Hàng trăm ngôi mộ bỗng dưng “biến mất”!

09/05/2015 15:45
THÙY LINH
(GDVN) - Trong quá trình khai thác đất ở khu vực thao trường Kho kỹ thuật K55 (Đà Nẵng), hàng trăm ngôi mộ đã bị múc đi trước sự bàng hoàng của người dân.

Mấy ngày gần đây, người dân tổ 14C, 15, 16…phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bàng hoàng trước sự việc hàng trăm ngôi mộ ở khu Nghĩa Trủng Nghi An – Gò Đồ núi Phước Tường (khu vực kho kỹ thuật K55 – Quân khu V quản lý) bị doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh khai thác đất múc đi.

Trong quá trình khai thác đất, doanh nghiệp đã múc đi hàng trăm ngôi mộ mà không hề hay biết?. Ảnh Thùy Linh
Trong quá trình khai thác đất, doanh nghiệp đã múc đi hàng trăm ngôi mộ mà không hề hay biết?. Ảnh Thùy Linh

Theo một số người dân trong vùng cho biết, sự việc được tiết lộ bắt đầu từ một buổi sáng cách đây khoảng một tuần, có một công nhân lái máy xúc ghé vào ăn sáng ở một quán trong vùng, kể lại rằng người công nhân này mới múc đất mà phát hiện một bộ hài cốt.

Sau khi phát hiện, người công nhân máy xúc này hoảng sợ, sau đó cúi lạy bộ hài cốt và tìm cách đưa đi chôn cất đàng hoàng.

Từ tin người công nhân máy xúc này, người dân trong vùng loan báo tin nhau. Ông Ngô Đằng (83 tuổi, trú tổ 15A, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, là Chủ tịch Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An) cho biết, sau khi biết tin, ông lên kiểm tra nhưng bị chặn lại, không cho vào.

Sau đó ông Đằng về UBND phường Hòa Phát xin giấy giới thiệu thì mới được vào khu vực này.

Ông Ngô Đằng kể lại sự việc. Ảnh Thùy Linh
Ông Ngô Đằng kể lại sự việc. Ảnh Thùy Linh

“Khi tôi lên tới nơi thì thấy họ (doanh nghiệp khai thác đất-PV) đã múc đi rất nhiều ngôi mộ rồi. Ngày 8/5, chúng tôi phát hiện 10 ngôi mộ khác bị khai quật, và chính quyền địa phương cũng đã có mặt để tổ chức cất bốc đưa lên trên đó một đoạn, xây lại mộ mới đàng hoàng hơn…”, ông Đằng nói.

Theo ông Ngô Đằng thì mộ âm linh làng Nghi An có khoảng 1.000 ngôi mộ đất nằm tại khu vực Hố Kè và Gò Đồ (hiện là khu vực kho kỹ thuật K55 – Quân khu V quản lý). Ông Đằng cho biết, trong cuốn lịch sử Đảng bộ Hòa Phát cũng có ghi khu vực Nghĩ Trủng Nghi An có đến gần 2.000 ngôi mộ.

Những ngôi mộ này chủ yếu là các chiến sỹ bộ đội thuộc Trung đoàn 96 đã anh dũng hy sinh trong mặt trận tại cầu Bà Điếc và nghĩa binh tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh khi quân Pháp tấn công thành Thái Phiên.

Ngoài ra, có khoảng vài trăm ngôi mộ của người dân trong làng Nghi An.

Ngày 25/2/2014, ông Đằng đã thay mặt Hội đồng chư phái làng gửi Đơn đề nghị lên UBND TP Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu V yêu cầu giữ nguyên vẹn khu Nghĩa Trủng Nghi An nhưng cuối cùng hàng trăm ngôi mộ vẫn bị múc đi một cách khó hiểu!?.

Trong khi khai thác đất, máy xúc múc xuống độ sâu 6-7m thì phát hiện nhiều vết cát trắng (được xem là những ngôi mộ) và đơn vị khai thác đã dừng lại. Ảnh Thùy Linh
Trong khi khai thác đất, máy xúc múc xuống độ sâu 6-7m thì phát hiện nhiều vết cát trắng (được xem là những ngôi mộ) và đơn vị khai thác đã dừng lại. Ảnh Thùy Linh

Là người bị doanh nghiệp múc mất 6 ngôi mộ của gia tộc, ông Nguyễn Lư (87 tuổi, trú tổ 14C, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) rất bức xúc và buồn bã cho biết:

“Khi phát hiện thì tôi chạy lên đó xem xét thì thấy 6 ngôi mộ của gia tộc đã bị họ múc đi cùng với khoảng 400 ngôi mộ khác. Giờ không biết 6 ngôi mộ của gia tộc tôi và hàng trăm ngôi mộ khác đã được vận chuyển đi đâu, gia đình chúng tôi buồn lắm…”, ông Lư nói.

