Cái mà ai cũng biết nhưng ít người thấy

07/05/2015 07:35
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Sự tồn tại của trí thức "rởm cao cấp" một phần là do cá nhân không được dạy dỗ đến nơi đến chốn về đạo làm người, phần khác còn do sự thiếu trách nhiệm.

Một bệnh nhân nữ bị đau răng gặp bác sĩ nha khoa, “ào ác ĩ, em au ong ồm”.

Bác sĩ: “Hiểu rồi, bà đau trong mồm hả, hàm trên hay hàm dưới”, bệnh nhân “àm ưới”.

Sau khi chữa xong, bệnh nhân nói:  “cảm ơn bác sĩ, em phải trả bao nhiêu tiền”?

Bác sĩ: “bà nói gì tôi không hiểu?”.

Bệnh nhân cho bốn ngón tay bành mồm ra rồi nói: “em ải ả ao yêu iền?”, bác sĩ: “ồ không nhiều, chỉ 350 nghàn đồng thôi”.

Câu chuyện hài châm biếm những người quá quen với sự khập khiễng dù không có thật, nhưng lại phản ánh sự thật. Trong cuộc sống, khi dùng đồ rởm nhiều đến mức thành thói quen, người ta quên mất cách dùng đồ thật.

Có lẽ vì thế, chuyện đích thân ông Hiệu trưởng Đại học Ngoại Thương ký văn bản “tố cáo” một giảng viên trường này khiến dư luận hơi giật mình.

Chuyện thường ngày ở huyện, nhất là “huyện Giáo Dục” việc gì phải làm to như vậy?

Tháng 5/2010 trường Đại học Ngoại Thương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây được coi là một cơ sở đào tạo Đại học có uy tín, một mô hình tốt về xã hội hoá giáo dục…

Không lâu sau đó, chuyện đấu đá nội bộ bắt đầu xuất hiện mà điển hình là đơn thư nặc danh liên quan đến vấn đề tài chính, đặc biệt là liên quan đến ứng viên chức Hiệu trưởng.

Tháng 8/2012, tại Hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng, kết quả giới thiệu chức danh Hiệu trưởng, TS Đào Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng được 77 % phiếu tín nhiệm.

Tất cả các ứng viên khác, trong đó có 3 Phó hiệu trưởng chỉ đạt được mức tín nhiệm từ 22-40% (Dân trí).

Cái mà ai cũng biết nhưng ít người thấy ảnh 1

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cảnh báo hay tuyên chiến với “Bằng rởm”?

(GDVN) - Nhà sản xuất chi phối thị trường văn bằng “rởm” chính là ngành Giáo dục, còn nơi tiêu thụ, sử dụng bằng “rởm” nhiều nhất chính là các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên sau gần 3 năm từ ngày bà Giang được 77% phiếu tín nhiệm, Hiệu trưởng trường này vẫn là GS. Hoàng Văn Châu.

Và phải mãi đến ngày hôm qua, 6/5/2015, Đại học Ngoại thương mới có Hiệu trưởng thay thế. Ông này, là cán bộ được điều về từ Bộ Giáo dục.

Như thế, ông Châu tại vị hai nhiệm kỳ kéo dài tới 10 năm, vậy tám năm qua ông làm gì mà chỉ đến khi sắp nghỉ hưu ông mới chịu công khai cái “em sâu làm rầu nồi canh thơm phức của trường mình”? Phải chăng ông muốn cái hương vị “nồi canh” mà ông mở nắp là dành cho người “kế vị” ông? 

Xin nêu một vài sự kiện liên quan đến ba Đại học thuộc vào hàng danh tiếng nhất cả nước là Bách Khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân và Ngoại Thương: Đại học Bách Khoa có hai vụ lùm xùm về đạo văn (ông Nguyễn Cảnh Lương, ông Trần Văn Tớp) khiến Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT quyết định không đồng ý bổ nhiệm ông Trần Văn Tớp vào vị trí hiệu trưởng Đại học Bách Khoa.

Đại học Kinh tế Quốc dân có ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, đã sao chép tới 30% nội dung luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế khiến Bộ GD&ĐT phải thu hồi bằng tiến sĩ của ông này.

Nếu đem so sánh thì vụ việc của giảng viên Nguyễn Huyền Minh ở Đại học Ngoại Thương cũng chẳng có gì đặc biệt. Có chăng là thời điểm và cái cách mà lãnh đạo trường này công bố mà thôi.

