LTS: Năm học đầu tiên áp dụng Thông tư 30 đã kết thúc; cô giáo Đỗ Quyên-tới từ miền Trung- gửi tới Tòa soạn bài viết nói về việc dạy và học ở tiểu học đã có chuyển biến.
Thay đổi ấy, tốt xấu thế nào với người thầy, với học trò, và với cả giáo dục tiểu học? Kính mời quý độc giả theo dõi bài viết này để có câu trả lời.
Thầy áp lực với công việc
Chưa bao giờ giáo viên tiểu học lại thấy mệt mỏi, căng thẳng và áp lực như lúc này. Để giúp các giáo viên chủ nhiệm ghi lời nhận xét học sinh vào học bạ cho đúng, một số giáo viên dạy các môn chuyên như Mỹ thuật, Anh văn, Thể dục, Tin học phải gấp rút hoàn thành các lời nhận xét…
Cô H., giáo viên âm nhạc chia sẻ: “Em phải thức ròng rã mấy đêm liền mới hoàn thành việc ghi lời nhận xét cho gần một ngàn học sinh của trường, nhờ ghi lời nhận xét, tay em đã chai mất rồi”.
“Nhân bản” lời phê
(GDVN) - Áp lực về hồ sơ sổ sách, áp lực về việc nhận xét đánh giá học sinh đang đè nặng trên vai từng giáo viên tiểu học.
Còn giáo viên chủ nhiệm, chỉ tính riêng việc ghi học bạ, thầy cô giáo cũng phải mỏi tay sao chép các thông tin lý lịch từ trang này đến trang khác, rồi phải “nát óc” tìm lời lẽ để ghi nhận xét vào học bạ với những yêu cầu nghe chung chung không kém phần trìu tượng:
Sự hình thành và phát triển năng lực cùng với các đề mục nhỏ (tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vần đề); Sự hình thành và phát triển phẩm chất (Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết”.
Mệt mỏi là thế nhưng phụ huynh còn liên tục gây áp lực, nhiều người khi biết điểm thi của con đã so sánh với một số em khác như kiểu: Tại sao con tôi thi điểm 9, điểm 10, mà không được giấy khen?
Con bé M. chỉ có hai điểm 9 lại được giấy khen và phần thưởng lần này?
Hết so sánh học sinh ở cùng trường, phụ huynh còn mang trường khác ra so bì…
Ngày nào cũng vừa phải tiếp phụ huynh, vừa phải nghe hơn chục cuộc điện thoại để hỏi thăm, “chất vấn” xoay quanh việc con họ xếp loại gì, vì sao năm nào cũng có giấy khen còn năm nay lại không?
Mặc dù đã có cả một buổi họp phụ huynh, các giáo viên đã giải thích cặn kẽ nhưng hình như phụ huynh không quan tâm chỉ luôn nhìn vào điểm kiểm tra cuối kì và phán xét, đã làm cho nhiều thầy cô, nhẹ thì chóng mày chóng mặt, nặng có khi lên huyết áp phải đi truyền nước.
Trò bội thực với lời khen
Suốt cả năm, giáo viên phải “sưu tầm, nặn óc” để có những lời khen cho học sinh. Học sinh có lực học tốt, nổi trội được khen đã đành.
Những học sinh tiếp thu bài còn chậm, làm còn sai cũng phải ra sức khen theo kiểu: Con cố gắng làm bài tốt hơn nhé! Con thông minh nếu chịu khó học, cô nghĩ sẽ học tốt đấy;
Hôm nay, con làm bài rất tốt, thật đáng khen; Con cần lưu ý cách đặt tính, cô tin tưởng ở con; Con viết bài đúng rồi, nếu cẩn thận hơn một chút sẽ đẹp hơn nhiều…
Thông tư 30 dần gây khó dễ cho công tác khuyến học
(GDVN) - Nội dung khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30 của Bộ GD&ĐT sẽ gây khó khăn cho các tổ chức khuyến học khi xây dựng quy chế khen thưởng.
Lời khen rải khắp những trang vở, sổ theo dõi, học bạ. Đến cả những tờ giấy khen cũng tràn ngập những từ ngữ “cao siêu” và “trừu tượng” đôi khi cả người lớn còn hiểu không hết.
Chẳng hạn những học sinh trước đây chúng ta hiểu là học sinh xuất sắc, học sinh giỏi nay đã được đổi thành: Đạt thành tích nổi bật học tập các môn học;
Tiến bộ vượt bậc về môn năng khiếu, đạt thành tích nổi bật trong thi đua;
Đạt thành tích nổi bật môn…Đạt thành tích phát triển năng lực; đạt thành tích phát triển phẩm chất; Đạt thành tích vượt trội trong học tập…
Một lớp học mà gần hai chục em được khen như thế thì tờ giấy khen đã giảm đi giá trị thế nào?
Nếu khen đúng thì lời khen sẽ như một động lực giúp các em cố gắng, tiến bộ hơn.
Nhưng “kiểu gì khen cũng được” như hiện nay, vô tình chúng ta đang “ru ngủ” và phát huy tính tự mãn của các em. Vì thế, lời khen không còn là liều thuốc bổ mà có tác dụng ngược lại.
Nỗi niềm người trong cuộc
Phần lớn thầy cô cũng không thích “ban phát” lời khen vô tội vạ, không thích “kiểu gì khen cũng được” như hiện nay và càng không thích dùng những từ quá cao với những đứa bé mới dăm tuổi đầu như vượt trội, vượt bậc, nổi bật…hay thành tích phẩm chất, thành tích năng lực…
Nhưng ngoài lương tâm người thầy thì thầy cô giáo vẫn đang phải hoàn thành trách nhiệm của một giáo viên theo quy định chung về chuyên môn. Nhiều người thường nói đùa “Đó là Thông tư 30 khen chứ không phải là lời khen của thầy cô giáo”.
Thông tư 30 đã được áp dụng gần một năm học, nhìn một cách công bằng thì bước đầu đã giảm được áp lực về điểm số cho các em.
Tránh được tình trạng chê bai học trò, không làm cho những học sinh có lực học yếu cảm thấy tự ti, xấu hổ với bạn bè…Thế nhưng, ở phần ngược lại, Thông tư này còn góp phần biến giáo viên thành những cái “máy photocopy” như hiện nay.
Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.
Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.
Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.
Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.
Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!