“Nhân bản” lời phê

16/05/2015 07:43
ĐỖ QUYÊN
(GDVN) - Áp lực về hồ sơ sổ sách, áp lực về việc nhận xét đánh giá học sinh đang đè nặng trên vai từng giáo viên tiểu học.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Đỗ Quyên.

Hôm nay, cô chia sẻ về việc sáng tạo lời phê theo yêu cầu cảu Thông tư 30. Hóa ra, có một sự giả dối đang dần hình thành...

Tòa soạn trân trọng giới thiệu và mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị.

Thời gian này, giáo viên các trường đang khẩn trương, gấp rút hoàn thành đống hồ sơ sổ sách để tổng kết năm học.

Một trong những công việc nặng nề, căng thẳng và áp lực nhất là những lời phê vào học bạ của học sinh theo thông tư 30.

Nếu như trước đây, học sinh có học lực ở các mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Nhìn vào điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra định kỳ, giáo viên dễ dàng ghi nhận xét về học sinh ấy vào học bạ mà không phải căng thẳng, mệt mỏi như hiện nay.

Theo quy định mới về ghi học bạ theo Thông tư 30, giáo viên phải căn cứ vào Sổ theo dõi đánh giá học sinh và tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn để ghi các phần như:

“Nhân bản” lời phê ảnh 1

Biến tướng lời phê - Thông tư 30 liệu còn hiệu quả?

(GDVN) - Thay vì viết nhận xét, cô giáo quy ước mặt cười điểm giỏi, bông hoa là điểm khá, ngôi sao điểm trung bình, còn mặt mếu là điểm yếu.

a. Các môn học và hoạt động giáo dục, ở cột nhận xét phải ghi những điểm nổi bật về sự tiến bộ, năng khiếu, hứng thú học tập đối với môn học…những nội dung, kĩ năng chưa hoàn thành trong môn học, hoặc hoạt động cần giáo dục giúp đỡ, mức độ hoàn thành hoặc chưa hoàn thành của học sinh theo chuẩn kiến thức kĩ năng…

b. Phần các năng lực

Nhận xét các biểu hiện,sự tiến bộ, mức độ đạt được về sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh...như khả năng tự phục vụ, tự quản; giao tiếp hợp tác; tự học và tự giải quyết vấn đề.

c. Phần phẩm chất

Nhận xét về các biểu hiện, sự tiến bộ, mức độ đạt được về sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh…như chăm học chăm làm; tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè và những người khác…

Để giảm bớt gánh nặng cho việc giáo viên phải “vắt óc” tìm từ ngữ diễn đạt đầy đủ những nội dung trên cho gần bốn chục em học sinh trong lớp.

Giáo viên các trường đã chia sẻ “bí quyết” cho nhau bằng những mẫu nhận xét chung cho từng môn học, áp dụng cho từng đối tượng học sinh cụ thể.

Vì thế những giáo viên chủ nhiệm trong trường đều được chuyền tay nhau một bảng tập hợp những lời phê mẫu để áp dụng cho học sinh lớp mình.

Một trong những công việc nặng nề, căng thẳng và áp lực nhất là những lời phê vào học bạ của học sinh. Ảnh minh hoạ
Một trong những công việc nặng nề, căng thẳng và áp lực nhất là những lời phê vào học bạ của học sinh. Ảnh minh hoạ

​Từng học sinh đều phải ghi đầy đủ ba phần chính như trên. Thường thì trong lớp cũng có những đối tượng học sinh Giỏi, Khá Trung bình…

Giáo viên chỉ cần để chồng học bạ trước mặt, cùng tờ pô tô với những lời nhận xét mẫu và nhìn xem học sinh đó thuộc nhóm đối tượng nào là có thể viết ngay vào mà không cần suy nghĩ nhiều.

Cũng khen thay người đã cất công đúc kết để soạn ra một cách chi tiết như thế, giúp cho các thầy cô giáo đỡ nhọc lòng và phí công sức.

Ví dụ: Học sinh thuộc đối tượng Giỏi (theo cách gọi Thông tư 30 là nổi trội) thì cách phê giống nhau như kiểu:

 *Môn Tiếng Việt : Đọc to rõ ràng, chữ viết đẹp; Đọc lưu loát, có khiếu làm văn…

* Môn Toán: Làm thành thạo bốn phép tính cơ bản; Có sáng tạo trong giải toán có lời văn…

Ví dụ: Học sinh thuộc đối tượng có tiến bộ vượt bậc cũng cách phê giống nhau như kiểu:

*Môn Tiếng Việt: Em đã đọc lưu loát hơn, cần phát huy…

*Môn Toán: Tính toán đã cẩn thận hơn, có tiến bộ trong việc thực hiện các phép tính…

Các môn học khác cũng dựa vào từng đối tượng học sinh để giáo viên sao lại các lời nhận xét như thế.

Phần phẩm chất và năng lực thì em nào cũng phải đạt nên các câu thường ghi như: Yêu cha mẹ, kính trọng thầy cô…Đi học đều đúng giờ, tích cực tham gia việc trường…

Vì có lời phê mẫu nên nếu làm cuộc khảo sát cách ghi học bạ từ lớp một đến lớp năm của giáo viên sẽ không thấy khác nhau là mấy.

Nếu là người ngoài cuộc, có thể sẽ có người thắc mắc: “Chỉ là ghi học bạ thôi mà giáo viên cũng phải “nhân bản” các lời phê sao?

Nhưng người trong cuộc thì hiểu vì sao họ làm thế. Bởi việc ghi vào học bạ cũng giống như sổ theo dõi chất lượng, chỉ giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng đọc. Bởi những sổ sách này đâu có đến được với phụ huynh và học sinh.

Có thể nói, áp lực về hồ sơ sổ sách, áp lực về việc nhận xét đánh giá học sinh đang đè nặng trên vai từng giáo viên tiểu học. Dạy học cả ngày đã vất vả với biết bao lời nhận xét, tối về còn vùi đầu vào thiết kế, đồ dùng dạy học…

Chính tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng đã sinh ra cách làm đối phó như hiện nay của các thầy cô giáo.

​Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

ĐỖ QUYÊN