Làm cách mạng phải "dĩ công vi thượng"

16/05/2015 07:37
ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Dĩ công vi thượng là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Đảng lên trên hết.

LTS: Quý vị đang đọc bài viết của Đại tá Đặng Việt Thủy. Ông viết bài này nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác Hồ.

Bài học cách mạng được rút ra thông qua câu chuyện kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-mà tác giả được nghe.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Là một người lính, “anh bộ đội Cụ Hồ”, ai cũng mong ước một lần trong đời được gặp “vị tướng huyền thoại” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đối với tôi khi còn công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, có may mắn đạt được mong ước ấy.

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND), cơ quan xuất bản của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Trung tâm xuất bản của toàn quân, vinh dự được xuất bản nhiều tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình hoạt động của mình.

Anh chị em cán bộ, biên tập viên, nhân viên các thế hệ của nhà xuất bản cũng được vinh dự và tự hào được gặp và làm việc với Đại tướng.

Đối với tôi rất may mắn là được gặp Đại tướng bốn lần: hai lần ở nhà riêng Đại tướng ở số nhà 30, phố Hoàng Diệu, Hà Nội, một lần ở tại nhà nghỉ bên Hồ Tây nơi Đại tướng an dưỡng và một lần Đại tướng đến thăm Nhà xuất bản QĐND. Lần Đại tướng đến thăm Nhà xuất bản cách đây đã 9  năm như vẫn còn hiển hiện trước mắt tôi.

Đó là ngày 13-5-2006, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Nhà xuất bản QĐND tại trụ sở số 23, phố Lý Nam Đế, Hà Nội.

Tập thể cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản rất vui mừng, phấn khởi và xúc động được đón Đại tướng. Cùng dự đón và tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm ấy có Thượng tướng (nay là Đại tướng) Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đồng chí Lê Phúc Nguyên, Đại tá, Phó Tổng biên tập (nay là Trung tướng, nguyên Tổng biên tập) Báo QĐND.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ngày 13/5/2006 (Ảnh: Phạm Văn Dũng).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ngày 13/5/2006 (Ảnh: Phạm Văn Dũng).

Thay mặt cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản, Đại tá Phạm Quang Định, Giám đốc - Tổng biên tập đã báo cáo Đại tướng về những thành tựu và bước phát triển mạnh mẽ của Nhà xuất bản trong những năm qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tỏ lời khen ngợi Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, hàng năm đã xuất bản một khối lượng rất lớn các tác phẩm có giá trị về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Trong đó có nhiều tập hồi ký của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội, các tập luận văn thể hiện sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng được đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội tìm đọc.

Đại tướng đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức bản thảo, biên tập xuất bản, tuyên truyền giới thiệu và phát hành sách, sao cho ngày càng có nhiều tác phẩm hay, chất lượng tốt đến tay bạn đọc trong nước và quốc tế.

Trong không khí chân tình và xúc động, Đại tướng đã thân mật trò chuyện với cán bộ lãnh đạo và toàn thể anh chị em cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản QĐND. Với trí tuệ minh mẫn, sắc sảo và tình cảm quý mến đối với những người làm công tác xuất bản quân đội.

Đại tướng đã nhắc nhở cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản QĐND phải nắm chắc tình hình thực tiễn trong nước, thực tiễn sinh động phong phú của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta.

Đồng thời phải nắm thật chắc tình hình thế giới đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp…để chọn trúng và đúng các vấn đề, chủ đề của các xuất bản phẩm, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc.

Thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong đó vấn đề trọng tâm là làm sao đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để sớm thực hiện mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đưa nước ta phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Làm cách mạng phải "dĩ công vi thượng" ảnh 2

Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trận Điện Biên Phủ

(GDVN) - Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào?

Đại tướng yêu cầu mỗi cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản phải ra sức học tập, học tập nhiều hơn nữa, thường xuyên trau dồi kiến thức, tự rèn luyện mình thành những cán bộ đức độ và tài năng.

Với mỗi cán bộ cách mạng, cán bộ quân đội thì việc học tập bao nhiêu cũng chưa đủ, phải học nữa, học mãi, học suốt đời. Có học tập, có kiến thức mới có thể đổi mới và sáng tạo. Mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dưng cho được đội ngũ cán bộ thực sự đức độ và tài năng theo tư tưởng của Bác Hồ.

Với giọng nhẹ nhàng, đầm ấm và truyền cảm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xúc động kể lại câu chuyện Bác Hồ dặn dò Đại tướng trong một đêm đông lạnh giá ngủ cùng Bác tại hang Pắc Bó (Cao Bằng) năm xưa khi bàn về vấn đề chuẩn bị võ trang khởi nghĩa:

"Đó là vào một buổi tối lạnh lẽo trong hang Pắc Bó, Bác Hồ trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Hang nhỏ nằm sâu trong khe núi. Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya. Trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Không đèn đóm, Bác và chúng tôi mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng.

Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nhỏ nhẹ, đều đều với giọng xứ Nghệ ấm áp. Bỗng nhiên Bác dừng lại và nói một câu: Chú Văn à, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”.

Nhắc lại câu của Bác, Đại tướng nói: “ Hơn 60 năm đã trôi qua, lời nói ấy của Bác vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói bốn chữ vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận hôm nay. Dĩ công vi thượng là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Đảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút cá nhân chủ nghĩa.

Dĩ công vi thượng là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Bác là một tấm gương mẫu mực về dĩ công vi thượng. Dĩ công vi thượng là cốt cách của người cách mạng. Nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, người đảng viên, người đoàn viên chân chính”.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Lúc này cũng như bất cứ lúc nào, người cán bộ cách mạng phải “dĩ công vi thượng”, phải đấu tranh quyết liệt để chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Một cán bộ giỏi phải là cán bộ có đủ đức, tài.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Chính trị, Nhà xuất bản QĐND và Báo QĐND sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trở thành diễn đàn tin cậy của toàn quân và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo QĐND cần tuyên truyền rộng rãi, làm cho bạn đọc trong nước và bạn bè thế giới hiểu biết đầy đủ hơn về những tác phẩm hay và có giá trị của Nhà xuất bản QĐND. Đồng chí Phó Tổng biên tập Báo QĐND và đồng chí Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND đã xin hứa thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những lời căn dặn của Đại tướng.

Riêng cá nhân tôi, được nghe trực tiếp Đại tướng căn dặn như thế, tôi hết sức xúc động và khâm phục bởi sự minh mẫn và thông tuệ của Đại tướng, vì lúc này Người chuẩn bị bước sang tuổi 96.

Sau đó Đại tướng đã trân trọng ký tặng Nhà xuất bản QĐND bộ sách “Tổng tập Hồi ký” của Đại tướng mới xuất bản.

Giờ đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng của lòng dân đã đi vào cõi vĩnh hằng. Đại tướng là một trong những người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ, cũng là một tấm gương điển hình về đạo đức của người cách mạng, về đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết.

ĐẶNG VIỆT THỦY