Những trường thuộc vào loại uy tín nhất “làng đại học” Việt Nam còn như vậy thì các trường kiểu “xã hội hóa” như Đại học Hoa Sen, Hùng Vương, Chu Văn An, Lương Thế Vinh… còn lắm chuyện để nói.

Không có gì là quá khi nói ngôi nhà Giáo dục bị dột từ trên nóc. Không nhắc lại những chủ trương hay dự kiến chủ trương “giời ơi” như cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng, hay 34 nghìn tỷ cho sách giáo khoa. Xin đề cập đến bộ phận có nghĩa vụ phải công tâm nhất Bộ này là Thanh tra.

Có người tố cáo hiệu phó một trường đại học tư thục trên địa bàn Hưng Yên sử dụng bằng tiến sĩ  “rởm”. Tổ chức nước ngoài bán bằng cho vị hiệu phó này là Liên minh các viện hàn lâm quốc tế của Nga (MMC). Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong một bài báo đã xác nhận MMC là cơ sở sản xuất bằng tiến sĩ rởm. [3]

Cái mà ai cũng biết nhưng ít người thấy ảnh 3

“Câu nói của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khiến tôi thấy vui hơn”

(GDVN) - Hẳn chúng ta còn nhớ cách đây ít ngày, trong buổi họp với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có lời nói thật về bằng thật, bằng giả.

Thanh tra Bộ GD&ĐT sau nhiều tháng xác minh đã kết luận rằng người tố cáo sai,  bằng tiến sĩ của vị hiệu phó này không phải là bằng “rởm” (kết luận thanh tra số 1147/KL-TTr).

Khi bị truyền thông vạch rõ kết luận của Thanh tra Bộ có nhiều sai sót đến mức đáng ngờ, một vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phải vào cuộc thẩm định lại, kết luận của Bộ mà vị Thứ trưởng này ký ghi rõ “chưa đủ cơ sở công nhận (bằng do MMC cấp cho vị hiệu phó nọ) tương đương văn bằng tiến sĩ trong hệ thống văn bằng của Việt Nam”  (kết luận số 816/KL-BGDĐT).

Tuy nhiên dù đã kết luận bằng tiến sĩ của vị hiệu phó này không được công nhận tại Việt Nam, nghĩa là không đủ tư cách làm hiệu phó một trường đại học nhưng Bộ GD&ĐT lại giữ “quyền im lặng” trong việc bắt buộc người này phải thôi chức hiệu phó.

Tương tự, khi một kỹ sư mạo nhận học vị thạc sĩ bị tố cáo, Thanh tra Bộ GD&ĐT lại cho rằng người dân tố cáo sai, vị kỹ sư nọ đúng là thạc sĩ. Chỉ đến khi ông Thứ trưởng vào cuộc thì ông “thạc sĩ” nọ mới chịu trở về đúng “vị trí” kỹ sư của mình.

Vừa qua Học viện Chính trị khu vực III thuộc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quyết định “thu hồi bằng Cao cấp Lý luận Chính trị của học viên Huỳnh Ngọc Tục- Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai”.

Lý do vì ông này sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 “rởm” (hệ bổ túc văn hóa) để thi vào hệ tại chức Đại học Luật. Cả hai quyết định kỷ luật mà ông này phải nhận từ Tỉnh Ủy và UBND tỉnh Gia Lai đều là “cảnh cáo”! [2]

Vấn đề là vì sao cái sự “rởm” về bằng cấp lại trở nên “phổ cập” như vậy?

Có phải là do không có chế tài nào đủ mạnh để răn đe, hay tại chẳng có ai dại gì mà động vào tổ kiến lửa?

“Khi những vị cán bộ có chức quyền dùng bằng giả không bị pháp luật trừng trị mà còn “trèo cao” hơn đến độ không ít vị còn được phong các chức vị quan trọng trong cơ quan Nhà nước” [3] thì có nghĩa là rút dây động … “chức vị quan trọng”, rút làm sao được!

Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng bằng “rởm” hoặc mạo nhận trình độ của khá nhiều cán bộ, công chức, giáo viên… chưa gây nên hậu quả nghiêm trọng nên không cần xử lý hình sự.

Cách ngụy biện này rất “hợp lòng người” vì các “trí rởm” này đông lắm, có thể dễ dàng tìm thấy từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, bộ.

