RIA Novosti ngày 26/5 dẫn lời ông Gutenev cho biết, về mặt công nghệ, để chế tạo được một chiếc tàu trực thăng giống hệt chiếc Mistral của Pháp không phải là quá khó khăn, đặc biệt là sau khi Nga đã được tiếp cận với các bản vẽ cơ bản của nó. Ngoài ra, các hệ thống vũ khí của Nga hiện nay cũng rất phù hợp với đặc điểm hoạt động của con tàu này.
Tàu Mistral Pháp đóng cho Nga, ảnh: RT. |
Trong trường hợp cần thiết, Nga có thể tự chế tạo một chiếc tàu có kích thước tương tự Mistral có thể chở được trực thăng với tính năng phòng không và chống tàu ngầm. Tuy nhiên, để con tàu hoạt động cần có lò phản ứng hạt nhân.
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự-Công nghiệp của Liên bang Nga Oleg Bochkarev nói với các phóng viên rằng Moscow đang có kế hoạch tự chế tạo tàu trực thăng thay vì mua Mistral của người Pháp.
Nga và Pháp đã ký một hợp đồng mua hai tàu Mistral trong năm 2011. Chiếc tàu đầu tiên dự kiến sẽ được giao cho Nga vào năm 2014, và chiếc thứ hai bàn giao vào năm 2015. Tuy nhiên, hoạt động này đã không thể diễn ra do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tờ Sputnik ngày 26/5 đưa tin cho biết, Nga đã chính thức từ bỏ nỗ lực mua tàu Mistral trị giá 1,2 tỉ euro với Pháp.
Sputnik dẫn lời ông Bochkarev nói rằng, Nga đang thảo luận với Pháp về việc hoàn lại tiền đặt cọc và khoản bồi thường bể hợp đồng, các chi phí phát sinh do hợp đồng không được thực thi.
Ngoài ra, Nga đang lên kế hoạch chế tạo tàu tương tự Mistral chứ không giống hoàn toàn để tránh bị mang tiếng sao chép nó từ đối tác.
Quyết định này của Nga đồng nghĩa với việc Pháp phải nhanh chóng tìm kiếm người mua mới cho hai chiếc tàu khổng lồ tốn hàng triệu USD tiền bến bãi và hàng chục triệu USD tiền chuyển đổi cho phù hợp với khách hàng mới.
Hồi đầu tháng này rộ lên các tin đồn cho rằng Trung Quốc có thể mua hai chiếc tàu Mistral trên của Pháp, tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà phân tích sau đó đã chỉ ra rằng khả năng này không có nhiều./.