Trong thư gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (vì lí do cá nhân nên các thầy cô xin được giấu tên) một số giáo viên tiểu học dẫn chứng: ngày 28/08/2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và kèm theo đó là Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 nhằm thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học và giảm áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, Thông tư 30 ra đời còn nhằm nhiều mục đích có tính nhân văn khác.
Những giáo viên này cho rằng ở Hải Dương, để đánh giá học sinh cuối năm học, Sở GD&ĐT và các Phòng GD&ĐT cấp huyện đang có những chỉ đạo sai so với quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, gây bức xúc cho giáo viên và làm tăng áp lực trong giáo dục học sinh.
Từ chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hải Dương khiến các thầy cô giáo tiểu học thêm áp lực. Ảnh minh họa từ chụp màn hình website của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương |
Cụ thể, tại "Quy định về đánh giá học sinh tiểu học", Điều 15 khoản b trong Thông tư 30 có ghi: "Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học chung cho cả khối".
Nhưng ở tỉnh Hải Dương, Sở GD&ĐT lại ra đề kiểm tra định kì cuối năm học hai môn Toán và Tiếng Việt (phần viết) cho học sinh lớp 5.
“Chúng tôi không hiểu Sở GD&ĐT Hải Dương nhận việc ra đề cho học sinh lớp 5 nhằm mục đích gì. Tại sao Sở bỗng dưng lại làm thay công việc của tổ chuyên môn (Chưa dám nói là làm tranh việc của tổ chuyên môn…” vị này đặt câu hỏi.
Cũng theo đó, từ sự chỉ đạo của cấp Sở, một số Phòng GD&ĐT cấp huyện tạo áp lực tiếp bằng cách thành lập “Hội đồng nghiệm thu học sinh lớp 5” và cử giáo viên đi chéo trường làm giám sát việc nghiệm thu lớp 5.
Theo phản ánh, một việc tắc trách hơn nữa là Hội đồng nghiệm thu học sinh lớp 5 ở các trường tiểu học trên tỉnh Hải Dương còn tổ chức đánh phách, dọc phách rồi ghép phách bài kiểm tra của học sinh như chấm thi tốt nghiệp trước đây.
Kế hoạch kiểm tra cụ thể của một số Phòng Giáo dục gửi kèm thư điện tử về cho các trường tiểu học, THCS Hội đồng nghiệm thu. |
“Trong khi Bộ GD&ĐT cùng lực lượng giáo dục cả nước đang ra sức làm nhiều việc để giảm áp lực cho học sinh và giáo viên chấn chỉnh dạy thêm, học thêm; không thi tuyển đầu vào lớp 6; …thì Sở GD&ĐT Hải Dương lại tự ôm việc ra đề nghiệm thu học sinh lớp 5 cho cả tỉnh” giáo viên này cho biết.
Cũng theo giáo viên này, hiện ở các huyện đã lên kế hoạch xong về nghiệm thu lớp 5 (thành lập Hội đồng nghiệm thu, trong đó giáo viên chủ nhiệm của lớp 5 tự coi, giáo viên lớp 6 xuống chấm). Theo một số giáo viên thì việc làm này hoàn toàn không cần thiết.
Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, giáo viên này khẳng định, đã có một số huyện tiến hành dọc phách như trước kia thi tốt nghiệp, việc này làm giáo viên thêm việc và vất vả hơn, trái với tinh thần của Thông tư 30.
“Việc này chỉ gây thêm căng thẳng cho giáo viên chứ không giải quyết được việc gì. Hiện các phòng Giáo dục đã gửi thông báo này tới các trường thông qua thư điện tử, kèm theo kế hoạch kiểm tra…
Với Thông tư 30, dường như ngầm nói lên giảm nhẹ việc học thêm, vì trước kia càng so sánh về điểm số, càng áp lực thì càng phải học thêm.
"Nếu Tổ chuyên môn được ra đề thi, nội dung sẽ bám sát với trình độ của học sinh, học sinh ở trình độ nào thì ra ở trình độ đó, hơn nữa giáo viên tiến hành cho học sinh ôn tập cũng sẽ có trọng tâm.
Nếu sở ra đề thì kiến thức rất mông lung, buộc lòng phụ huynh phải cho con đi ôn, học thêm sẽ nhiều” vị này cho hay.
Theo thông tin mà Báo Giáo dục Việt Nam có được, trong Kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh, giáo viên và tổng kết năm học 2014 – 2015 của một số huyện tại Hải Dương đã gửi về các trường tiểu học, THCS ngày 27/4 nêu rõ: Đề thi kiểm tra cuối năm sẽ do GD&ĐT ra đề kiểm tra môn Tiếng Việt (phần kiểm tra viết) và môn Toán lớp 5.
Đề kiểm tra viết môn Tiếng Việt lớp 1 gồm 2 phần: Viết chính tả nghe đọc, nhìn chép và bài tập về âm vần (thời lượng 40 phút) (các trường dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục sẽ theo mẫu đề kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Đề kiểm tra viết môn Tiếng Việt các lớp 2,3,4 gồm 2 phần kiểm tra: viết chính tả nghe - viết (15 phút) và tập làm văn (30 phút), học sinh sử dụng giấy trong bì giấy kiểm tra để làm bài.
Kiểm tra đọc hiểu môn Tiếng Việt các lớp 2,3,4,5 trong thời gian làm bài 30 phút. Học sinh đọc thầm một bài tập đọc trong chương trình học được in trong phiếu kiểm tra và trả lời các câu hỏi về nội dung bài đọc, kiến thức luyện từ và câu (10 câu hỏi trắc nghiệm).
Kiểm tra đọc thành tiếng môn Tiếng Việt: Các trường chọn một số bài đọc khác nhau trong chương trình của mỗi lớp và chuẩn bị một số câu hỏi về nội dung bài đọc để tạo thành bộ đề kiểm tra đọc thành tiếng.
Học sinh bắt thăm bài đọc, chuẩn bị trong 2 phút, sau đó trình bày bài đọc và trả lời 1 - 2 câu hỏi về nội dung bài đọc.