Căn cứ vào các điều khoản của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư 17) - hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định pháp luật khác liên quan đến “Các tội phạm về ma túy”, Tòa án Tối cao đã huỷ một phần bản án đối với Nguyễn Văn Hoàn, tội phạm cộm cán tại Bắc Ninh ở hành vi tàng trữ ma tuý để giám định lại hàm lượng chất ma túy.
Ngày 13/5/2015 TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai đối với bị cáo Hoàn. Các tội danh khác như giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công công, tàng trữ vũ khí… không được xem xét lại.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Hoàn phạm tội tàng trữ 800 gam ma túy, căn cứ vào điểm e khoản 4 điều 194 Luật Hình sự 1999:
4. “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;
Hoàn bị kết án tử hình vì lượng ma túy tàng trữ là 800 gam, gấp gần ba lần mức có thể để định tội tử hình.
Tuy nhiên, căn cứ vào điểm 1.4, điều 1, mục I thông tư 17 “Về một số khái niệm và một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất…”.
Kết quả giám định cho thấy hàm lượng ma túy mà bị cáo tàng trữ là 158,1 gam, chứ không phải là 800 gam như trước đó Hoàn bị cáo buộc. Vì lý do đó HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hoàn mức án tù chung thân.
Mức án mà HĐXX tuyên với tội phạm Hoàn là đúng người, đúng tội.
Điều này chứng tỏ các cơ quan bảo vệ pháp luật Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành, điều này cũng cho thấy công văn 234 của Tòa án Nhân dân Tối cao đang được các cấp toà án thực thi nghiêm túc.
Án tử hình – truyền thông và tư pháp
(GDVN) - Uốn nắn các biểu hiện lệch lạc của truyền thông là không sai nhưng làm sao để phát huy sức mạnh của báo chí trong công cuộc phòng chống tội phạm, tham nhũng?
Tuy số liệu thực tế đã có thay đổi, nhưng căn cứ vào số liệu Báo Công an TP Hồ Chí Minh đề cập, mỗi năm cơ quan điều tra bắt gần 19.000 vụ án ma túy, hàng ngàn án ma túy bị “ách tắc” vì vướng việc “bắt buộc phải giám định hàm lượng các chất ma túy thu được”. [1]
Mục 3.6 Phần II Thông tư 17 quy định: “ Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với số lượng sau đây không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy khác thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS, theo đó không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng dưới một kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ mười mililít trở xuống”.
Tội phạm Nguyễn Văn Hoàn thoát án tử, nhưng còn bao nhiêu bản án chưa “tử”.
Trả lời câu hỏi này, không chỉ là trách nhiệm của Cơ quan lập pháp, cơ quan có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà còn là trách nhiệm của các Cơ quan điều tra, Kiểm sát, Tòa án, của các cá nhân chịu trách nhiệm trước nhân dân và nhà nước.
Cần phải tháo gỡ ngay các quy định chồng chéo trong luật và văn bản dưới luật, đồng thời cần có sự nhất trí, chung tay của các cơ quan chịu trách nhiệm tố tụng.
Việc ba cơ quan Điều tra, Kiểm sát và Tòa án vẫn có cách nhìn nhận khác nhau về Thông tư 17 cho thấy Quốc hội, Chính phủ cần sớm vào cuộc. Không thể để tình trạng hàng ngàn án ma túy bị “ách tắc” mà không một đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Chụp mũ "gây bế tắc hoạt động điều tra" cho Tòa án nhân dân tối cao!
(GDVN) - Báo Công an TPHCM dẫn văn bản của TPHCM nặng nề phê phán CV 234 của TANDTC là "ngộ nhận, không thống nhất, gây bế tắc cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử".
Việc giam giữ quá lâu một số tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy mà không đưa ra xét xử vì những vướng mắc nội bộ có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Vẫn biết có trường hợp bất khả kháng như việc Cơ quan điều tra không đủ nhân lực và phương tiện để giám định hàng vạn tang vật vụ án nhưng không thể vì thế mà để hàng ngàn người phải sống trong trại tam giam mà không biết khi nào sẽ được xét xử.
Người có trách nhiệm sẽ hiểu rằng hậu quả của việc hàng ngàn bản án ma túy chưa bị khai tử không chỉ là cá nhân tội phạm gánh chịu mà gia đình và xã hội cũng bị ảnh hưởng.
Dẫu sao Việc TAND Bắc Ninh xử lại vụ Nguyễn Văn Hoàn cũng là một tín hiệu đáng mừng về những chuyển biến tích cực của các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật.
Người dân, không một ai muốn bao che, ủng hộ bọn tội phạm, tất cả các loại tội phạm trong đó có tội phạm ma túy cần phải bị nghiêm trị. Nhưng người dân cũng đòi hỏi luật pháp phải được thực thi nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Hy vọng các bản án ma túy tồn đọng, nếu nghi can phạm tội sẽ sớm được xét xử, còn những bản án không đáng có sẽ sớm được “khai tử”./.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=942&id=536311