Năm 2013, Tổ chức Lao động quốc tế xếp năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể là thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần.
Điều đáng buồn là so sánh ngay với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn Malaysia 5 lần, thấp hơn Thái Lan 2,5 lần.
Nếu ai còn bán tín bán nghi về con số ấy thì có thể xem cách tính của ILO theo công thức sau:
Năng suất lao động = GDP/Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.
Năng suất lao động = Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người làm việc.
Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa theo đầu người dưới 1.000 USD/năm thì quốc gia đó được xếp là nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo vào năm 2008.
Năng suất lao động = GDP/Dân số x Tỷ lệ người làm việc trong tổng dân số.
Khi đó, GDP/người của Singapore là 39.700 USD, gấp hơn 34 lần Việt Nam; của Nhật Bản là 37.800 USD, gấp 33 lần Việt Nam; của Hàn Quốc là 20.500 USD, gấp 18 lần Việt Nam; của Malaysia là 8.400 USD, gấp 7 lần Việt Nam và của Thái Lan là 4.100 USD, gấp 3,6 lần Việt Nam.
Năng suất lao động thấp khiến cho Việt Nam nghèo và chậm phát triển hơn các nước trong châu lục một khoảng cách quá dài.
Đã có một số tính toán (tham khảo) rằng, Việt Nam muốn đuổi kịp Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại dù có "vắt chân lên cổ" cũng phải cần tới ít nhất 50 năm nữa. Nếu muốn đuổi kịp Singapore phải mất ít nhất 100 năm.
Đấy là nếu Hàn Quốc và Singapore đứng im, chứ họ vẫn đi với tốc độ hiện nay thì ta chẳng có cách gì theo kịp.
Còn nếu chỉ tính ở chỉ số công bố khoa học, chỉ cần so sánh với Thái Lan thì Việt Nam cũng đã tụt hậu 50 năm.
Vậy nên chẳng có gì phải ngạc nhiên nếu những năm tiếp theo, ILO tiếp tục xếp năng suất lao động của Việt Nam ở nhóm "cầm đèn đỏ".
Năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực. ảnh: vietq. |
Ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp:
Thứ nhất, xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là rất khác nhau về trình độ phát triển như hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thiết bị, công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ KHCN, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp.
Thứ ba, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu.
Thứ tư, nền kinh tế nước ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn thấp.
Thứ năm, khoa học chậm phát triển, đầu tư cho khoa học – công nghệ thấp.
Câu chuyện về con ốc vít của Samsung mà dư luận đem ra bàn cách đây mấy tháng tưởng chừng đơn giản, nhưng không dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi vấn đề đặt ra không chỉ là làm được con ốc vít ấy mà là làm như thế nào.
Trao đổi tại một diễn đàn vào đầu tháng 9/2014, đại diện Samsung cho biết trong số 100 đối tác cung cấp linh kiện cho các nhà máy tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, chỉ có 7 công ty nội, mà chủ yếu “làm bao bì và đóng gói”.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi rất đáng suy nghĩ cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi một thời gian dài nhiều doanh nghiệp nội đã quen với cách nghĩ cái gì cũng làm được, nhưng khi hội nhập với kinh tế thế giới thì mới tá hỏa vì hóa ra nhiều thứ rất đơn giản cũng không làm được.
Đấy cũng là lý do vì sao hàng Trung Quốc dù chất lượng không cao vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam (nhất là ở nông thôn). Nhiều người phải dùng các sản phẩm ấy, bởi doanh nghiệp nội không nghĩ ra được các sản phẩm tương tự, mà có bắt chước làm thì giá cao hơn, chất lượng kém hơn, mẫu mã lại không bắt mắt bằng.
Mục tiêu của nước ta là đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng cho đến lúc này vẫn còn quá nhiều vấn đề đặt ra, quá nhiều việc cần phải làm.
Ngoài 5 vấn đề lớn nói trên, thì còn những khó khăn “cố hữu” – là những vấn đề hết sức cụ thể, nhưng lại là xương sống cho quá trình thay đổi nền kinh tế, mà đầu tiên phải kể đến là giáo dục.
Phần lớn các cơ sở đào tạo từ Đại học, Cao đẳng cho tới dạy nghề… đều đang có vấn đề. Hàng nghìn cử nhân thất nghiệp, rồi đến thạc sĩ cũng thất nghiệp là minh chứng cho sự yếu kém của hệ thống giáo dục, đào tạo nói chung. Những yếu kém này cho tới nay đã tạm thời tìm thấy lời giải, nhưng vẫn nằm ở… nghị quyết.
