Trung Quốc sẽ bị phản công ở Biển Đông như "Thái Sơn áp đỉnh"

05/05/2015 07:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Do Trung Quốc đang đe dọa tới lợi ích của các quốc gia khác, nên nó sẽ bị phản công như "Thái Sơn áp đỉnh" ở Biển Đông.
Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc trong một chuyến thăm Mỹ.
Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc trong một chuyến thăm Mỹ.

Đa Chiều ngày 4/5 dẫn nguồn tờ The National Interest Hoa Kỳ bình luận, việc Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) các đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã biến Biển Đông trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận. Lãnh đạo Philippines đã "khai hỏa" chống lại Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông tại diễn đàn ASEAN và dù Bắc Kinh có ba hoa thế nào về yêu sách ở Biển Đông, Hoa Kỳ cũng không thừa nhận.

Trung Quốc sẽ bị Mỹ và các nước liên quan ở Biển Đông phản công như "Thái Sơn áp đỉnh", một thành ngữ của người Hán dùng miêu tả tình trạng bị áp lực, đả kích như núi Thái Sơn đổ lên đầu. The National Interest nhấn mạnh, hoạt động khai hoang (bất hợp pháp) của Trung Quốc đang diễn ra ở cả Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam), dù có rất nhiều nguyên nhân nhưng chung quy hành động này rất khó để khiến khu vực và Hoa Kỳ chấp nhận.

Mặc dù Trung Quốc đưa ra đủ thứ lý do tưởng như vô hại, đại loại là xây đảo nhân tạo để phòng chống thiên tai, quan trắc khí tượng, nhưng Philippines đã nói thẳng rằng mục đích chính của các đảo nhân tạo này là hình thành pháo đài quân sự, có thể khống chế và uy hiếp các bên yêu sách khác ở Biển Đông.

Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc mới đây cũng nói với Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ Johnathan Greenert rằng, Bắc Kinh xây đảo vì mục đích cứu trợ nhân đạo, thiên tai và không đe dọa an ninh, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông?!

Tờ Washington Post bình luận, động thái trên của Bắc Kinh là muốn vỗ về Washington, nhưng người Mỹ vẫn quan ngại. Nhà Trắng đã chính thức lên tiếng nói rằng Mỹ không hứng thú với những đề nghị của Ngô Thắng Lợi, ASEAN cũng cho rằng hành động này (của Bắc Kinh) đang đe dọa, phá vỡ hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Do Trung Quốc đang đe dọa tới lợi ích của các quốc gia khác, nên nó sẽ bị phản công như "Thái Sơn áp đỉnh" ở Biển Đông.

Cùng một quan điểm với tờ The National Interest, ngày 5/5 tờ The Malaysian Insider đăng bình luận của Jamil Maidan Flores, một nhà bình luận chính sách đối ngoại từ Jakarta, Indonesia cho rằng, hoạt động khai hoang, xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa đang phá hoại tương lai. ASEAN vừa qua đã thể hiện một sự đồng thuận cần thiết trước một mối nguy hiểm âm ỉ.

Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tiếp tục lập luận rằng ASEAN không nên thảo luận về tranh chấp Biển Đông, vì chỉ có 4 thành viên có yêu sách. Nhưng theo Jamil Maindan Flores, ASEAN không nói gì về tranh chấp lãnh thổ hay chủ quyền. Kkhối chỉ lên tiếng lo ngại trước ảnh hưởng của các hoạt động khai hoang, cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa đang đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực Biển Đông.

Bắc Kinh (rêu rao luận điệu) tuyên truyền (xuyên tạc) rằng họ khai hoang, cải tạo trong khu vực thuộc (cái gọi là) chủ quyền của mình, các nước khác không được nói ra nói vào?! Nhà bình luận Indonesia lập tức đáp lại, hoạt động cải tạo đang diễn ra ở vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.
Do đó hành vi này phải được chi phối bởi Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)mà ASEAN đang "bơ phờ" thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc.

Vì vậy ASEAN có quyền thảo luận về nó để đạt được một quan điểm thống nhất trong vân đề này. Tuy nhiên tuyên bố của khối các quốc gia Đông Nam Á còn thiếu sót khi không đề cập đến tác động hủy diệt môi trường Biển Đông do hành vi cải tạo của Trung Quốc gây ra.

Hai nhà nghiên cứu Youna Lyons và Won Hiu Fung từ trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore đã có báo cáo chi tiết về vấn đề này, trong đó khẳng định hành động cải tạo (bất hợp pháp) quy mô lớn của Trung Quốc ở Trường Sa sử dụng các rặng san hô sống làm vật liệu xây dựng đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường. Hành vi này cũng chống lại luật pháp quốc tế. Các rặng san hô ở Trường Sa đang bị hủy diệt với quy mô lớn bởi Trung Quốc.

Bởi vậy theo Jamil Maindan Flores, việc cải tạo của Trung Quốc và tác động của nó đối với môi trường Biển Đông phải được đưa ra trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC. Nó cũng cần được đặt ra trong tất cả các diễn đàn quan tâm đến đa dạng sinh học như là một di sản chung, là một bộ phận không thể thiếu của tương lai nhân loại.

Hồng Thủy