Tìm "học sinh nổi trội", thầy "tẩu hỏa nhập ma"

21/04/2015 07:31
Đỗ Quyên
(GDVN) - Sắp đến thời điểm bình chọn học sinh nổi trội theo Thông tư 30 làm thầy cô cứ muốn “tẩu hỏa nhập ma” với bao tiêu chí “hiểu như thế nào cũng được”.

LTS: Thêm một bài viết về TT30 của cô giáo Đỗ Quyên, gửi từ một trường tiểu học ở Nam Trung Bộ đến tòa soạn.

Ở đây, cô giáo lo lắng về việc đánh giá học sinh. Và, nếu lo lắng ấy không được khắc phục, biến thành sự thật thì rất đáng lo ngại.

Không lẽ, đánh giá học trò lại ào ào như thế? Hay đánh giá như vậy là tiến bộ?

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.

Ngay ở học kỳ 1, để bình xét danh hiệu học sinh được khen thưởng đã có biết bao cuộc họp định kỳ, họp khẩn, để mang TT 30 ra đọc, rồi mổ xẻ, tranh cãi mãi, cuối cùng mỗi trường cũng đi đến cách làm thống nhất riêng cho từng trường của mình. 

Trường quyết định khen trên 50% học sinh của mỗi lớp, trường khen 70%, có trường con số vượt ngưỡng 90% nhưng đặc biệt có trường chỉ hơn 20%. Một quy định của Thông tư vì sao lại có sự lệch lạc về chỉ tiêu khen thưởng như thế?

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cùng đọc kĩ  TT 30 nhé: ““Cuối học kì 1 và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.

Quy định rõ là thế, nhưng mỗi trường lại có cách hiểu và cách làm khác nhau. 

Ba nội dung đánh giá mà TT 30 nêu gồm: Học tập, phẩm chất và năng lực. Học sinh sẽ được khen thưởng gồm những thành tích như: Đạt thành tích nổi trội về học tập (ngầm hiểu như học sinh xuất sắc trước đây), đạt thành tích về môn tiếng Việt, môn Toán, Anh văn, Tin học, Mỹ thuật…hay khen thưởng về mặt phẩm chất mà tiêu chí ở TT 30 đưa ra cũng rất khó xác định sao cho chuẩn xác. 

Ví dụ: …chăm làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ, tích cực tham gia các hoạt động thể thao ở trường, ở địa phương…Hay học sinh phải biết tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, yêu gia đình, bạn bè. Khen về mặt năng lực như tự phục vụ, tự quản, giao tiếp hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Những tiêu chí này hiểu thế nào mà chẳng được. Một số thầy cô giáo lại quan niệm: “Lớp có nhiều học sinh được khen thưởng là giáo viên đó dạy giỏi”. Vì thế, họ đua nhau bình chọn cho lớp mình thật nhiều. 

Nếu không được khen về học tập cũng đủ điều kiện khen về phẩm chất, về năng lực hay khen về một môn học nào đó. 

Giáo viên thường đùa nhau, muốn khen về phẩm chất hay năng lực bao nhiêu mà chẳng được bởi “cái này có trời cũng không kiểm tra nổi”. 

Nhiều giáo viên khi xét học sinh được khen, đã căn cứ vào vài điểm số các em vừa kiểm tra cuối kỳ. Mặc dù TT 30 nhấn mạnh, điểm số chỉ có tính tham khảo. 

Có em kiểm tra được 10 điểm tiếng Việt, tiếng Anh, Toán… là được xét: Đạt thành tích về môn tiếng Việt, Toán, tiếng Anh. Với cách khen như thế này, có lớp 32 học sinh nhưng khen tới 28 em, lớp ít nhất cũng mười mấy em. 

Nếu so với việc căn cứ điểm như mọi năm thì việc khen theo TT 30 mới ở các trường hiện nay dễ đạt hơn nhiều. Nếu về học tập các em học còn yếu thì sẽ được khen về mảng phẩm chất hay năng lực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cách bình chọn khen thưởng quy định cho có

Thông tư 30 có quy định bình chọn học sinh được khen thưởng phải “…tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh…”. Những người soạn Thông tư chắc không thể hiểu nổi phụ huynh các vùng quê, đặc biệt là những vùng kinh tế người dân còn nghèo khổ, khó khăn. 

Cha mẹ miệt mài lo cái ăn cái mặc hàng ngày, nhiều gia đình đẩy con vào trường là hết trách nhiệm. Nhiều khi con cái họ hư, phạm lỗi nhưng giáo viên liên hệ nhiều lần cũng khó mà gặp được. 

Nhiều người con học gần hết năm còn chưa biết con mình học ở lớp nào, thầy giáo hay cô giáo làm chủ nhiệm. 

Phụ huynh thì thế, còn học sinh tham gia bình chọn nhau ư? Với lứa tuổi lên 6, lên 7 thích thì bầu cho bạn không thích thì thôi.

Thông tư 30 còn nêu rõ: “…Số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định”. Vậy là Ban giám hiệu một số trường hiện nay lý giải: “Mấy năm nay tỉ lệ học sinh khá giỏi được khen thưởng hơn 90% số học sinh cả lớp, nay chỉ khen vài em, sợ phụ huynh sốc rồi thắc mắc”. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Một số hiệu trưởng khác cũng muốn trường mình tỉ lệ học sinh được khen thưởng cao để “chau chuốt cho các báo cáo” nên cũng “phóng tay” trong việc bình xét. Thế là “loại” học sinh nổi trội là thế.

Khen thưởng học sinh nhiều chưa phải vì các em xứng đáng mà vì thành tích thi đua của thầy cô giáo. 

Thiết nghĩ, đổi mới cách đánh giá học sinh cũng cần phải đổi mới từ khâu khen thưởng. Để những tờ giấy khen người trao cảm thấy vinh dự và người nhận cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc

Đỗ Quyên