Báo Mỹ: Nhật Bản có 5 vũ khí lợi hại để tác chiến với Trung Quốc

19/05/2015 09:36
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Bao gồm tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, tàu ngầm diesel-điện AIP lớp Soryu, tàu khu trục Aegis lớp Atago, máy bay V-22 Osprey và máy bay chiến đấu F-35.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 18 tháng 5 đưa tin, xung quanh tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku, giữa Trung-Nhật tiến hành một cuộc đối đầu trên không, trên biển ở khu vực biển Hoa Đông. Trong bối cảnh này, tạp chí "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 17 tháng 5 có bài viết liệt kê 5 loại vũ khí sát thương lớn của Nhật Bản trong chiến tranh.

Tàu khu trục chở máy bay trực thăng - tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu khu trục chở máy bay trực thăng - tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Loại vũ khí sát thương thứ nhất là tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo. Tàu lớp Izumo sử dụng đường băng nối thẳng hoàn toàn, dài 248 m, sàn tàu dành cho máy bay rộng 38 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn gần 20.000 tấn, có thể chở 470 thủy thủ và 14 máy bay trực thăng, có thể đồng thời cất hạ cánh 5 máy bay trực thăng.

Công dụng đáng quan tâm nhất của tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo sẽ là tàu sân bay cất hạ cánh máy bay cánh cố định. Mặc dù Nhật Bản hoàn toàn không tuyên bố công dụng này của tàu Izumo, nhưng tàu này đủ khả năng chở máy bay chiến đấu F-35B.

Trong tác chiến đổ bộ, máy bay chiến đấu này có thể cung cấp hỗ trợ cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và hỗ trợ giám sát quần đảo Ryukyu và đảo Senkaku. Mỗi tàu lớp Izumo có thể chở 12 máy bay chiến đấu F-35B.

Chiếc tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo đầu tiên đã chế tạo xong, chiếc thứ hai đang chế tạo.

Tàu ngầm diesel-điện AIP lớp Soryu, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm diesel-điện AIP lớp Soryu, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Loại vũ khí thứ hai là tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu. Nó được dư luận gọi là tàu ngầm diesel-điện tiên tiến nhất trên thế giới. Tàu ngầm AIP này có lượng giãn nước khi lặn là 4.100 tấn, tốc độ tối đa khi nổi là 13 hải lý/giờ, tốc độ khi lặn là 20 hải lý/giờ.

Nhật Bản hiện nay sở hữu 8 tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu, ngoài ra còn đang chế tạo nhiều tàu ngầm loại này hơn. Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản có thể sẽ trở thành mối đe dọa chủ yếu của Hải quân Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc không có truyền thống tác chiến săn ngầm.

Trong khi đó, Nhật Bản có hơn 100 năm lịch sử tác chiến tàu ngầm, hơn nữa, thủy thủ tàu ngầm của Nhật Bản luôn được huấn luyện với tiêu chuẩn rất cao.

Tàu khu trục Aegis lớp Atago, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu khu trục Aegis lớp Atago, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tàu khu trục lớp Atago là loại vũ khí thứ ba của Nhật Bản được lựa chọn. Tàu khu trục lớp Atago là tàu khu trục có năng lực tác chiến mạnh nhất của Nhật Bản, lượng giãn nước tối đa gần 10.000 tấn.

Tàu này là phiên bản nâng cấp của tàu khu trục lớp Kongo, có hệ thống vũ khí và radar điều khiển hỏa lực tương tự tàu khu trục lớp Arleigh-Burke của Hải quân Mỹ.

Nó trang bị hệ thống bắn thẳng đứng tên lửa Type MK-41, có 96 đơn vị bắn. Hệ thống tác chiến Aegis do Mỹ thiết kế phát triển giúp cho nó trở thành vũ khí tác chiến phòng không mạnh.

Để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân của Hải quân Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản đang chế tạo 2 tàu khu trục lớp Atago mới. Sau khi hoàn thành, Nhật Bản sẽ sở hữu tổng cộng 8 tàu khu trục Aegis dùng để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đáp máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Opsrey của Mỹ trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đáp máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Opsrey của Mỹ trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp

Loại vũ khí thứ tư là máy bay V-22 Osprey gây nhiều tranh cãi. Từ năm 2013 đến nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã bắt đầu tiếp nhận huấn luyện máy bay Osprey. Dư luận cho rằng, Mỹ sắp bán loại máy bay này cho Nhật Bản.

Osprey sẽ tăng cường rất lớn năng lực không vận chiến thuật cho Nhật Bản. Một chiếc Osprey có thể vận chuyển binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến đảo Senkaku trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà không cần tiếp dầu trên không.

Nếu tiến hành tiếp dầu trên không, máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey có thể giúp Nhật Bản vươn tới khu vực kiểm soát xa nhất. Nó còn có thể cất hạ cánh trên các tàu chiến của Nhật Bản như tàu tác chiến đổ bộ, tàu khu trục chở máy bay trực thăng.

Máy bay chiến đấu F-35 trang bị các tên lửa đối không AIM9X, AIM120C, bom dẫn đường vệ tinh JDAM, bom dẫn đường laser GBU12...
Máy bay chiến đấu F-35 trang bị các tên lửa đối không AIM9X, AIM120C, bom dẫn đường vệ tinh JDAM, bom dẫn đường laser GBU12...

Loại vũ khí cuối cùng là máy bay chiến đấu F-35. Mỹ sẽ sản xuất lô 4 máy bay chiến đấu F-35A đầu tiên cho Nhật Bản ở trong nước, dự tính bàn giao vào năm 2018. 38 chiếc khác sẽ lắp ráp và thử nghiệm ở Nhật Bản.

Máy bay chiến đấu F-35 sẽ là lô máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tàng hình đầu tiên của Nhật Bản. Trung Quốc nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu J-20 và J-31 làm cho Nhật Bản coi mua sắm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là vấn đề ưu tiên.

Tính năng tác chiến không đối không và không đối đất của máy bay chiến đấu F-35 làm cho nó trở thành loại máy bay thay thế lý tưởng của máy bay chiến đấu F-4J Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản còn có khả năng mua sắm máy bay chiến đấu F-35B cất hạ cánh thẳng đứng, trang bị cho tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo.

Vũ khí của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo
Vũ khí của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)