Reuters ngày 25/5 đưa tin, các nhà chức trách Malaysia tuyên bố họ đã tìm thấy 139 ngôi mộ bên trong chứa các hài cốt có dấu hiệu bị tra tấn trong hơn 20 lán trại bẩn thỉu do những nhóm buôn người bỏ lại trên đường vượt biên tới Thái Lan.
Một trong các thi thể được tìm thấy tại trại buôn người ở biên giới Malaysia. |
Những ngôi mộ trên được tìm thấy trong các khu rừng rậm nằm giữa miền nam Thái Lan và miền bắc Malaysia, nơi được xem là tuyến đường chính được những kẻ buôn người sử dụng trong quá trình đưa người từ Myanmar tới các nước Đông Nam Á khác. Hầu hết các nạn nhân là người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar chạy trốn bạo lực và người Bangladesh.
"Đó là một cảnh tượng rất buồn và rất nghiêm trọng", người đứng đầu lực lượng cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết.
Phát hiện rùng rợn này diễn ra không lâu sau khi cảnh sát Thái Lan tuyên bố tìm thấy các trại buôn người bị bỏ hoang cùng nhiều ngôi mộ nông ở khu vực biên giới.
"Chúng tôi đã bị sốc trước sự tàn ác của những kẻ buôn người", Khalid cho biết khi mô tả lại điều kiện tại 28 trại bị bỏ rơi nằm trong phạm vi cách biên giới Thái Lan khoảng 500 mét, nơi họ tìm thấy các ngôi mộ.
Một trong những hình ảnh ghê rợn từ khu trại buôn người trên biên giới Malaysia. |
Hàng ngàn người Rohingya theo đạo Hồi đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người hàng năm. Trong những năm gần đây, thay vì được đưa đến Thái Lan lao động bất hợp pháp, nhiều người đã bị giam giữ trong các khu trại ở biên giới Malaysia và Thái Lan cho đến khi trả tiền chuộc từ 1.200 đến 1.800 USD/người, Reuters cho biết.
Dưới áp lực của Mỹ, thời gian gần đây Thái Lan đã tiến hành các chiến dịch mạnh tay để trấn áp nạn buôn người để làm nhiều hơn để chống nạn buôn người. Sau một chiến dịch truy quét các trại của chính quyền Thái Lan, những kẻ buôn người đã bỏ rơi hàng ngàn người di cư trên những chiếc thuyền ọp ẹp ở vịnh Bengal và biển Andaman.
Các cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR ước tính hồi tuần trước rằng khoảng 3.500 người di cư vẫn còn bị mắc kẹt trên những con tàu quá tải với nguồn cung cấp thức ăn và nước uống cạn kiệt và lặp đi lặp lại lời kêu gọi các chính phủ trong khu vực hỗ trợ giải cứu họ.
Ngày 24/5, Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết từ tuần tới, họ sẽ bắt đầu hồi hương 720 người di cư Bangladesh. Chi phí hồi hương này sẽ do UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế chi trả.
Tuy nhiên, quy mô của các trại buôn người tại biên giới Thái Lan và Malaysia đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về mức độ đồng lõa của lực lượng an ninh hai nước với những kẻ buôn người.
Cảnh sát Malaysia tuần trước cho biết, hai viên cảnh sát nước này nằm trong số 10 người bị bắt giữ hồi đầu năm nay do có liên quan tới các vụ buôn người. Tại Thái Lan, hơn 50 cảnh sát đã bị đình chỉ công tác sau một cuộc điều tra nhằm vào mạng lưới buôn người ở miền Nam.