Sáng nay (14/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 đề án về điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng với các đề án tiếp theo (nếu có) sẽ phải dừng lại để chờ bộ tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh); thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); thành lập mới huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước);
Thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên); thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu).
Điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Trước những băn khoăn về nguồn lực Trung ương đầu tư cho những đơn vị mới được điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Đào Quang Thu cho biết, theo tờ trình của 6 đề án thì phần ngân sách Trung ương chỉ có khoảng 1.700 tỷ đồng, còn lại do địa phương và nguồn khác.
Cụ thể, tỉnh Trà Vinh có thể bố trí cho các dự án hơn 2.000 tỷ. Tỉnh Thanh Hóa còn gần 5.000 tỷ đồng. Các địa phương khác sắp xếp vào trung hạn sẽ được đầu tư.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có chính sách về hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là tỉnh, huyện tách chưa có trụ sở.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cơ bản nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra điều chỉnh địa giới hành chính, đồng thời cho rằng không đặt vấn đề bầu lại HĐND và UBND, cơ bản chỉ định lâm thời để sang năm bầu chính thức.
“Điều đó đòi hỏi cấp ủy phải rất chú ý đặc điểm đơn vị hành chính mới để lãnh đạo nhân sự chuẩn bị Đại hội đảm bảo đoàn kết, có lâm thời chỉ đạo giải quyết công việc ngay trong giai đoạn này, không được làm xáo trộn, ảnh hưởng. Tỉnh nào làm không tốt là vì chỉ đạo không tốt”, Chủ tịch Quốc nhấn mạnh.
Đây là phiên làm việc thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (thẩm quyền này trước đây thuộc Chính phủ).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ việc trình, xem xét các đề án còn có những hạn chế như chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn mới; dẫn tới vẫn tăng biên chế… những tiêu chí đang áp dụng ra từ năm 1981, bây giờ đã quá lạc hậu, vì vậy phải tạm dừng việc trình xem xét thành lập, chia tách, sát nhập, nâng cấp để chờ thông qua bộ tiêu chí mới, đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.