Quy định phi công nghỉ việc phải báo trước 180 ngày dễ gây mất an toàn bay

20/04/2015 13:54
Mai Anh
(GDVN) - Khi người lao động đã xin nghỉ mà cơ quan chủ quản vẫn sử dụng văn bản luật để yêu cầu họ làm việc chắc chắn hiệu quả công việc không cao, dễ phản tác dụng..

Khi người lao động đã xin nghỉ việc mà cơ quan chủ quản sử dụng văn bản luật để yêu cầu họ tiếp tục làm việc chắc chắn hiệu quả công việc không cao, thậm chí phản tác dụng.

Những ngày qua Dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay đang được Bộ Giao thông vận tải mời góp ý tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

Hai điểm đáng chú ý trong Dự thảo Thông tư này chính là quy định lao động trình độ cao đang làm việc trong các hãng hàng không bao gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên, nhân viên điều độ, khai thác bay… muốn nghỉ việc phải có văn bản trước 6 tháng (180 ngày).

Nếu trong trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng vào tháng 6, tháng 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó.

Dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay được Bộ Giao thông vận tải công khai mời góp ý kiến (ảnh chụp màn hình).
Dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay được Bộ Giao thông vận tải công khai mời góp ý kiến (ảnh chụp màn hình).

Nội dung mới này trong Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Bởi quy định người lao động muốn xin nghỉ việc phải báo trước 6 tháng là trái với Luật Lao động. Theo Điều 37, Luật Lao động người lao động muốn nghỉ việc chỉ phải báo trước 30 – 45 ngày.

Trước ý kiến phản đối Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng cho rằng Bộ trưởng Giao thông được phép quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức trên 30 hay 45 ngày.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ths.Luật sư Trương Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến và xây dựng pháp luật - Liên đoàn luật sư Việt Nam cho rằng việc Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải viện dẫn Điều 70 Luật Hàng không dân dụng trong trường hợp này là sai.

Điều 70 Luật Hàng không dân dụng Quy định chi tiết về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ và cơ sở y tế giám định sức khỏe. Theo đó tại Khoản 1, Điều 70 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có quyền quy định chi tiết về: Chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không; đối với quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

“Như vậy không tại Điều 70 không hề nhắc đến vấn đề hợp đồng lao động, điều khoản trong hợp đồng lao động mà ở đây vì là đặc thù của ngành hàng không nên Bộ Giao thông vận tải có quyền quy định thời gian làm việc và nghỉ ngơi”, LS Tuấn cho biết.

Chính vì vậy theo Ths.LS Trương Anh Tuấn, người sử dụng lao động, người lao động trong ngành hàng không vẫn phải thực hiện quy định tại Điều 37 Luật Lao động. Theo đó tại Điều 37 quy định Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động thì người lao động chỉ phải báo trước thời gian nghỉ việc từ 30 – 45 ngày.

Cùng quan điểm trên, TS.LS Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe khẳng định: “Dự thảo Thông tư quy định người lao động trình độ cao trong ngành hàng không muốn nghỉ việc phải gửi văn bản trước 180 ngày là không có cơ sở. Thông tư không thể quy định một cái gì trái với quy định của pháp luật được”.

Luật Lao động quy định rõ người lao động muốn xin nghỉ việc chỉ phải báo trước 30 ngày với hợp đồng lao động có thời hạn và 45 ngày với hợp đồng lao động không thời hạn.

“Luật Lao động áp dụng cho người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại Bộ luật này; Người sử dụng lao động; Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Nói cách khác, đối với vấn đề lao động thì Luật Lao động, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành mới là văn bản có hiệu lực cao hơn”, TS.LS Hà cho biết.

Cũng theo TS.LS Hà không thể đưa ra vấn đề đặc thù ngành nghề hàng không trong vấn đề này bởi mọi quy định không được trái quy định của pháp luật. “Nếu mai anh nói vì đặc thù người lao động muốn xin nghỉ việc phải chờ 3 năm người lao động cũng phải chập nhận?”, LS Hà nêu ví dụ.

Ở khía cạnh khác, theo PGS-TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn để chất lượng lao động tăng thì tâm lý người lao động đóng vai trò quan trọng. Do đó khi người lao động vì lý do nào đó bị ức chế trong tâm lý, họ muốn xin nghỉ việc, nếu cơ quan chủ quản chỉ sử dụng văn bản luật mang tính cơ học để yêu cầu họ tiếp tục làm việc chắc chắn hiệu quả công việc không cao, thậm chí phản tác dụng.

Với đặc thù ngành hàng không, khi những nhân sự trình độ cao như phi công làm việc với tâm lý không thoải mái sẽ dễ gây mất an toàn bay như bài học về thảm họa của hãng bay Germanwings vừa qua. 

Mai Anh