Tàu khu trục Cáp Nhĩ Tân của biên đội hộ tống tốp thứ 14 Hải quân Trung Quốc thả tàu nhỏ tiếp cận "tàu bị cướp" (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ) |
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 5 tháng 5 dẫn trang mạng Quỹ Jamestown Mỹ ngày 1 tháng 5 đăng bài viết "Xu thế chủ yếu của ngoại giao quân sự Trung Quốc".
Theo bài viết, Quân đội Trung Quốc rõ ràng đã gia tăng mức độ tham gia cứu trợ nhân đạo quốc tế và hoạt động quân sự phi chiến tranh như tìm kiếm máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia và triển khai tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu.
Điều này có liên quan tới tư tưởng "giấc mơ Trung Quốc" do Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra, trong đó có "giấc mơ cường quốc" và "giấc mơ quân đội mạnh".
Vì vậy, hoạt động triển khai trên biển đến nay của Hải quân Trung Quốc có thời gian dài hơn, mức độ phức tạp cao hơn.
Đồng thời, ba quân chủng lục, hải, không quân chắc chắn đang có nhiều hiểu biết hơn về tác chiến trong giao lưu với quân đội nước ngoài, bao gồm diễn tập liên hợp song phương và đa phương sát thực tế hơn và các cuộc thi đấu quốc tế ít có tình huống được đưa ra theo thói quen cố định.
Quân đội Trung Quốc cũng đang tiếp tục tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm 2014, các hoạt động tham gia của Trung Quốc bao gồm cử nhân viên chữa bệnh tới các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola và triển khai tiểu đoàn bộ binh đầu tiên ở nước ngoài.
Bài viết cho rằng, mặc dù vẫn có một số lĩnh vực không minh bạch, đặc biệt là phương diện nghiên cứu, phát triển và mua sắm trang bị, hệ thống vũ khí, nhưng độ minh bạch của Quân đội Trung Quốc cũng đã tăng lên. Do đã tham gia các cuộc diễn tập liên hợp nhiều hơn, Quân đội Trung Quốc đang trở nên cởi mở và tự tin hơn.
Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc có triển vọng tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, từ đó tăng cường tự tin và làm tốt chuẩn bị cho các cuộc xung đột ở biên giới hoặc ngoài biên giới trong tương lai.
Cùng với việc Trung Quốc mở rộng ngoại giao quân sự trên toàn thế giới, họ đang học cách triển khai dài hơn và ủng hộ binh lực nước mình thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ. Năng lực của nó trong cứu trợ nhân đạo và cứu nạn chắc chắn tăng lên, nhưng có một số điểm yếu.
Chẳng hạn, Quân đội Trung Quốc vẫn không có đủ năng lực vận tải đường không chiến lược để vận chuyển lượng lớn nhân viên. Cùng với thực lực, lòng tin và năng lực của Quân đội Trung Quốc được tăng cường, người dân Trung Quốc cũng chờ đợi quân đội họ có thành tựu lớn hơn, nhất là ở các khu vực như châu Phi và Trung Đông.
Nếu những nước có ngày càng nhiều người Trung Quốc sống và làm việc đó xảy ra nội loạn, Quân đội Trung Quốc sẽ có khả năng triển khai hành động giúp họ rút đến khu vực an toàn.
Biên đội hộ tống tốp thứ 16 của Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập với biên đội 465 của EU (ảnh tư liệu) |
Trang mạng Quỹ Jamestown Mỹ ngày 1 tháng 5 còn đăng bài "Hiện diện hải quân toàn cầu của Trung Quốc: Hoạt động chống cướp biển của Hải quân Trung Quốc".
Bài viết cho rằng, sứ mệnh chống cướp biển toàn cầu ở duyên hải Somalia là một tiêu chí của hành động an ninh tập thể quốc tế thế kỷ 21, hiện nay nó đang từng bước kết thúc.
Từ năm 2012 đến nay, cướp biển Somalia không phát động được các hành động tập kích thành công. Trừ phi hành động bạo lực bất ngờ tăng mạnh, nếu không hải quân các nước có thể bắt đầu rút khỏi vịnh Aden trong vài năm tới.
Giống như rất nhiều nước, Trung Quốc luôn là người bị hại quan trọng của vấn đề cướp biển Somalia. Trong mấy năm qua, hoạt động chống cướp biển của Trung Quốc đã giúp ổn định tình hình vùng biển Somalia, đồng thời đã giúp bảo vệ an toàn cho 1,2 triệu công nhân và 500 tỷ USD đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Đồng thời, Hải quân Trung Quốc đã tăng cường kỹ năng nghiệp vụ quan trọng, vừa ủng hộ thực lực "cứng" hải quân, vừa triển khai ngoại giao quân sự "mềm" có ảnh hưởng sâu xa.
Sứ mệnh chống cướp biển của Trung Quốc đã hoàn thiện. Từ tháng 12 năm 2008 đến đầu năm 2015, trong hoạt động triển khai khoảng cách xa nhiều năm này của Hải quân Trung Quốc, trên 16.000 thủy thủ hải quân và 1.300 binh sĩ hải quân đánh bộ và đặc nhiệm đã thực hiện nhiệm vụ ở vịnh Aden.
Đồng thời, Hải quân Trung Quốc và hải quân, chính phủ vài chục nước đã thiết lập sự tương tác thường xuyên. Lấy chống cướp biển làm danh nghĩa, trong 75 tháng qua, Hải quân Trung Quốc đã cập cảng hơn 120 lần ở các nước.
Trong tất cả các lần cập cảng chống cướp biển của Trung Quốc, có một nửa dùng để tiếp tế tàu thuyền và nhân viên. Một nửa chủ yếu là tiến hành thăm hữu nghị.
Bài viết cho rằng, điều gây chú ý là, khu vực cập cảng của tàu chiến chống cướp biển Trung Quốc có liên quan rất lớn với các dự án phát triển cảng biển do Trung Quốc tài trợ ở Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Ngoài ra, Trung Quốc đã nhiều lần lợi dụng tính linh hoạt của hành động chống cướp biển liên tục ở biển xa để thúc đẩy các biện pháp an ninh của họ. Tháng 3 năm 2011, một tàu hộ vệ đến từ biên đội hộ tống tốp thứ 7 đã giúp công dân Trung Quóc rút khỏi Libya.
Một chiếc tàu hộ vệ của biên đội hộ tống tốp thứ 16 của Hải quân Trung Quốc đã rời khỏi các hoạt động chống cướp biển để giúp đỡ hộ tống tàu thuyền Đan Mạch và Na Uy vận chuyển vũ khí hóa học rời khỏi Syria.
Tháng 1 năm 2015, biên đội hộ tống tốp thứ 18 Hải quân Trung Quốc thăm châu Âu. Trong hình là tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn (thuộc Hạm đội Nam Hải) của biên đội này cùng biên đội thăm quân cảng của Anh (ảnh tư liệu) |
Tóm lại, Trung Quốc hiện diện nhiều năm ở vùng biển Somalia đã giúp họ có được rất nhiều cơ hội đóng góp cho sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế được phổ biến thừa nhận. Cộng đồng quốc tế cần hoan nghênh đóng góp tích cực này.