Ông Nguyễn Lư rất bức xúc về việc 6 ngôi mộ của gia tộc đã bị múc đi. Ảnh Thùy Linh
Ông Nguyễn Lư rất bức xúc về việc 6 ngôi mộ của gia tộc đã bị múc đi. Ảnh Thùy Linh

Có mặt tại nhà ông Ngô Đằng vào sáng 9/5, ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), xác nhận việc doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh trong quá trình khai thác đất đã múc đi rất nhiều ngôi mộ.

Theo ông Tuấn, hiện chưa có cơ sở để khẳng định có bao nhiêu ngôi mộ bị múc đi, vài chục hay vài trăm ngôi mộ. Con số 400 ngôi mộ mà người dân đang bàn tán xôn xao mới chỉ là con số ước lượng thôi.

Ông Tuấn cho biết, đây là khu vực đất của quân sự, Quân khu V quản lý nên việc ra vào của người dân được kiểm soát gắt gao. Chỉ khi có giấy giới thiệu của UBND phường cấp vào đó với mục đích gì thì người dân mới được cho vào.

“Bằng mắt thường thì không phát hiện được khu vực này có mộ vì đất đồi rất bằng phẳng. Sau khi nghe thông tin, UBND phường cũng đã có mặt tại đây và ghi nhận có 10 ngôi mộ “lộ ra” trong quá trình doanh nghiệp khai thác đất.

Chiều ngày 8/5, chúng tôi đã tổ chức cất bốc 10 ngôi mộ này di dời lên cách gần đó UBND phường đã báo cáo với UBND quận, UBND TP về sự việc.

10 ngôi mộ được phát hiện và được cất bốc, xây lại đàng hoàng vào chiều ngày 8/5. Ảnh Thùy Linh
10 ngôi mộ được phát hiện và được cất bốc, xây lại đàng hoàng vào chiều ngày 8/5. Ảnh Thùy Linh

Cách khắc phục hiện tại là nên xây bờ kè để bảo vệ những ngôi mộ còn lại kẻo mưa gió bị trôi đi, và đề nghị hỗ trợ để tôn tạo lại khu vực đó. Sau khi hoàn thổ xong, theo nguyện vọng của người dân nơi đây thì rằm tháng Bảy này nên tổ chức cầu siêu và làm mộ gió cho những ngôi mộ đã bị múc đi”, ông Tuấn nói.

Trong lúc đó, theo báo cáo của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh mà đích thân giám đốc là bà Nguyễn Thị Trinh viết, gửi UBND phường Hòa Phát có ghi:

“Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh thời gian qua đã có ký hợp đồng với Cục hậu cần Quân khu V để thi công hạng mục công trình trong phạm vi quản lý của Bộ tư lệnh Quân khu V.

Công trình san ủi cải tạo mặt bằng thao trường Kho kỹ thuật K55 là công trình kỹ thuật thuộc lĩnh vực quốc phòng, theo hợp đồng đã ký kết vào ngày 5/5/2014 giữa DNTN Tiến Thanh và Cục Hậu cần Quân khu V thì Doanh nghiệp Tiến Thanh phải thi công theo các mốc giới đã được Cục Hậu cần Quân khu V bàn giao.

Đây là đất quốc phòng do Quân khu V quản lý, chúng tôi không biết và cũng không thấy dấu tích mồ mả.

Báo cáo của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh gửi UBND phường Hòa Phát. Ảnh Thùy Linh
Báo cáo của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh gửi UBND phường Hòa Phát. Ảnh Thùy Linh

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại công trình, gần đây một số anh em đơn vị đã phát hiện có một đền thờ nhưng đã đổ nát hoan phế và cây cối, cỏ dại đã phủ kín trùm lên các đền gạch bê tông đổ nát từ lâu không dọn dẹp.

Doanh nghiệp đã thuê người phát quang dọn dẹp để thắp nén hương mong mọi sự tốt đẹp, tuyệt nhiên không thấy mồ mả mà thấy có vài vết cát trắng xuất hiện nên chúng tôi đã dừng thi công và đã báo cáo cho cơ quan Quân khu V tạm dừng thi công công trình tại nơi phát hiện thấy đền thờ trên”.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi là tại sao vùng đất "ngàn mộ" này lại được cấp phép cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác đất một cách dễ dàng như vậy mà không hề có sự thăm dò hay kiểm tra từ trước.

Liệu đằng sau sự khai thác đất này có điều gì uẩn khúc và hiện hàng trăm ngôi mộ đã bị "biến mất", đang nằm ở nơi nào? Ai là người chịu trách nhiệm?.

THÙY LINH