Bị trù dập, một cô giáo tại Hà Nội tự tử trước ngày về hưu?

30/09/2011 07:46
Ngọc Khánh
(GDVN) - Sự chơi vơi trong tuyệt vọng của tinh thần cô giáo Lan đã không được gia đình, đồng nghiệp phát hiện và nâng đỡ kịp thời.
LTS: Một cô giáo tiểu học ở Hà Nội đã tự tử trước ngày về hưu. Những di thư còn sót lại của cô cho thấy có nhiều uất ức trong quá trình dạy học. Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin chuyển tới bạn đọc loạt bài dài kỳ về vụ việc này.

Sự giải thoát đầy uẩn khúc!

Ngày 2/9 – cái ngày mà dân làng thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội không khỏi bàng hoàng khi nhận được hung tin cô giáo Nguyễn Thị Lan – giáo viên trường tiểu học Hồng Hà chết dưới lạch nước bãi Tân Bồi.

Theo đó, trưa ngày 1/9 cô Lan đi khỏi nhà, đến suốt đêm và ngày hôm sau vẫn không thấy về. Cả gia đình tá hỏa, sợ có chuyện chẳng lành xảy ra bèn gọi tất cả anh em thân thích chia nhau đi tìm nhưng không có kết quả.

Nhận được tin báo, Công an xã Hồng Hà có mặt để xác minh vụ việc. Đến khoảng 17h30’ ngày 2/9 tìm được thi thể cô Lan nổi trên mặt lạch nước bãi Tân Bồi – xã Hồng Hà. Đồng thời, cơ quan công an tìm thấy trên bờ có một chiếc nón úp lên một chiếc áo khoác và đôi dép của cô Lan, đặc biệt lại có thêm một bức thư có tên “Những điều muốn nói” viết trên mặt sau của một tờ lịch nằm cùng đó.

Theo người dân cho biết, lạch nước bãi Tân Bồi rất sâu, trên mặt nước có rất nhiều bèo lục bình. Nhiều người cho rằng, việc cô Lan chết có thể là vụ tự tử. Ngay sau đó, gia đình đã mang thi thể cô Lan về nhà riêng và tổ chức mai táng.

Khi đến nhà cô Lan và thấy tử thi đã được gia đình khâm niệm, đang tổ chức phát tang phúng viếng, cơ quan CSĐT, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng đã gặp đại diện gia đình, nội tộc yêu cầu cho cơ quan tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết.

Tuy nhiên, gia đình không nhất trí và cho rằng cái chết của cô Nguyễn Thị Lan là tự tử, chết do ngạt nước. Gia đình cũng đã ký vào biên bản làm việc và cam đoan sẽ không có khiếu kiện gì về hình sự cũng như dân sự, mai táng theo phong tục địa phương.
Bức di thư được tìm thấy trên bãi Tân Bồi
Bức di thư được tìm thấy trên bãi Tân Bồi
Sau khi an táng, người thân trong nhà đã tìm thấy trong tủ cá nhân của cô Lan rất nhiều những giấy tờ có nội dung nói về những sự việc trong nhà trường. Đây cũng là nguồn cơn làm cho cô giáo Lan phẫn uất, bế tắc trong tinh thần phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Có một sự ngẫu nhiên đó là, ngày 1/9, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, ông Đinh Hữu Hạnh đã có Quyết định bà Nguyễn Thị Lan, sinh ngày 18/10/1956 được nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí bắt đầu từ ngày 1/11/2011. Thông tin này hoàn toàn mới đối với gia đình tại thời điểm đó. Đáng tiếc rằng, gần 37 năm cống hiến vì sự nghiệp Giáo dục của cô giáo Lan chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước thì đã xảy ra sự việc đau buồn này.

Sự ra đi của cô Lan không chỉ là niềm đau xót, thương cảm đối với gia đình, đồng nghiệp, học trò mà còn hết sức bất ngờ, bởi ngày định mệnh ấy hé lộ những sự việc mâu thuẫn xảy ra với người lãnh đạo nhà trường trong suốt quá trình công tác được ghi trong những di thư cô Lan đã viết và lưu lại.

Xót xa bức di thư cuối cùng

“…hè 2010 và ngày 30/9/2010 HTT (Hiệu trưởng trường) tiểu học Hồng Hà là: Nguyễn Thị Nụ đã dùng chức quyền để làm và nói những điều ác bôi nhọ danh dự của GV (Giáo viên) (như tôi) trước hội nghị CBGV (Cán bộ giáo viên - PV) ngày 30/9/2010 ai cũng nghe rõ, tôi cũng trả lời phản đối ngay nhưng cũng không trả lời được hết vì đầu đã ức chế nên những điều ác đó cứ ám trong đầu tôi, tinh thần tôi bị hủy diệt dần trong sự sống…”

Trên đây là một đoạn nội dung trong bức di thư mà cô Lan đã viết và để lại trên bờ trước khi quyên sinh tại lạch nước Tân Bồi, làng Bồng Lai. Bức di thư này được viết trên mặt sau của tờ lịch loại blốc. Mặt trước tờ lịch in ngày 27/7/2011 có dòng chữ viết tay “Tôi xin trân trọng cảm ơn”. Người viết (đã ký) Nguyễn Thị Lan.

Nhìn nét chữ trong bức di thư cuối cùng này có phần hơi run rẩy, không được đều nét.
Quyết định bà Nguyễn Thị Lan, sinh ngày 18/10/1956 được nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí bắt đầu từ ngày 1/11/2011.
Quyết định bà Nguyễn Thị Lan, sinh ngày 18/10/1956 được nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí bắt đầu từ ngày 1/11/2011.
“Tôi dạy học đã 37 năm, kết quả đã được các cấp lãnh đạo trong ngành, các chị, em đồng nghiệp cùng trường đã ghi nhận”, lời khẳng định những đóng góp của cô Nguyễn Thị Lan đối với trường Tiểu học Hồng Hà trong suốt những năm tháng qua dường như là một sự cố gắng giải thích cho mọi người để xóa tan mọi hiểu lầm, cách nhìn thiếu thiện cảm với một cô giáo lâu năm.

Trong di thư, cô Lan đã viết “Vậy tôi mong muốn các cấp lãnh đạo ở phòng, trường, các anh, chị, em đồng nghiệp một lời nói nào đó về sự việc này”.

Liệu rằng những điều cô Lan cho rằng cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nụ dùng chức quyền để “làm và nói những điều ác bôi nhọ danh dự của giáo viên trước Hội nghị cán bộ giáo viên” là đúng không? Tại sao cô Lan lại đặt câu hỏi ở cuối di thư: “HT Nguyễn Thị Nụ làm và nói điều ác đó với GV thì có xứng đáng làm hiệu trưởng không?”

Phóng viên đã về trường Tiểu học Hồng Hà, huyện Đan Phượng, nơi cô Nguyễn Thị Lan đã gắn bó sự nghiệp của mình để tìm hiểu thì mới biết được nhiều điều ẩn sau cái chết đầy khuất tất của cô Nguyễn Thị Lan…

(còn nữa)
Ngọc Khánh