Chiều 13/5 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án luật Khí tượng thủy văn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề: Những thông tin dự báo sai thì trách nhiệm thế nào, ai chịu trách nhiệm?
Ông Sơn hoàn toàn có lý khi nêu ra thắc mắc này, và đấy cũng sẽ là thắc mắc của hàng nghìn người dân khi đọc dự thảo luật chỉ thấy nói về trách nhiệm thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành liên quan, nhưng không đả động gì đến yếu tố phải chịu hình thức chế tài xử lý nào khi dự báo sai.
Ông Sơn nói rất thẳng thắn: “Thực tế dự báo sai có rồi. Dự báo sang mai bão vào nhưng tối nay đã vào rồi. Bão mạnh thì nói yếu. Chưa nói đến thiệt hại mà chỉ thông tin sai thôi sẽ ảnh hưởng đến người dân, dẫn đến lần sau vận động dân đi tránh bão rất khó, có khi phải cưỡng chế. Tôi sợ nhất dự báo sai vì rất nguy hiểm”.
Dự báo thời tiết sai sẽ gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội. ảnh minh họa: cand. |
Dự báo sai nhiều thì đương nhiên sẽ tác động xấu tới đời sống của nhân dân, và cứ như vậy thì sẽ làm suy giảm lòng tin của dân với các cơ quan phòng chống bão.
Thực tế hiện nay việc dự báo khí tượng thủy văn của nước ta đang phải tham khảo số liệu nguồn từ các nước tiên tiến, nhưng vẫn có nhiều dự báo sai. Dẫu biết rằng rất khó để dự báo chính xác tuyệt đối, nhưng cũng phải ở mức tương đối chính xác.
Vào năm 2012 hàng loạt bức xúc của người dân về dự báo thời tiết đã được đặt ra. Thí dụ, đêm trước ngày 17/7 dự báo thời tiết là nhiệt độ giảm, trời mát, nhưng không ngờ hôm sau trời lại rất nóng.
Đề cập về vấn đề tác động đến thời tiết như một số quốc gia sử dụng hóa chất ngăn mưa, tạo mưa… Ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nên đưa vào luật để quản lý trên lãnh thổ Việt Nam. Ông Ngọc nói: “10 đến 20 năm nữa ta có thể có tác động như tạo mưa ở vùng hạn hán, hay giảm mưa. Việc tác động không được gây ảnh hưởng tới vùng khác nhằm tạo thời tiết thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất”.
Khoảng thời gian này có nhiều dự báo thời tiết khác xa với thực tế khiến cho nhiều người dân truyền tai nhau rằng, dự báo thời tiết thế nào thì phải nghĩ ngay tới kết quả ngược lại.
Cùng có chung quan điểm với ông Sơn, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, từ trước tới nay khi dự báo sai, chưa thấy ai nhận trách nhiệm, thậm chí chưa có lấy một lời xin lỗi.
Ông Lý ví von: “Nắng mưa là bệnh của trời, còn tôi dự báo tạm thời thế thôi”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng thời cho rằng, khi kêu gọi xã hội hóa thì cần phải quy định rõ những trách nhiệm khi dự báo khí tượng thủy văn sai.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì bày tỏ, lĩnh vực khí tượng thủy văn có tác động rất lớn nên cần nghiên cứu quy định chặt chẽ. Khi thực hiện các dự án kinh tế lớn phải có đánh giá tác động môi trường, trong đó có dự báo vấn đề nước, khí hậu.
Ông KSor Phước nêu thí dụ: “Đi tiếp xúc cử tri ở An Khê (tỉnh Gia Lai), dân kêu liên tục mấy năm nay vì làm cái đập nên một lượng lớn nước chảy không theo quy luật tự nhiên. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, đánh giá lượng nước một số nơi có đảm bảo hay không thì nhận được trả lời là đủ cả.
Nhưng khi làm đập xong rồi thì thiếu nước, người dân kêu quá trời quá đất. Trách nhiệm đó thuộc về ai vì đầu tư cả nghìn tỷ rồi, đập bỏ không được mà dân thì không có nước. Giờ quy trách nhiệm thế nào, không ai chịu trách nhiệm cả”.
Theo lời ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh thì vũ khí cũng là thời tiết chứ không chỉ có súng, đạn. Nếu dự báo thời tiết tiếp tục có sai như thời gian qua thì sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ; đồng thời cũng gây tác động xấu đến đời sống xã hội.
Vì vậy, người dân có quyền yêu cầu làm rõ: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi dự báo thời tiết sai là hoàn toàn có lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì đặt câu hỏi: “Luật này khi được ban hành thì chất lượng công tác dự báo, nghiên cứu, quan trắc có được nâng lên không? Điểm nhấn nào trong luật đòi hỏi chất lượng tốt lên hay cứ tằng tằng?”.