bị khóa chặt. Con đường duy nhất mà chúng phải chọn là đầu hàng cách mạng. Ở dinh Độc Lập, tướng Dương Văn Minh đang chủ trì một cuộc họp các tổng trưởng ngụy để chuẩn bị cho lễ ra mắt "tân nội các" dự định sẽ tiến hành vào 10 giờ sáng.
Nhưng khi nhận được tin các đơn vị nòng cốt bảo vệ vòng ngoài đều bị tiêu diệt và tan rã, các quân đoàn chủ lực của ta từ nhiều hướng đã tràn vào tới nội đô, tổng thống Việt Nam cộng hòa buộc phải đưa ra một bản tuyên bố muộn màng trên đài phát thanh Sài Gòn xin "ngừng bắn... để cùng thảo luận về bàn giao chính quyền" hòng vớt vát được chút gì trong cái thế sụp đổ không thể tránh khỏi.
Không nghe bất cứ luận điệu nào của đối phương, cán bộ, chiến sĩ ta kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, nêu cao quyết tâm tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, bắt chúng phải đầu hàng không điều kiện.
Từ 9 giờ ngày 30 tháng 4, các chiến sĩ Trung đoàn 101 phát triển trên hướng đông nam Sài Gòn dồn dập đánh vào chiếm gọn quận 9, bộ tư lệnh hải quân ngụy và khu vực Tân Cảng, thu hồi và bắt giữ hàng trăm tàu địch trên sông Sài Gòn.
Trên hướng đường xa lộ, các chiến sĩ Trung đoàn 18 sau khi đập tan sự kháng cự của địch ở trường cảnh sát quốc gia và trường huấn luyện Thủ Đức đã nhanh chóng đánh thẳng vào quận 1.
Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 203 xe tăng, Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 và các đơn vị bạn trong Quân đoàn thành lập "Liên binh đoàn thọc sâu" đánh chiếm dinh Độc Lập.
Bộ phận liên binh đoàn thọc sâu này đã nhanh chóng vượt cầu Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Sài Gòn, chiếm đài phát thanh, tổng cục chiến tranh chính trị, khu vực thương cảng và quận 4.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập chính thức báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
* Nguồn trích dẫn:
- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- "Năm 1975 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.
- "Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.