Kênh trăm tỉ "nát như tương", lòng tin của dân ai vá?

29/05/2015 09:16
THANH HẢI
(GDVN) - Sự cố công trình có thể khắc phục, nhưng có “vá” được lòng tin của người dân?

LTS: Bạn đọc Thanh Hải bày tỏ quan điểm không hài lòng trước sự việc kênh Ba Bò (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách, vừa hoàn thành đã xuống cấp.

Độc giả đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc.

Bài viết "Có vá được lòng tin của người dân" của tác giả Thanh Hải sẽ làm rõ thêm vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Không ít công trình được đầu tư lên tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ bỗng dưng xuống cấp nhanh chóng sau thời gian ngắn đi vào hoạt động.

Bên cạnh trách nhiệm giải trình của đơn vị có liên quan, không ít lần người ta “bịa” lý do, đổ lỗi cho yếu tố khách quan và cho đó là việc bất khả kháng.

Đó là câu chuyện được đăng tải trên trên báo Lao Động hôm 25/5 vừa qua, khi phóng viên báo này phát hiện công trình cải tạo thoát nước Kênh Ba Bò (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương), có vốn đầu tư lên đến 345 tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng hồi tháng 4/2015 đã “nát như tương” sau một trận mưa.

Để giải thích cho sự cố nói trên, ông Hồ Văn Thông – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, chủ đầu tư dự án cho rằng, nguyên nhân sạt lở là... tại trời.

“Các tấm đan bờ kè chưa trét khe, gặp mưa làm nền móng bị yếu gây sạt lở. Hiện đơn vị đang chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương sửa chữa, khắc phục”, ông Thông cho biết.

Đoạn kênh Ba Bò bị xuống cấp sau 1 trận mưa (ảnh: Lao Động)
Đoạn kênh Ba Bò bị xuống cấp sau 1 trận mưa (ảnh: Lao Động)

Nghe chừng, cái lý của vị chủ đầu tư dự án cũng chẳng mấy lọt tai. Hóa ra, mỗi khi làm việc gì có lỗi là các vị lại “phủi” sạch trách nhiệm, đổ tội cho... ông trời.

Bởi, người ta đều biết, dù có cố gắng đến mấy, thì ông trời cũng không thể dùng lời lẽ, hành động giống như con người để bào chữa cho mình. 

Mặt khác, việc người dân nghi ngờ về chất lượng thi công công trình cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu nếu công trình được thi công đảm bảo chất lượng, thì không có lý gì lại “nát như tương” chỉ sau một trận mưa. 

Một số chuyên gia cho rằng, công trình được đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng chắc chắn phải được nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc từ khâu lập dự án. Đó là chưa kể đến chi phí tư vấn, khảo sát, thăm dò cũng đã “ngốn” hết cả đống tiền. 

Không lẽ đơn vị hữu quan bỏ qua công đoạn thực địa này nên mới không lường trước được hậu quả xảy ra?

Còn nếu theo giải thích của đơn vị có trách nhiệm, thì chủ đầu tư có chú ý tới chất lượng thi công? Vấn đề đảm bảo thi công có được xem xét đúng mức? Đơn vị tư vấn, thiết kế có vai trò gì ở đây? Họ có hiểu được địa chất, địa hình khu vực thi công? 

Suy cho cùng, việc Nhà nước đầu tư số tiền lên tới hàng trăm tỷ để cải tạo, nâng cấp kênh cũng chính là để phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Nhưng chính chất lượng công trình kém cỏi đã làm mất niềm tin của họ. 

Công trình xuống cấp có thể sửa chữa. Nhưng làm sao có thể “vá” được lòng tin của người nếu sự việc không được xử lý tới nơi tới chốn.

THANH HẢI