Tàu USS Fort Worth hạm đội 7 Hoa Kỳ vừa kết thúc 1 tuần tuần tra Trường Sa. Ảnh: Stripes. |
Đài CNN hôm nay cho biết, Mỹ đang cân nhắc triển khai máy bay và tàu chiến thách thức tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Mỹ hôm qua 13/5 tuyên bố, tàu chiến USS Fort Worth đã đến tiếp tế ở Philippines sau khi hoàn thành một cuộc tuần tra kéo dài 1 tuần trên Biển Đông mà trọng tâm là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Đây là lần đầu tiên tàu LCS, một trong những tàu mới nhất của Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã hoạt động trong vùng biển quốc tế sát quần đảo Trường Sa. USS Fort Worth đã bắt gặp nhiều tàu chiến Trung Quốc trong suốt thời gian tuần tra, một bức ảnh do hải quân Mỹ công bố cho thấy USS Fort Worth bị tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Diêm Thành của Trung Quốc bám theo.
Tuy nhiên tương tác giữa 2 tàu khá chuyên nghiệp và không có chuyện gì xảy ra, chỉ huy tàu Trung tá Matt Kawas cho biết. Một thuyền trưởng khác thuộc Hạm đội 7, Fred Kacher nói rằng, là một phần trong chiến lược xoay trục để mang lại sức sống mới cho hải quân, có khả năng các tàu LCS sẽ hiện diện thường xuyên hơn ở Đông Nam Á. Những chuyến tuần tra Trường Sa như tàu USS Fort Worth vừa hoàn thành sẽ là hoạt động bình thường, và có 4 tàu LCS sẽ xuất hiện tại đây trong những năm tới.
Trong một động thái có liên quan, Reuters ngày hôm nay đưa tin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ rời Trung Quốc trong bối cảnh không có gì nghi ngờ về cam kết của Washington đối với tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm Thứ Tư.
Khi gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc bao gồm cả ông Tập Cận Bình, Ngoại trưởng John Kerry đã cảnh báo Bắc Kinh những hậu quả tiêu cực cho sự ổn định trong khu vực và quan hệ với Hoa Kỳ (nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang bành trướng Biển Đông).
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ: "Chúng tôi đang tích cực đánh giá tác động quân sự của hoạt động cải tạo đất và cam kết sẽ hành động phù hợp, có hiệu quả" khi được hỏi về việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá (mà họ cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988, 1995) ở Trường Sa.
Trung Quốc tự do đặt câu hỏi về những gì hải quân Mỹ sẽ làm hoặc không làm khi Ngoại trưởng John Kerry ở Bắc Kinh. Chuyến đi của ông nhằm chuẩn bị cho Đối thoại Chiến lược và kinh tế hàng năm vào tháng tới tại Washington cũng như chuyên thăm của Tập Cận Bình tới Mỹ trong tháng 9. Nhưng cạnh tranh chiến lược đang phát triển nhanh hơn và có vẻ chiếm ưu thế so với hợp tác giữa 2 nước.
Cũng trong ngày hôm qua, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã "giãy nảy" trước tuyên bố của Lầu Năm Góc sẽ điều tàu chiến, máy bay tiến vào khu vực 12 hải lý tại các bãi đá mà Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo và có khả năng đặt các pháo đài quân sự.
Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Tự do hàng hải hàng không không cho phép máy bay quân sự hay tàu chiến tự do truy cập vào vùng lãnh hải và không phận của một quốc gia khác". Như vậy là Trung Quốc đã gián tiếp thừa nhận một trong những mưu đồ nham hiểm là đòi "lãnh hải 12 hải lý" đối với 7 bãi đá ngầm nước này xâm lược của Việt Nam. Tiếp theo, không có gì đảm bảo Bắc Kinh sẽ không tuyên bố cái gọi là "vùng đặc quyền kinh tế" vô lý và phi pháp ở đây, căng thẳng sẽ còn leo thang - PV.