Tàu hộ vệ tên lửa RSS Formidable, Hải quân Singapore |
Tân Hoa xã ngày 30 tháng 5 đăng bài viết "Hải quân Đông Nam Á đổi mới không ngừng chính là vì Biển Đông?".
Đổi mới trang bị không ngừng
Theo bài viết, tại Triển lãm phòng vệ biển châu Á lần này, tàu ngầm, tàu chiến, tàu tuần tra và tàu đổ bộ đều có đầy đủ. Một nhà cung cấp thiết bị quốc phòng châu Âu cho biết: "Tôi một chút cũng không rảnh tí nào. Một số sĩ quan cao cấp đã đến gian hàng triển lãm của chúng tôi, thiết tha muốn biết chúng tôi có thể cung cấp gì".
Như vậy, các nước Đông Nam Á rốt cuộc đang mua cái gì? Hoặc nói, họ rốt cuộc muốn mua cái gì? - Tân Hoa xã tỏ ra quan tâm không bình thường.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội của Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo |
Ngoài tàu chiến mặt nước, một số quốc gia Đông Nam Á cũng bắt đầu chú trọng xây dựng lực lượng dưới nước. Việt Nam đã sở hữu 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo do Nga chế tạo, còn có 3 chiếc chưa bàn giao.
Singapore hiện nay sở hữu 4 tàu ngầm cũ, đồng thời đã đặt mua 2 tàu ngầm của Công ty hệ thống hàng hải ThyssenKrupp Đức. Indonesia đã đặt mua 3 tàu ngầm của hãng đóng tàu Daewoo Hàn Quốc.
Philippines gần đây liên tiếp "liếc mắt đưa tình" với Nhật Bản. Philippines hy vọng, trước cuối năm nay, Nhật Bản có thể bàn giao 10 tàu tuần tra bờ biển đang chế tạo cho Philippines.
Có truyền thông Mỹ cho biết, Philippines có thể sẽ mở một số căn cứ quân sự cho tàu chiến và máy bay Nhật Bản, từ đó đổi lấy trang bị hải quân tiên tiến hơn.
Tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Malaysia, mua của Pháp |
Đổi mới trang bị để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Các nước Đông Nam Á bắt đầu nâng cấp trang bị hải quân, một số truyền thông phương Tây lập tức lên tiếng, tuyên bố các nước Đông Nam Á hy vọng tranh giành Biển Đông, khả năng nổ ra xung đột quân sự ở khu vực Biển Đông tăng mạnh. Sự thật đúng là như vậy?
Theo Tân Hoa xã, đương nhiên, Đông Nam Á thực sự “có quốc gia cá biệt không ngừng khiêu khích ở Biển Đông”, nhưng từ loại hình tàu chiến mua sắm cho thấy, các nước chú trọng tới tính đa năng của tàu chiến, chứ không phải thuộc tính chiến tranh.
Hãng tin Reuters Anh cho rằng, mua sắm tàu chiến đổ bộ dường như đang trở thành thời thượng của các nước Đông Nam Á. Loại tàu chiến này có thể vận chuyển xe tăng, máy bay trực thăng và lực lượng, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như tìm kiếm, cứu viện.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Châu Á Tim Huxley cho rằng, tàu chiến tương tự như tàu đổ bộ lớp Endurance càng thích hợp với hải quân Đông Nam Á.
Diễn tập Balikata giữa Mỹ-Philippines |
"Những tàu chiến đa năng này có thể thích ứng với nhu cầu nhiệm vụ rộng rãi. Đối với hải quân Đông Nam Á có nhu cầu nhiều và ngân sách ít, chúng là sự lựa chọn lý tưởng" - Huxley nói.
Tân Hoa xã tuyên truyền, đối với vấn đề Biển Đông, cách tiếp cận của Trung Quốc luôn luôn rõ ràng, Trung Quốc sẽ không "ỷ lớn hiếp nhỏ", nhưng "có quốc gia cá biệt lợi dụng vấn đề Biển Đông để khuấy đục, sẽ phải gánh lấy hậu quả nghiêm trọng". Đại cục hữu nghị Trung Quốc và ASEAN sẽ không thay đổi.
Tân Hoa xã nói như vậy nhưng chẳng lừa được ai. Trên thực tế, Trung Quốc mưu đồ bành trướng bá quyền "đường lưỡi bò", đang không ngừng khiêu khích ở Biển Đông, điều này có thể "làm loạn khu vực", mưu đồ này cùng với các hành động phi pháp của nó mà không chấm dứt thì chắc chắn sẽ "gánh lấy hậu quả nghiêm trọng" - PV.
Tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển quần đảo Trường Sa |