Ngày 22 tháng 5 năm 2015, tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức diễn tập thử cứu nạn ở Biển Đông |
Cùng Malaysia tổ chức diễn tập cứu nạn đa quốc gia
Theo tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc, ngày 23 tháng 5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc điều một phái đoàn gồm 600 người, trong đó có 49 quân nhân tham gia diễn tập cứu nạn đa quốc gia tổ chức ở Malaysia.
Cuộc diễn tập này diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 5 năm 2015. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập cứu nạn liên hợp quân-dân quy mô lớn tổ chức ở nước ngoài.
Phía Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập này gồm có chuyên gia của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ, nhân viên cơ quan chính quyền địa phương và các quân nhân Trung Quốc.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 tiên tiến nhất (Tỉnh Cương Sơn) của Hải quân Trung Quốc chở theo trực thăng tham gia diễn tập.
Bài báo cho rằng, cùng với thực lực kinh tế và ngoại giao được tăng cường, Trung Quốc bắt đầu tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động cứu nạn và diễn tập đa quốc gia, nhằm xác lập cái gọi là vị thế "lãnh đạo khu vực" (?).
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Trung Quốc có lượng giãn nước đầy 18.500 tấn, dài 210 m, rộng 28 m, mớn nước 7 m, tầm hoạt động 6.000 hải lý. |
Diễn tập cứu nạn lần thứ 4 của Diễn đàn khu vực ASEAN chính thức bắt đầu ở thành phố Perlis và bang Kedah của Malaysia. Mục đích diễn tập là tập các kỹ thuật quản lý, tăng cường phối hợp của khu vực trong việc ứng phó với các thảm họa như sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004.
Cuộc diễn tập lần này do Trung Quốc và Malaysia cùng tổ chức, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng tham diễn, tổng số người tham diễn khoảng 2.000 người.
Tháng trước, Trung Quốc điều quân đội và nhân viên cứu nạn, máy bay trực thăng, ô tô đến Nepal trợ giúp cứu nạn, Trung Quốc cũng điều người đến Pakistan, Haiti tham gia cứu viện động đất, nước lũ và các tình hình khẩn cấp khác.
Diễn thử ở Biển Đông
Theo đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 23 tháng 5, tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn số hiệu 999 Type 071, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã đến Malaysia tham gia diễn tập cứu nạn liên hợp lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Trung Quốc bố trí cả 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 hiện có ở Biển Đông, mục đích chưa rõ |
Trên đường đi, vào chiều ngày 22 tháng 5, nó đã tổ chức triển khai huấn luyện trước cứu nạn liên hợp ở Biển Đông. Tuy nhiên bài báo không nói rõ diễn tập ở địa điểm cụ thể nào. Trung Quốc thường công bố như vậy, nhưng không minh bạch, thể hiện hành động lén lút và thường diễn để "dọa" các đối thủ trong những thời điểm nhất định - PV.
Trong hoạt động diễn thử ở Biển Đông, máy bay trực thăng trên tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã cất cánh đến khu vực "xảy ra sự cố" để tiến hành tìm kiếm. Sau đó, tàu Tỉnh Cương Sơn còn thả tàu cao tốc nhỏ để phi tới khu vực "xảy ra sự cố", tìm kiếm những người "rơi xuống nước” và đưa về "tàu mẹ" (Tỉnh Cương Sơn) để "cứu chữa".
Hoạt động diễn tập liên hợp này diễn ra trong thời gian gần 2 giờ, được bài báo cho là đã tăng cường phối hợp hiệp đồng giữa tàu chiến và máy bay, giữa các bộ phận của tàu chiến.
Đáng chú ý, trong thời gian Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, vào ngày 14 tháng 5, 2 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 của Hạm đội Nam Hải gồm Tỉnh Cương Sơn 999 và Côn Luân Sơn 998 đã tham gia chiến dịch dùng vũ lực uy hiếp, đe dọa Việt Nam – PV.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận 7 ngày đêm ở Biển Đông, có bắn đạn thật, có khoa mục săn ngầm |
Trước đó, vào tháng 3 năm 2014, tàu Tỉnh Cương Sơn và tàu Côn Luân Sơn cùng một số tàu chiến khác cũng được Trung Quốc điều xuống vùng biển ở vịnh Thái Lan để tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của Malaysia. Trung Quốc tham gia hoạt động này giống như một chiến dịch có quy mô đáng kể - PV.
Ngoài ra, cho đến nay, Hải quân Trung Quốc mới biên chế 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, nhưng không hiểu vì lý do gì Trung Quốc đã ưu tiên bố trí cả 3 tàu này ở Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đang tiếp tục chế tạo loại tàu đổ bộ Type 071 này, trong tương lai có tiếp tục bố trí thêm ở Biển Đông nữa hay không thì còn chưa rõ – PV.
Trung Quốc thực sự đang đẩy mạnh phát triển lực lượng tác chiến đổ bộ, không chỉ tự chế tạo tàu đệm khí, mà còn mua và nhận giấy phép chế tạo tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới lớp Zubr của Ukraine. Có tin cho biết, mặc dù Crimea đã sáp nhập vào Nga, nhưng Nga sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng tàu đệm khí Zubr mà Ukraine đã ký với Trung Quốc – PV.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận 7 ngày đêm ở Biển Đông: Bắn pháo chính ban đêm |
Không chỉ tăng cường biên chế và ưu tiên bố trí các vũ khí trang bị dùng cho tác chiến đổ bộ ở Biển Đông, Hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo đá, nhất là ở khu vực Biển Đông. Từ đó, càng thấy rõ Trung Quốc đang muốn gì, nghĩ gì và sẽ làm gì đối với các đảo đá ở Biển Đông - PV.
