Hình minh họa. Ảnh: DW/DPA. |
South China Morning Post ngày 20/4 đưa tin, Việt Nam và Philippines đang nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong lúc Trung Quốc ngày càng leo thang trên Biển Đông. Nhưng giới phân tích cho rằng nỗ lực này của 2 nước sẽ không ngăn nổi Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện (bành trướng) trên vùng biển này.
Tuy nhiên Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng với việc các nước láng giềng trong khu vực quan hệ chặt chẽ hơn với các đối thủ chiến lược của Bắc Kinh, đó là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nói với South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, Tổng thống Aquino cho biết Philippines và Việt Nam đang nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác. Ông cũng liên tục báo động việc Trung Quốc xây dựng sân bay, căn cứ quân sự phi pháp trên đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Năm ngoái Aquino đã khiến Bắc Kinh tức giận khi ông nói rằng, thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc giúp Philippines chống tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng giống như phương Tây quay lưng với Tiệp Khắc trong cuộc chiến chống phát xít Đức năm 1938.
Hứa Lợi Bình, một giáo sư nghiên cứu ngoại giao khu vực Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh sẽ không xem bất kỳ hợp tác nào giữa Việt Nam và Philippines đủ sức thách thức vị trí của Trung Quốc. "Việt Nam và Philippines cũng có yêu sác chủ quyền đối với Trường Sa. Trong trường hợp này, đó là khó khăn để Việt Nam và Philippines kết hợp mạnh mẽ", ông Bình nhận định.
Viên học giả Trung Quốc này cho rằng, vị thế của Việt Nam để đối phó với (sự bành trướng của) Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã "suy yếu" vì tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh để tiếp tục phát triển kinh tế.
Ông Hứa Lợi Bình, ảnh: VOV/Talk Vietnam. |
Trương Minh Lượng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á đại học Kỵ Nam cho rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam với Philippines sẽ khiến Bắc Kinh phiền lòng, nhưng trọng tâm của Trung Quốc lại là sự hiện diện của Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Biển Đông. Nhật đã sử dụng ảnh hưởng của mình thuyết phục G7 lên tiếng phản đối dùng vũ lực, dọa dùng vũ lực cản trở tự do, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Lý Minh Giang, một giáo sư từ trường Rajaratnam ở Singapore cho rằng, Bắc Kinh sẽ không dừng công việc cải tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, nhưng sẽ cảnh giác với phản ứng của các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia và Brunei. Quá nhiều căng thẳng sẽ khiến các nước Đông Nam Á chào đón Mỹ và Nhật Bản, Bắc Kinh thì không muốn điều này.
Tạp chí The Week ngày 20/4 cũng đưa ra bình luận, dù xét theo tiêu chuẩn nào thì hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là không thể chấp nhận được. Bắc Kinh đã chiếm thế chủ động và huy động tất cả các thủ đoạn "vũ lực ngắn hạn" để có được những gì họ muốn. Điều này khiến các nước láng giềng cảm thấy khó đối phó.
The Week cho rằng các quốc gia láng giềng bị ảnh hưởng cần hợp tác với nhau và chung sức với Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Một mặt trận thống nhất sẽ là xương sống cho các quốc gia yếu hơn và Bắc Kinh sẽ khó khăn hơn so với khi trả đũa 1 quốc gia đơn lẻ.
Các đảo nhân tạo Trung Quốc xây (bất hợp pháp) ở Biển Đông không phải lý do đủ lớn để bắt đầu một cuộc chiến tranh, nhưng no là vi dụ về một thủ đoạn cao tay và thách thức người khác. Nếu thành công, nó sẽ còn dẫn đến những hành vi hiếu chiến hơn nữa. Bắc Kinh cần phải biết rằng những hành động đơn phương đều có hậu quả, tốt nhất hãy "chơi đúng luật".