Bộ Quốc phòng Ấn Độ muốn mua khoảng 1.500 UAV trước năm 2020

04/05/2015 15:36
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, Quân đội Ấn Độ có tổng cộng hơn 200 UAV, nhưng như muối bỏ bể, đã đưa ra quy hoạch phát triển trước năm 2020 đầy tham vọng.
Máy bay trinh sát không người lái Heron do Israel chế tạo
Máy bay trinh sát không người lái Heron do Israel chế tạo

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 4 tháng 5 đưa tin, truyền thông Ấn Độ gần đây cho biết, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch mua 50 máy bay không người lái để trang bị cho tàu chiến, dùng để thực hiện nhiệm vụ thu thập tình báo, theo dõi và trinh sát trên biển.

Có nguồn tin từ Quân đội Ấn Độ cho biết, những hệ thống không người lái trang bị cho tàu chiến Hải quân này sẽ do tàu có độ dài ít nhất 50 m điều khiển (bất kể có sàn cất hạ cánh máy bay trực thăng hay không) và có năng lực trinh sát ban đêm.

Trên thực tế, máy bay không người lái biên chế cho 3 quân chủng (quân đội) của Ấn Độ đã trở thành một "nhân tố tăng cường sức mạnh gấp bội", nâng cao có hiệu quả năng lực tác chiến của Quân đội Ấn Độ.

Tự nghiên cứu khó, tìm viện trợ nước ngoài

Nói đến ngành máy bay quân dụng không người lái của Ấn Độ, có thể truy tới nghiên cứu khái niệm "trang bị giám sát tự chủ không người lái Nishant" do Bộ Quốc phòng Ấn Độ khởi động vào năm 1982, chính thức lập chương trình vào năm 1988, trở thành chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay trinh sát không người lái Nishant do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phụ trách.

Máy bay không người lái Rustom Ấn Độ
Máy bay không người lái Rustom Ấn Độ

Nhưng dự trữ công nghệ của DRDO thiếu thốn, làm cho việc nghiên cứu phát triển máy bay không người lái Nishant mất nhiều năm nhưng không có hiệu quả rõ rệt, Lục quân Ấn Độ cuối cùng đã miễn cưỡng mua hơn 10 chiếc Nishant để huấn luyện và dạy học.

Năm 1999, Ấn Độ và Pakistan xảy ra giao chiến ở khu vực Kargil cao hơn mặt nước biển hơn 5.000 m, do thiếu năng lực trinh sát, Quân đội Ấn Độ khó mà nắm được tình hình địch, kết quả tổn thất nặng nề.

Sau chiến tranh, Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định lấy phát triển máy bay không người lái làm chương trình trọng điểm. Trong tình hình DRDO khó hy vọng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định trực tiếp mua sắm thành phẩm từ Israel - "cường quốc máy bay không người lái", sau đó thông qua phương thức "thị trường đổi công nghệ" để xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học.

Ấn Độ đã liên tục mua một loạt máy bay không người lái như Searcher, Heron của Israel, nhanh chóng trang bị cho quân đội, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác kỹ thuật với Israel. Tại Triển lãm hàng không Bangalore năm 2005, tổ chức DRDO Ấn Độ và Công ty công nghiệp máy bay Israel (hiện cải tổ thành Công ty công nghiệp hàng không vũ trụ) ký kết thỏa thuận, hợp tác phát triển 3 loại máy bay không người lái với trọng tải khác nhau.

Máy bay không người lái Searcher do Israel chế tạo
Máy bay không người lái Searcher do Israel chế tạo

Hiện nay, các loại máy bay không người lái có trong biên chế của Quân đội Ấn Độ tổng cộng có hơn 200 chiếc, trong đó Lục quân có hơn 100 chiếc (bao gồm 80 chiếc máy bay trinh sát không người lái hạng nhẹ Searcher-1). Hải quân Ấn Độ có 10 chiếc máy bay trinh sát không người lái hạng trung Heron và một số máy bay không người lái làm bia bắn do Ấn Độ tự sản xuất, tạo thành 2 phi đội máy bay không người lái.

