Vương Hàn Linh, viện Khoa học xã hội Trung Quốc. |
South China Morning Post ngày 14/5 đưa tin, xung quanh thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét yêu cầu Hải quân kéo tàu chiến, máy bay trinh sát vào vùng biển 12 hải lý từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá (xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam năm 1983, 1995) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh "vô cùng lo ngại".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này và nói rằng Bộ Ngoại giao nước họ đã trả lời. Các quan sát viên về ngoại giao và quân sự Trung Quốc cho rằng, kế hoạch tuần tra Trường Sa của Lầu Năm Góc có thể dẫn đến một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ trên Biển Đông.
Kim Lạn Vinh từ đại học Nhân Dân nói với South China Morning Post: "Nó chắc chắn sẽ buộc quân đội Trung Quốc phải xem xét nghiêm túc một hành động quân sự để bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông". Vương Hàn Linh, một học giả khác từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì nói, Bắc Kinh sẽ coi hành động máy bay, tàu chiến Mỹ vào vùng biển 12 hải lý ở các đảo nhân tạo này là "xâm lược lãnh thổ Trung Quốc"?!
"Bắc Kinh không bao giờ che giấu ý định của mình để thiết lập một căn cứ quân sự bởi nó là một phần của dự án mở rộng các đảo (thực tế là các bãi đá ngầm dưới mặt nước) ở quần đảo Trường Sa, vì đó là lãnh thổ Trung Quốc", Vương Hàn Linh tiếp tục nhận xằng. Ông Linh nói rằng Trung Quốc hoan nghênh các nước khác sử dụng các căn cứ này vào mục đích gìn giữ hòa bình và các nhiệm vụ phi quân sự.
Xung quanh động thái diễn biến mới này, tờ Đa Chiều ngày 13/5 dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhấn mạnh, năm 1974 và 1988 đã xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa (Bắc Kinh cất quân xâm lược, bành trướng lãnh thổ - PV). Vài năm nay mặc dù không xảy ra xung đột quân sự tương tự, nhưng tần suất xảy ra sự cố ở Biển Đông ngày càng tăng cao, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định trong khu vực.
Daniel Russel cũng được Đa Chiều dẫn lời nói rằng có 3 phương án giải quyết vấn đề Biển Đông: Các bên tranh chấp tự giải quyết thông qua đàm phán; Các bên tranh chấp đưa Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế; Tạm gác tranh chấp đến khi nào cơ hội đàm phán giải quyết xuất hiện.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh, bất kỳ bên tranh chấp nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông đều không thể chấp nhận. Về các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa, Daniel Russel cho rằng nó sẽ không làm thay đổi tính chất pháp lý của 7 bãi đá này theo luật pháp quốc tế.