Mỹ tuần tra ở Trường Sa để bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc

21/05/2015 11:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các chuyến bay giám sát này của Mỹ được thực hiện như một tuyên bố tới Bắc Kinh rằng Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

CNN đưa tin cho biết, Hải quân Trung Quốc hôm 20/5 đã 8 lần phát cảnh báo xua đuổi một chiếc máy bay tuần tra của Mỹ trên các hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm mở rộng vùng ảnh hưởng của mình.

Ảnh hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp của Hải quân Trung Quốc trên 1 bãi cạn trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do CNN thu thập được.
Ảnh hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp của Hải quân Trung Quốc trên 1 bãi cạn trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do CNN thu thập được. 

Một nhóm phóng viên của CNN cũng đã được Lầu Năm Góc cấp quyền đặc biệt, cho phép tham gia các chuyến bay giám sát này của Hải quân Mỹ. Động thái này được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về các thách thức do những tuyên bố chủ quyền (sai trái và phi pháp - PV) của Bắc Kinh ở Biển Đông gây ra cũng như phản ứng ngày càng tăng của Mỹ trước sự kiện này. 

Các chuyến bay giám sát được thực hiện bằng máy bay P8-A Poseidon, máy bay giám sát và săn tàu ngầm tiên tiến nhất của Mỹ, trên độ cao 15.000 feets (khoảng 5.400 mét).

CNN cho biết, các chuyến bay giám sát này của Mỹ được thực hiện như một thông điệp chuyển tới Bắc Kinh rằng, Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Ảnh do CNN cung cấp.
Ảnh do CNN cung cấp. 

Lầu Năm Góc cũng lần đầu tiên cho giải mật các video và băng ghi âm trong quá trình tuần tra giám sát trên Biển Đông của lực lượng hải quân Mỹ. 

"Đây là Hải quân Trung Quốc... Đây là Hải quân Trung Quốc... Đề nghị hãy rời khỏi đây... để tránh hiểu lầm", Hải quân Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo bằng tiếng Anh xua đuổi máy bay tuần tra của Mỹ.

Từ buồng lái, Trung tá Matt Newman nói với CNN rằng có rất nhiều tàu Trung Quốc ở xung quanh bãi cạn đang bồi lấp như tàu chiến và tàu hải cảnh được trang bị radar giám sát trên không. Do đó, họ có thể dễ dàng theo dõi hoạt động của máy bay tuần tra Mỹ.

Bằng chứng rõ ràng là Hải quân Trung Quốc đã 8 lần lệnh cho chiếc P8 rời đi. Các lần sau giọng có vẻ bực tức hơn lần trước, CNN cho biết. Tuy nhiên, đáp lại động thái này, phi công Mỹ đều bình tĩnh đáp lại rằng họ đang di chuyển trong không phận quốc tế. 

Theo CNN, Mỹ cho rằng các cuộc tuần tra giám sát trên không và trên biển xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông nên được tiến hành ở cự ly gần hơn so với mức hiện nay, khoảng vài dặm, nhằm khẳng định tư thế mạnh mẽ của nước này trong khu vực.

Video máy bay Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Tên gọi Biển Đông và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong video này được đài CNN viết theo tên quốc tế.

Theo quan sát của phóng viên CNN tham gia chuyến bay giám sát ngày 20/5, Trung Quốc đã đặt radar cảnh báo sớm, doanh trại quân đội, tháp quan sát và đường băng đủ dài cho tất cả các loại máy bay quân sự của nước này trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). 

Biển Đông là điểm nóng và là nơi Trung Quốc đang ngày càng muốn mở rộng yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của mình. Bắc Kinh đang tiến hành những dự án xây dựng quy mô lớn mà Mỹ tin rằng nó sẽ sớm có đầy đủ chức năng như một căn cứ quân sự nằm cách xa bờ biển Trung Quốc.

Hành động mở rộng lãnh thổ đáng báo động của Trung quốc ở Biển Đông là một phần của nỗ lực quân sự rộng lớn hơn nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực./.

Nguyễn Hường