Không quân Ấn Độ có 15 máy bay trinh sát không người lái Heron và 65 máy bay trinh sát không người lái Searcher-2, thông qua phương thức tổ chức hỗn hợp, đã thành lập 5 phi đội máy bay không người lái, 1 phi đội bia bắn máy bay không người lái, 1 trường đào tạo kỹ thuật máy bay không người lái và 1 sân bay chuyên dụng.

Chí hướng lớn

Được lợi từ sự giúp đỡ của Israel, trong thời gian ngắn ngủi chỉ hơn 10 năm, Quân đội Ấn Độ nhanh chóng xây dựng được năng lực trinh sát máy bay không người lái ở cấp độ chiến thuật, năng lực theo dõi theo thời gian thực đối với biên giới đất liền và đường bờ biển được tăng cường rất lớn.

Tuy nhiên, do bán kính nhiệm vụ của phần lớn máy bay không người lái Quân đội Ấn Độ không hơn 200 km, trần bay thực tế không trên 6.000 m, chỉ có thể trinh sát khu vực có chiều sâu nông, không có năng lực trinh sát chiến lược và năng lực tấn công đối đất, tồn tại rất nhiều hạn chế trong ứng dụng thực tế.

Máy bay không người lái Pawan Ấn Độ
Máy bay không người lái Pawan Ấn Độ

Máy bay không người lái Heron tiên tiến nhất của Quân đội Ấn Độ mặc dù bán kính nhiệm vụ có thể đạt tới 3.000 m, nhưng tốc độ bay khá chậm (tốc độ tuần tra chỉ 150 m/giờ), hơn nữa không có thiết kế tàng hình, khó đảm đương được nhiệm vụ trinh sát thâm nhập khu vực nguy hiểm.

Không chỉ có vậy, quy mô hiện có của lực lượng máy bay không người lái Quân đội Ấn Độ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu quân sự trên các phương hướng chiến lược. Dựa vào quy hoạch phát triển của Quân đội Ấn Độ, ngoài phải duy trì giám sát thường xuyên đối với biên giới trên đất liền, còn phải đưa Ấn Độ Dương vào phạm vi giám sát. Đứng trước "chiến tuyến" dài như vậy, chỉ có hơn 200 máy bay không người lái chẳng khác gì muối bỏ biển.

Vì vậy, Ấn Độ đang tăng cường hợp tác với Israel, hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái kiểu mới, hiện nay có 3 loại mà dư luận đã biết, lần lượt là máy bay không người lái hạng trung Rustom, máy bay không người lái hạng nhẹ Pawan và máy bay không người lái hạng nhẹ Gagan.

Trong đó, bố cục khí động học và kết cấu bên trong của máy bay không người lái Rustom tương tự Heron, nhưng đã ứng dụng nhiều hơn linh kiện trong nước. Mô hình kích thước đầy đủ của Rustom từng xuất hiện ở Triển lãm hàng không Bangalore năm 2009, bay thử thành công vào tháng 10 năm 2010.

Máy bay không người lái Gagan Ấn Độ
Máy bay không người lái Gagan Ấn Độ

Theo tiết lộ của quan chức DRDO, phiên bản cơ bản của Rustom vẫn là máy bay trinh sát không người lái, nhưng Rustom-H được phát triển trên nền tảng này sẽ trở thành loại máy bay không người lái đầu tiên của Ấn Độ có khả năng tấn công, có thể thực hiện nhiệm vụ "tấn công chém đầu" như máy bay không người lái Predator của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quy hoạch "Kế hoạch phát triển máy bay không người lái quân dụng trước năm 2020", dự định trước năm 2020 mua sắm khoảng 1.500 máy bay không người lái, trong đó 530 chiếc máy bay không người lái có thể bay ở độ cao dưới 4.300 m, 150 chiếc máy bay không người lái có thể bay ở độ cao dưới 6.700 m và máy bay trực thăng không người lái.

Nếu quy hoạch được thực hiện, trong tương lai Quân đội Ấn Độ sẽ sở hữu một hệ thống máy bay không người lái có quy mô khổng lồ, lĩnh vực nhiệm vụ đa dạng, bao quát nhiều cấp độ cao, vừa và thấp. 

Việt Dũng