Một điểm lưu ý là, Trung Quốc hiện nay dường như cảm thấy mình đã “đủ lớn”, thường tuyên truyền trên báo chí của họ là “nước lớn”, nên phải “gánh trách nhiệm nước lớn”, tức là Trung Quốc sẽ tích cực tham gia các hoạt động an ninh ở khu vực và trên thế giới - PV.
Tuy nhiên, giới cầm quyền Trung Quốc nói rất hay, rất kêu, nhưng trong nhiều trường hợp thì hoàn toàn không hề có “phong độ nước lớn” như báo chí Trung Quốc viết. Bởi vì, Trung Quốc có ý đồ xác lập chủ quyền đối với các đảo đá đã xâm lược của Việt Nam trên Biển Đông bằng mọi thủ đoạn - PV.
Minh chứng rõ nhất cho điều này là gần đây Trung Quốc ra sức tuyên truyền về mục đích xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ nói là làm như vậy để cung cấp “dịch vụ an ninh công” cho các nước, thậm chí mời Mỹ sử dụng các cơ sở do Trung Quốc xây dựng ở đây - PV.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận 7 ngày đêm ở Biển Đông: Bắn pháo chính ban ngày |
Dường như Trung Quốc định thử Mỹ, chứ làm sao họ có thể đánh lừa được ai, nhất là với người Mỹ. Trung Quốc ăn cướp đảo đá của Việt Nam, nay xây dựng bất hợp pháp cơ sở “dịch vụ công” và mời Mỹ sử dụng – thực chất là tìm cách “làm đẹp” cho mưu đồ và hành động xấu xa và bất hợp pháp của họ mà thôi - PV.
Trung Quốc thực ra là muốn mượn tay của nước khác để xác lập chủ quyền vô căn cứ, bất hợp pháp của họ trên Biển Đông. Người Mỹ đã từ chối thẳng thừng “lời mời ngọt xớt” của Trung Quốc, thay vào đó, người Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông - PV.
Tập trận bắn đạn thật 7 ngày đêm ở Biển Đông, có săn ngầm
Trên báo chí Trung Quốc ngày 23 tháng 5 cũng cho biết, một khu thủy cảnh của Hạm đội Nam Hải gần đây đã tổ chức một cuộc diễn tập chiến đấu thực tế bắn đạn thật trên Biển Đông trong thời gian 7 ngày đêm.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận 7 ngày đêm ở Biển Đông, có bắn đạn thật, có khoa mục săn ngầm |
Cuộc diễn tập này có sự tham gia của nhiều loại tàu chiến trong đó có tàu hộ vệ tên lửa Sán Đầu số hiệu 561 Type 053H1G. Đáng chú ý, vào tối ngày 16 tháng 5, tàu hộ vệ Sán Đầu đã “bắn pháo lên bia bắn trên bờ biển”.
Trong hoạt động diễn tập, đơn vị này đã tập trung bám vào nhiệm vụ sứ mệnh, các điểm yếu, các vấn đề đặt ra, thực hiện theo các bước “nghiên cứu thảo luận lý luận, nghiên cứu phương pháp tác chiến, diễn tập chỉ huy, kiểm nghiệm thực binh và kiểm điểm đánh giá”.
Trong diễn tập, đã tập trung vào huấn luyện tổ chức chỉ huy trong đó lấy người chỉ huy làm trung tâm; tập trung huấn luyện tổ chức tác chiến, huấn luyện tập trung vào các năng lực cốt lõi, huấn luyện đối kháng hệ thống.
Các khoa mục huấn luyện gồm có biên đội tìm kiếm, tấn công tàu ngầm, vận động biên đội lớn, tiếp tế trên biển, bắn đối không ban ngày, pháo chính bắn đối hải ban ngày, tìm kiếm cứu nạn liên hợp ban đêm, sử dụng vũ khí thực tế ban đêm.
Ngày 21 tháng 5 năm 2015, Trung Quốc điều 2 máy bay ném bom bay qua eo biển Myako, đến Tây Thái Bình Dương tiến hành tập trận biển xa. Hình ảnh này do Nhật Bản công bố |
Bài báo cho rằng, hoạt động huấn luyện diễn tập này đã tăng cường vững chắc năng lực tổ chức huấn luyện ban đêm, năng lực tác chiến hệ thống dựa trên hệ thống thông tin hóa.
Cuộc diễn tập bắn đạn thật này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục ra sức xây dựng rầm rộ đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam – hành động bất hợp pháp này đã bị Việt Nam, Mỹ, đồng minh và cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ - PV.
Không những vậy, ngày 21 tháng 5 năm 2015, Trung Quốc còn điều 2 máy bay ném bom bay áp sát Nhật Bản, bay qua eo biển Miyako, đến Tây Thái Bình Dương tập trận biển xa. Cuộc diễn tập này đã bị Nhật Bản giám sát chặt chẽ, đã điều máy bay chiến đấu F-15 cất cánh và còn công bố hình ảnh.
Cuộc diễn tập này cũng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ vừa sửa đổi Phương châm hợp tác phòng vệ của hai nước, Nhật đang cân nhắc tuần tra với Mỹ ở Biển Đông. Như vậy, hoạt động tập trận của Trung Quốc ở khu vực đều có ý đồ rất rõ ràng - PV.
Ngày 21 tháng 5 năm 2015, Trung Quốc điều 2 máy bay ném bom bay qua eo biển Myako, đến Tây Thái Bình Dương tiến hành tập trận biển xa |