"Đại binh áp cảnh, mũi kiếm Trung Quốc không chỉ chĩa vào Myanmar"

03/06/2015 14:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Cuộc tập trận này đã hình thành cơ chế phản ứng thần tốc của Bắc Kinh trong các va chạm ngoài biên giới với các nước láng giềng.
Pháo binh Trung Quốc vào vị trí chuẩn bị tập trận áp sát biên giới với Myanmar. Ảnh: Quân giải phóng.
Pháo binh Trung Quốc vào vị trí chuẩn bị tập trận áp sát biên giới với Myanmar. Ảnh: Quân giải phóng.

Đa Chiều ngày 2/6 bình luận, cuộc tập trận bắn đạn thật cấp tập đoàn quân của đại quân khu Thành Đô, Trung Quốc bắt đầu ngày hôm qua ở sát biên giới với Myanmar có nhiều dấu hiệu cho thấy, vấn đề cần giải quyết không chỉ là an ninh biên giới giữa 2 nước, mà còn là cuộc tập trận này đã hình thành cơ chế phản ứng thần tốc của Bắc Kinh trong các va chạm ngoài biên giới với các nước láng giềng.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dùng tập trận bắn đạn thật để nẹt láng giềng. Một trường hợp khác là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cũng dùng tập trận bắn đạn thật sát biên giới để phản ứng với việc các binh sĩ Bắc Triều Tiên đào thoát giết hại dân thường Trung Quốc. Từ khi lên cầm quyền, ông Kim Jong-un thực hiện chính sách đối ngoại "ôm cả thế giới, lạnh nhạt với mỗi Bắc Kinh", tìm mọi cách để tránh lệ thuộc quá nhiều vào hàng xóm.

Tuyên bố của quân đội Trung Quốc về cuộc tập trận này xuất hiện mệnh đề "không nhằm vào ai đó", trong khi địa điểm tập trận áp sát biên giới láng giềng. Tuy nhiên không khó để nhận thấy hiện trạng đặc biệt của quan hệ Trung Quốc - Myanmar đòi hỏi Trung Nam Hải phải có đủ trí tuệ để xử lý vấn đề.

Vài năm trở lại đây, quan hệ Trung Quốc - Myanmar đã diễn biến từ "tuần trăng mật" sang một xu thế mới. Chính phủ Myanmar hy vọng dựa vào phương Tây để thoát khỏi sự lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc trước đó, chính sách đối ngoại này của Myanmar lại rất phù hợp với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nên được Washington hết sức hưởng ứng.

Mặc dù quan hệ Trung - Miến đã có những thay đổi vi tế, nhưng ý nghĩa chiến lược của Myanmar đối với Trung Quốc thì căn bẳn không đổi, lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Myanmar cũng không dễ bỏ qua.

Bởi lẽ đó, năm 2011 hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và Trung Quốc cần tránh để chính quyền Myanmar "chạy theo phương Tây và rời vòng tay Bắc Kinh quá xa". Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không hy vọng trực tiếp can thiệp vào chiến sự giữa chính phủ Myanmar với phiến quân người Hán ở Kokang nhưng cũng không thể đứng ngoài.

Tên lửa Trung Quốc kéo ra biên giới với Myanmar. Ảnh: Đa Chiều.
Tên lửa Trung Quốc kéo ra biên giới với Myanmar. Ảnh: Đa Chiều.

Do nguyên nhân từ lịch sử chiến tranh cũng như việc thập niên 1960 Trung Quốc đã cài cắm không ít "mầm mống cách mạng" ở Myanmar nên người Miến Điện không bao giờ hết tâm lý đề phòng Bắc Kinh. Bởi vậy Trung Quốc mới quyết định tập trận quân sự bắn đạn thật áp sát biên giới để cảnh báo an ninh, tránh lặp lại bom rơi đạn lạc làm dân thường thương vong, vừa cảnh cáo vừa giữ chút thể diện cho Myanmar, Đa Chiều bình luận.

Dấu hiệu đe nẹt của Trung Nam Hải

Ngày 2/6 Thời báo Hoàn Cầu đã lục lại một loạt các thông báo tập trận của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây thì phát hiện ra, việc quân đội công khai tuyên bố tập trận thực binh thực đạn sát biên giới nước khác là vô cùng hiếm gặp, đặc biệt là khi cuộc tập trận điều động cả không quân, tên lửa, pháo binh tham gia. Chưa bao giờ thông báo tập trận của quân đội Trung Quốc có mệnh đề "không nhằm vào ai đó" như lần này.

Tờ Quân giải phóng hôm 1/6 cho biết, cuộc tập trận này nhận được sự chi viện trực tiếp của (4) Tổng cục và đại quân khu Thành Đô. Hàng ngàn binh sĩ chính quy và dự bị, chiến đấu cơ, hơn trăm trang bị khí tài hạng nặng đang bày binh bố trận ở núi rừng biên giới. Đáng chú ý là tham gia tập trận thực binh thực đạn có cả một tập đoàn quân lục quân, các đơn vị không quân, tên lửa, biên phòng đều tham gia hợp đồng tác chiến.

Tuy nhiên cuộc tập trận này có 2 thông điệp không rõ ràng. Một là không có thông tin chính xác từ nơi Trung Quốc tập trận đến đường biên giới giữa 2 nước là bao xa, hai là chỉ tuyên bố thời gian bắt đầu, không nói đến thời gian kết thúc. Một nhà bình luận quân sự Trung Quốc giấu tên nói với truyền thông nước này, sở dĩ không công bố thời gian kết thúc tập trận là vì "còn tùy tình hình" để điều chỉnh.

Hôm nay tờ Vượng Báo Đài Loan dẫn nguồn trang Boxun xuất bản tại Hồng Kông cho rằng, chính ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Quân ủy trung ương đã trực tiếp ra lệnh tiến hành cuộc tập trận này như một phản ứng của Bắc Kinh với các sự cố bom rơi đạn lạc từ Myanmar qua biên giới gây thương vong cho dân Trung Quốc.

Hồng Thủy