Mỹ muốn mở rộng quy mô và phạm vi tập trận chung trong Đông Nam Á

07/05/2015 06:51
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hải quân Mỹ đang nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi và quy mô các cuộc tập trận chung hiện nay tại Đông Nam Á.

Tờ Diplomat ngày 7/5 cho biết, tổ chức IHS Jane's dẫn lời một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ gần đây cho biết, lực lượng này đang nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi và quy mô của các cuộc tập trận chung hiện nay tại Đông Nam Á.

Ronald Oswald, người đứng đầu bộ phận Theater Security Cooperation (TSC) của Hạm đội 7 và chỉ huy tàu USS Blue Ridge hôm 4/5 cho biết, trong năm tới có thể thấy sự gia tăng các cuộc tập trận đa phương lớn giữa Mỹ và các nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả việc mở rộng các cuộc tập trận song phương sang đa phương bằng cách bổ sung thêm các đối tác mới.

Ảnh tập trận CARAT lần thứ 17.
Ảnh tập trận CARAT lần thứ 17. 

Hầu hết các cuộc tập trận Mỹ tiến hành từ trước tới nay trong khu vực Đông Nam Á đều ở dạng song phương.

Theo nhận định của Diplomat, ý định trên của Oswald không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi các quan chức Mỹ đã từ lâu đã tìm kiếm khả năng này trong khu vực. Theo đánh giá của các nhà phân tích, khả năng này có thể thực hiện được dù còn vấp phải một số rào cản.

Mặc dù Oswal không tiết lộ các chi tiết về kế hoạch này, nhưng theo dự đoán của Diplomat, tuyên bố của ông có thể là sự ám chỉ về kế hoạch tăng cường hơn nữa chương trình hợp tác đào tạo thường niên mang tên CARAT giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á và Nam Á có từ năm 1995.

Mỹ cũng có thể mở rộng không chỉ số quốc gia mà cả phạm vi tham gia của các nước thành viên chương trình hợp tác và đào tạo SEACAT có từ năm 2002 giữa nước này với lực lượng hải quân của 6 nước ASEAN gồm: Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan. 

Theo các nhà quan sát, việc mở rộng phạm vi các cuộc tập trận chung giữa các nước ASEAN với Mỹ là rất phức tạp bởi nó đòi hỏi khả năng, mức độ tương tác khá cao.

Hơn nữa, việc quyết định thêm thành viên nào cũng có thể là một vấn đề gây tranh cãi do có liên quan tới năng lực và những vấn đề chính trị.

Trong thực tế, đã có những tranh cãi xung quanh việc bổ sung Myanmar vào nhóm các quan sát viên của cuộc tập trận Cobra Gold cũng như những chia rẽ trong việc nên loại trừ Trung Quốc ra khỏi RIMPAC năm tới. Đây chỉ là hai ví dụ điển hình gần đây về những khó khăn cho kế hoạch tham vọng này của Mỹ, Diplomat kết luận.

Nguyễn Hường