Cái mà ai cũng biết nhưng ít người thấy ảnh 4

Phát hiện thú vị về “phát hiện”

(GDVN) - Nếu có một trường đào tạo ngôn ngữ cho các sĩ phu hiện đại thì có lẽ cụm từ kinh điển đầu tiên mà các học viên phải thuộc lòng là: “chưa phát hiện”. Hà Nội “chưa phát hiện chuyện chạy chức”, Bộ Tài nguyên Môi trường “chưa phát hiện tham nhũng”, Bộ Công Thương “chưa phát hiện cây xăng "gần Viện Quân y 108" bán sai quy định”, Bộ Y tế “Chưa phát hiện chất gây teo não ở hạt hướng dương”, Bộ GD&ĐT “Chưa phát hiện trường nào bán bằng giả”…

Một bài viết trên Tuanvietnam.vietnamnet.vn ngày 23/7/2013 có đoạn: “Còn nhớ chuyện bằng ngoại rởm của ông phó bí thư tỉnh và ông thứ trưởng nọ đã bị dư luận phanh phui, song cuối cùng thì "hòa cả làng". Ông phó bí thư không làm ở tỉnh thì về làm phó bí thư Ban cán sự, ông thứ trưởng thì "hạ cánh an toàn".

Vị Thứ trưởng mà bài báo đề cập là nói về ông C.M.Q. bên Bộ Y Tế, còn ông Phó bí thư tỉnh ủy là lãnh đạo tỉnh Y.B.

Báo Baovephapluat.vn cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 5/9/2013 viết: “Năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một cuộc rà soát lại trình độ học vấn của các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong bộ máy công vụ nước ta đã phát hiện ra hơn 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả. Đáng tiếc con số này không được công bố rộng rãi và cũng không có một trường hợp nào bị xử lý. [3]

Bài báo trên đưa ra kết luận: “Trong khi đó, những người có tài, được đào tạo có bài bản ở thế giới thì ngại về công tác trong nước vì sợ bị đổ vấy với không ít vị Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ rởm đang giữ các trọng trách ở nhiều lĩnh vực”.

Nếu tiến hành một đợt kiểm tra nữa bắt đầu từ năm 2015, có bao nhiêu vạn bằng giả sẽ được phát hiện?

Khi lãnh đạo cấp viện, Hiệu trưởng các trường Cao đẳng, Đại học sử dụng bằng tiến sĩ “rởm” thì hậu quả đi kèm là hàng nghìn bằng cử nhân mà những người này ký (với học vị tiến sĩ viết trước tên) sẽ không có giá trị pháp lý. Dưới góc nhìn của pháp luật, hậu quả này là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng?

Việc giảng viên Nguyễn Huyền Minh của Đại học Ngoại Thương xin nghỉ việc và nói sẽ bồi hoàn kinh phí đào tạo là một quyết định cá nhân đúng đắn, dù muộn cũng vẫn đáng khích lệ, còn hơn vị Phó Giáo sư của Đại học kinh tế Quốc dân quyết định kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra tòa.

Chuyện những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, mạo nhận học vị hoặc dùng bằng “rởm” làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể dân sự, kể cả các trường Cao đẳng, Đại học không còn là vấn đề thời sự. Người dân và truyền thông không còn dành sự chú ý đặc biệt cho các loại “rởm” này vì nói mãi vẫn thế, hơi đâu mà nói tiếp!

Sự tồn tại của loại trí thức “rởm cao cấp” này một phần là do cá nhân không được dạy dỗ đến nơi đến chốn về đạo làm người, phần khác còn do sự thiếu trách nhiệm, nếu không gọi là tiếp tay của một số bộ phận có chức năng quản lý nhà nước.

Nghe tiếng gà gáy giữa trưa, cháu hỏi ông: “ông ơi, gà gáy để làm gì”, trả lời “để đánh thức mọi người”, hỏi “ban ngày, mọi người đều thức, sao lại cần đánh thức”, trả lời “vì ban ngày vẫn có người đang ngủ”, hỏi tiếp “sao lại có người ngủ ngày”, trả lời “vì họ thuộc vào 30%”, “thế 30% là cái gì hả ông?”, “là cái mà ai cũng biết nhưng ít ai thấy”…

Khi đã quen sống với “trí thức rởm”, nếu có ai đó tố cáo “trí rởm” thì dù họ có là “trí thức thật” người ta vẫn ngỡ ngàng bán tín, bán nghi./.

Tài liệu tham khảo:

[2] http://vtc.vn/thu-hoi-bang-cao-cap-chinh-tri-giam-doc-so-tien-than-bang-bang-gia.7.539003.htm

[3] http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-su-xa-hoi/201309/lay-lan-can-benh-bang-gia-te-nan-lam-bang-hoai-xa-hoi-2268814/

XUÂN DƯƠNG