Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen ứng xử kỳ quái với nhân viên...đã nghỉ việc!

25/05/2015 13:58
Thế Quân
(GDVN) - Mặc dù cán bộ đã nghỉ làm, nhưng Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen vẫn ra quyết định thu hồi quyết định miễn nhiệm chức vụ, và cho người dán trước cửa nhà họ.

Sáng ngày 25/5, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Văn Tấn – nguyên Trưởng phòng quản trị thông tin, trường ĐH Hoa Sen cho biết: Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen – bà Bùi Trân Phượng đã vừa có một hành động rất kỳ quặc, khó chấp nhận được đối với ông Tấn.

Cụ thể, ngày 20/5, ông Lê Tấn Tuấn – Chủ tịch công đoàn, trường ĐH Hoa Sen có gọi điện thoại thông báo cho ông Tấn được biết, ĐH Hoa Sen đã ra quyết định thu hồi quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng quản trị thông tin của ông Tấn, và muốn gặp trực tiếp ông Tấn để đưa quyết định này từ phía lãnh đạo.

Tuy nhiên, vào thời gian đó, ông Tấn đã nói với ông Tuấn rằng, ông Tấn đã nghỉ làm việc tại ĐH Hoa Sen từ tháng 12/2014, và không còn quan tâm tới ĐH Hoa Sen nữa. Đại diện trường ĐH Hoa Sen cũng nói với ông Tấn là do công việc được giao, nên muốn gặp ông Tấn để đưa quyết định thu hồi này.

Ông Vũ Văn Tấn đã có hẹn với đại diện cho lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen tại một quán café ở Q.1, để nhận quyết định. Thế nhưng, giờ chót, vào thời điểm hẹn với ĐH Hoa Sen, ông Tấn lại có việc bận đột xuất, nên đã nhắn với ông Lê Tấn Tuấn hẹn dịp khác.

Quyết định thu hồi quyết định miễn nhiệm chức vụ của ông Tấn được nhân viên Hoa Sen dán trước cửa nhà (Ảnh: CTV)

Quyết định thu hồi quyết định miễn nhiệm chức vụ của ông Tấn được nhân viên

Hoa Sen dán trước cửa nhà (Ảnh: CTV)

Khoảng 10h sáng ngày 21/5/2015, khi ông Tấn trở về nhà của mình tại đường Bình Lợi, phường 13 – quận Bình Thạnh, thì đột nhiên thấy quyết định số 384 của Hiệu trưởng - bà Bùi Trân Phượng ký về việc thu hồi quyết định miễn nhiệm chức vụ của ông Tấn.

Đồng thời với việc này, một bản quyết định thu hồi miễn nhiệm chức vụ của ông Tấn cũng được bỏ trong 1 bao thư khổ A4 quăng vào bên trong cửa nhà của ông Tấn.

Khi được ông Tấn hỏi, những người hàng xóm ở khu vực nhà ông Tấn đang ở cho biết: Có hai nhân viên (1 nam, 1 nữ) khoảng từ 8h30 – 9h sáng cùng ngày tới dán tờ giấy này trước cửa nhà của ông Tấn.

Khi thấy bất thường, hàng xóm khu vực này tới hỏi, thì họ trả lời mình là nhân viên của ĐH Hoa Sen, dán xong rồi họ lặng lẽ bỏ đi.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngày 2/8/2014, ĐH Hoa Sen tổ chức đại hội bất thường. Nguyên trưởng phòng quản trị thông tin Vũ Văn Tấn cũng có tham dự đại hội này. Đến ngày 4/8/2014, ông Tấn ‘bỗng’ nhận được một quyết định tạm đình chỉ công tác, chức vụ của ông Tấn.

Cho tới ngày 29/10, bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng quản trị thông tin của ông Tấn. Đồng thời chuyển ông Tấn sang làm chuyên viên phòng quản trị thông tin từ ngày 4/11/2014.

Cho dù trong quá trình công tác tại trường, ông Tấn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhưng khi điều chuyển lao động sang một vị trí công tác mới, ông Tấn không được lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen tham khảo ý kiến, thỏa thuận theo đúng các quy định của pháp luật lao động.

Vào ngày 10/12/2014, hợp đồng lao động giữa ông Tấn và ĐH Hoa Sen đã kết thúc sau 2 năm gắn bó. Cho tới nay, ông Tấn cũng không ký lại bất cứ hợp đồng lao động nào với ĐH Hoa Sen nữa.

Sau khi đã bất ngờ bị cho nghỉ việc, ông Tấn đã liên tục khiếu nại vụ việc lên các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM. Để đối phó, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đã ra quyết định thu hồi quyết định miễn nhiệm chức vụ của ông Tấn, nhưng lại có những hành động, cư xử kỳ quặc như đã nói ở trên.

Ông Vũ Văn Tấn nhấn mạnh: ông Tấn cực kỳ phản đối hành động cư xử khó hiểu này của bà Phượng.

Đây là một việc làm xúc phạm tới danh dự cá nhân, và lại càng khó chấp nhận hơn khi nó lại xuất phát từ 1 Hiệu trưởng của 1 trường ĐH lại đi cư xử thiếu văn hóa đến như vậy.

Song song đó, ông Vũ Văn Tấn còn chỉ ra rằng, bà Bùi Trân Phượng hoàn toàn không còn đủ tư cách để ban hành các quyết định liên quan đến cá nhân của ông Tấn nữa, bởi lẽ quan hệ giữa “người sử dụng lao động – người lao động” đã không còn tồn tại nữa.

Thế Quân