Để nhìn thấy được kết quả thực tế thì rất nhiều chuyên gia giáo dục, trong đó có TS Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dự đoán, có lẽ phải cần thêm 20 năm nữa.
Vấn đề thứ hai là nạn tham nhũng đang cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế, nhưng chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Quan lớn tham nhũng lớn, quan nhỏ tham nhũng nhỏ… báo cáo ở mỗi kỳ họp của Chính phủ đều nêu ra thực trạng tham nhũng có nhiều diễn biến khó lường, nhưng không thấy một ai đứng ra nhận trách nhiệm và hứa với dân sẽ dẹp vấn nạn này.
Thế nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công (CPI) 2013 lại chỉ xếp Việt Nam đứng thứ 117 trong tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhiều vụ tham ô, tham nhũng, đang để lại nhiều hậu quả xấu cho nền kinh tế. ảnh: vietnamplus. |
Đến năm 2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014, xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba 3 năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Vấn đề thứ ba, dù nước ta vẫn đang là nước nông nghiệp, nhưng lại xảy ra nghịch lý trong đời sống của nông dân. Họ làm ra hạt thóc nuôi sống dân tộc, giữ vai trò qaun trọng đưa Việt Nam trở thành nước xếp nhất nhì, thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng nhìn trong bối cảnh của toàn xã hội thì họ vẫn là những người khổ nhất.
Trong một lần trò chuyện với tôi vào Tết Nhâm Thìn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ví von rằng: “Nông dân thời nào cũng khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có được sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của một ông vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng lại mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ!”.
Nước ta đã có nhiều đổi mới trong suốt 40 năm sau ngày thống nhất, nhưng cũng phải thấy một thực tế là cho đến giờ người nông dân vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ nhất. Thật xót xa khi họ khổ sở trên chính những luống cày của mình, nhất là cái cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Người nông dân làm ra hạt gạo đã khổ; rồi trồng được quả dưa, củ hành... cũng khổ nốt, vì chẳng ai lo chu toàn đầu vào - đầu ra giúp họ, thế nên giá cả cứ được chăng hay chớ. Khi chuyện xảy đến, người nông dân kêu than thì mới mọc ra vài chính sách... "chữa cháy".
Trong một buổi họp trực tuyến vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bày tỏ lo lắng khi có tới 33% các hộ thoát nghèo lại thái nghèo. Và, Thủ tướng cũng chỉ rõ rằng, trong bước tụt lùi ấy có sự thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo.
Suy cho cùng, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân.
Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực.
Nhưng vấn đề lớn nhất (vấn đề thứ tư) lại không nằm ở những khó khăn thực tại, mà lại chính ở tư duy của những người lãnh đạo. Tư duy vượt nhiệm kỳ là điều mà nhiều học giả đã đặt ra - một cơ sở cần thiết để nâng tầm của một dân tộc anh hùng.
Nếu người nông dân không thoát khỏi mảnh vườn, cái ao và vài sào ruộng... âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu tầm nhìn của người lãnh đạo dừng ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chỉ giải quyết được ít việc trước mắt, có khi còn làm hỏng tương lai lâu dài. Đấy là chưa kể, trong cái nhiệm kỳ ấy còn có cả sự vụ lợi cho một nhóm người, xong rồi thì hạ cánh an toàn, hậu quả con cháu gánh chịu.
Vậy nên thật có lý khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã nói thẳng tuột ra rằng: “Ở nhiều nước, người ta thấy cần thay lãnh đạo là thay được luôn. Còn ở ta, người không được việc vẫn ngồi đến hết khóa, thậm chí đến mấy khóa liền, thì làm sao “đi tắt, đón đầu” thiên hạ được?”.
Có thể nói rằng ngay từ Đại hội VII (năm 1991) đã có một sức “công phá” lớn, tiến hành cải cách cơ bản bộ máy nhà nước một cách cơ bản, sau đó là cải cách hành chính là trọng điểm.
Nhưng rất tiếc là những chuyển biến lại quá chậm, có lần ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nói thẳng: "Điều hết sức quan trọng là phải điều chỉnh các chức năng của bộ máy hành chính cho phù hợp với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chuyển từ chức năng “cai trị - quản trị” (cũ) sang chức năng mới là “quản lý - phục vụ phát triển”, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.
Đó là một bước chuyển mang tính đột phá, là đòn bẩy đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội".
Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore... đều đã thành công bắt nguồn từ tư duy đổi mới ấy. Chúng ta cũng đã nhận ra cần phải có một cú đột phá từ 25 năm trước, nhưng từ ý nghĩ đến hành động lại là một khoảng cách dài.