Bloomberg ngày 22/5 đưa tin, Oxford Economics vừa cho công bố danh sách những thành phố phát triển nhanh nhất ở châu Á trong 5 năm tới.
Trong top 10, Ấn Độ có 6 thành phố và chiếm thứ hạng khá cao. Ba đại diện còn lại thuộc về Trung Quốc.
TP.Hồ Chí Minh của Việt Nam được Bloomberg mô tả là "người ngoài duy nhất" lọt vào trong danh sách bị hai gã khồng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ thống trị.
Danh sách top 10 thành phố phát triển nhanh nhất ở châu Á trong năm 2015-2019 theo dự báo của Oxford Economics. |
Đứng đầu danh sách này là 3 thành phố lớn của Ấn Độ, trong đó New Delhi được dự báo có mức tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm lớn nhất là 8,5%/năm trong giai đoạn 5 năm tới.
Đứng vị trí thứ hai là thành phố Chennai, nơi được mệnh danh là trung tâm công nghiệp và thương mại lớn nhất ở miền nam Ấn Độ.
Mặc dù là trung tâm tài chính thứ cấp nhưng Chennai được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng lên tới 7,8% hàng năm trong giai đoạn từ 2015-2019, cao hơn 0,2% so với trung tâm tài chính chính là Mumbai.
TP.Hồ Chính Minh là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này, nhưng được đánh giá khá cao khi chiếm vị trí tới vị trí thứ 4, nằm giữa 6 thành phố của Ấn Độ và trên 3 thành phố lớn của Trung Quốc.
Tốc độ tăng trương kinh tế của thành phố chính ở phía nam Việt Nam, theo dự báo của các chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu các thành phố toàn cầu thuộc Oxford Economics, ước tính đạt 7,5%/năm trong 5 năm tiếp theo.
Trung Quốc có 3 thành phố lọt vào top 10 trong danh sách gồm Thiên Tân, Quảng châu và Bắc Kinh. Thủ đô của Trung Quốc chiếm vị trí thứ 10 với tốc độ tăng trưởng ước tính khoảng 6,2%/năm.
Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự chiếm vị trí thứ 4 trong danh sách top 10 thành phố phát triển nhanh nhất ở châu Á trong 5 năm tới. |
"Theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng ở Trung Quốc trong tương lai sẽ trải đều hơn so với quá khứ, trong đó các thành phố hạng hai sẽ có tốc độ tăng cao hơn. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cần phải có thời gian khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại", Richard Holt - người đứng đầu trung tâm nghiên cứu các thành phố toàn cầu của Oxford Economics cho biết.
Ấn Độ, ngược lại, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và tự tin hơn. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm nay và năm tới dự kiến sẽ vượt Trung Quốc, theo IMF.
Ngoài ra, nếu chính phủ Thủ tướng Narendra Modi có các biện pháp hỗ trợ hơn nữa cho các công ty nước ngoài tham gia thị trường Ấn Độ, GDP của nước này sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới, ông Holt cho biết thêm.
Ngoài 10 thành phố trên, Oxford Economics dự báo tốc độ tăng trưởng của Manila và Jakarta trong 5 năm tới lần lượt là 5,6% và 6,1% mỗi năm.
Trong 5 năm tới, thành phố Singapore có thể sẽ vượt qua Hồng Kông, trong khi Bangkok sẽ kém hơn phần còn lại của Thái Lan với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,6%/năm.
Tất nhiên, tăng trưởng nhanh chóng là không phải không kéo theo các vấn đề cố hữu của nó. Tình trạng ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông có thể sẽ tồi tệ hơn khi Ấn Độ đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng, báo cáo cho biết thêm./.