Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu kéo máy bay, tàu chiến đến Trường Sa

13/05/2015 07:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Carter đã yêu cầu thuộc cấp xem xét lựa chọn này, bao gồm việc điều động máy bay hải quân giám sát các đảo nhân tạo, đồng thời điều tàu quân sự tiến vào ...
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: US News.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: US News.

The Wall Street Journal ngày hôm nay đưa tin, quân đội Mỹ đang xem xét khả năng kéo máy bay và tàu chiến đến một chuỗi đảo nhân tạo Trung Quốc đang mở rộng (bất hợp pháp) một cách nhanh chóng ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã yêu cầu thuộc cấp xem xét lựa chọn này, bao gồm việc điều động máy bay hải quân giám sát các đảo nhân tạo, đồng thời điều tàu quân sự tiến vào trong phạm vi 12 hải lý tại 7 bãi đá Trung Quốc đang xây dựng (bất hợp pháp).

Động thái này nếu được Nhà Trắng chấp thuận sẽ là thông điệp cứng rắn nhất tới Bắc Kinh, rằng Mỹ sẽ không chấp nhận yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo mà Mỹ coi là thuộc vùng biển và không phận quốc tế. Tính toán của Lầu Năm Góc có thể là các kế hoạch quân sự, bất kỳ sự triển khai nào có thể sẽ làm tăng áp lực buộc Trung Quốc phải xuống thang đối với các đảo nhân tạo. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể tăng gấp đôi tốc độ xây dựng thách thức lại Mỹ và tiến tới tuyên bố vùng nhận diện phòng không.

Mỹ đã nói không thừa nhận các hòn đảo nhân tạo này là lãnh thổ Trung Quốc, tuy nhiên cho đến nay hải quân Hoa Kỳ vẫn chưa điều máy bay quân sự đến tuần tra trong vòng 12 hải lý 7 bãi đá, rặng san hô này để tránh leo thang căng thẳng. Nếu Mỹ thực hiện điều này và Bắc Kinh không chịu xuông thang, cả hai có thể gia tăng áp lực xung đột quân sự trong vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp. Theo ước tính của Mỹ, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhân tạo ở Trường Sa lên 2000 mẫu Anh, tăng lên từ 500 mẫu Anh hồi năm ngoái.

Theo các bức ảnh chụp từ vệ tinh mà kênh tin tức tình báo quốc phòng IHS cung cấp, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng ở đá Chữ Thập đủ lớn để chứa máy bay chiến đấu và máy bay giám sát. Mỹ đã dùng sức mạnh quân sự của mình để thách thức các tuyên bố vô căn cứ của Bắc Kinh, điển hình là việc Washington điều một cặp B-52 bay qua Hoa Đông để phản đối vùng nhận diện phòng không Trung Quốc tuyên bố áp đặt năm 2013.

Các quan chức cho biết hiện nay Lầu Năm Góc và Nhà Trắng ngày càng có các biện pháp cụ thể để chuyển thông điệp tới Bắc Kinh: Hành động của Trung Quốc ở Trường Sa đã đi quá xa và cần phải bị ngăn chặn.

Máy bay quân sự Mỹ nhiều lần tiếp cận khu vực cách 12 hải lý xung quanh các rặng san hô nơi Trung Quốc xây dựng, nhưng chúng không vượt ranh giới vào bên trong 12 hải lý để tránh căng thẳng. Trong những trường hợp này sĩ quan Trung Quốc sẽ gióng loa nói rằng Mỹ đang áp sát "lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc". Đáp lại các phi công Mỹ nói với Trung Quốc rằng, họ đang bay trong không phận quốc tế. Tàu hải quân Mỹ USS Fort Worth những ngày gần đây đang hoạt động gần Trường Sa, nhưng chưa vào bên trong ranh giới 12 hải lý.

Hiện Nhà Trắng từ chối bình luận về những thảo luận của Lầu Năm Góc. Các nước đồng minh cũng như đối tác của Mỹ thúc giục Washington làm nhiều hơn nữa để chống lại hành vi leo thang của Trung Quốc. Một quan chức Mỹ cho biết: "Điều quan trọng là tất cả các nước trong khu vực có một sự hiểu biết rõ ràng và chính xác những gì Trung Quốc đang làm. Chúng tôi đã chú ý tới nó." Hoa Kỳ đã và đang sử dụng vệ tinh để giám sát hoạt động xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây Nhà Trắng cũng tăng áp lực ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng đảo ở Trường Sa thông qua kênh ngoại giao cũng như kêu gọi Trung Quốc tại các cuộc họp giao ban báo chí gần đây nhưng không hiệu quả. Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tự do quá cảnh ở Trường Sa nhưng chưa được lệnh rõ ràng từ chính quyền để làm vây trong phạm vi 12 hải lý của 7 đảo nhân tạo này. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thường xâm nhập vào bên trong 12 hải lý xung quanh nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát ở Hoa Đông.

Hồng Thủy