Học giả Campuchia Phoak Kung. |
Ngày 3/6 Phoak Kung, đồng sáng lập và là Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia (CISS) có bài bình luận trên Diễn đàn Đông Á với tiêu đề "Trung Quốc có phải là mối đe dọa cho sự thống nhất của ASEAN?" nhằm biện minh cho lựa chọn của Phnom Penh, đổi sự ủng hộ lập trường vô lý, phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông lấy nhân dân tệ Trung Quốc - PV.
Ông Kung cho rằng, sự nổi lên của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong khu vực đã đặt sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trước thách thức lớn nhất trong năm. Mặc dù các nhà lãnh đạo ASEAN đang cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, nhưng sự khác biệt giữa các nước vẫn thể hiện công khai.
"Các bên có yêu sách trên Biển Đông đặc biệt là Việt Nam và Philippines mong muốn đồng nghiệp ASEAN thể hiện một mặt trận thống nhất về vấn đề này. Hai nước muốn ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn lên án Trung Quốc lợi dụng sức mạnh kinh tế và quân sự to lớn của nó để gây áp lực lên các đối tác đàm phán yếu hơn và nhỏ hơn", Phoak Kung bình luận.
Đúng là Việt Nam và Philippines rất muốn lên án các hành vi leo thang gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông vì Biển Đông mà xảy ra xung đột đối đầu thì không chỉ riêng 2 nước bị tổn hại, mà cả khu vực Đông Nam Á lẫn các nước có lợi ích ở đây như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn cũng bị đe dọa. Đó là lý do tại sao các cường quốc thế giới lên tiếng phản đối Bắc Kinh mạnh mẽ như vậy - PV.
Thứ hai, không phải Việt Nam hay Philippines "sợ" Trung Quốc làm càn vì mình quá bé, mà ở Biển Đông có tranh chấp song phương và đa phương. Ví dụ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp là vấn đề giữa 2 nước. Nhưng quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) có 5 nước 6 bên yêu sách, lại án ngữ yết hầu tuyến hàng hải quốc tế trọng điểm huyết mạch đi qua Biển Đông trong đó có 4 thành viên ASEAN thì không còn là vấn đề của riêng 4 nước ASEAN với Trung Quốc, mà là vấn đề chung của khu vực, thậm chí là có ảnh hưởng quốc tế - PV.
Phoak Kung thừa nhận: Chiến lược "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc đang xem xét một số yêu sách như nỗ lực chia rẽ ASEAN. Bắc Kinh yêu cầu các thành viên không có yêu sách ở Biển Đông được hưởng lợi nhiều từ chính sách này của Trung Quốc phải "thận trọng", nếu không sẽ không nhận được khoản tiền khá lớn từ Trung Quốc. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy có những nước đang hoài nghi về việc Trung Quốc thúc đẩy thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).
Cầu Prek Tamak còn được gọi là cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia bắc qua sông Mê Kông dùng vốn Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công bị xói lở lộ ra chân cầu không móng. |
Đồng thời học giả Campuchia lập luận: "Nhưng đối với một số thành viên khác của ASEAN (đang cần tiền Trung Quốc), mối quan tâm này đối với họ là khá lạc lõng và bị thổi phồng. Họ cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào đối với Trung Quốc không đính kèm cái giá buộc họ phải áp dụng chính sách làm hài lòng Bắc Kinh. Đúng là một số thành viên ASEAN có nhiều phụ thuộc vào Trung Quốc hơn những nước khác, nhưng sẽ không khôn ngoan khi cho rằng họ gắn chặt với Bắc Kinh mà không có chương trình nghị sự của riêng mình hoặc có quan hệ ngoại giao mạnh mẽ với các nước khác."
Nói thẳng ra là Campuchia cần tiền Trung Quốc và sẵn sàng làm mọi việc lấy lòng Bắc Kinh để có được món hời hậu hĩnh từ Bắc quốc, kể cả việc chấp nhận, bảo vệ, bao biện cho quan điểm và hành động bành trướng lãnh thổ, leo thang gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Còn nói như Phoak Kung, cầm (nhiều) tiền Trung Quốc mà không lệ thuộc Bắc Kinh, vẫn "độc lập tự chủ" thì chỉ là cách tự dối mình, dối người theo tâm lý AQ mà thôi. Người dân Campuchia hẳn không quên mầm họa diệt chủng Khmer Đỏ là do ai reo rắc, dung túng, giật dây? PV.
"Cái đang diễn ra là một số nước muốn chỉ dùng một phương pháp tiếp cận thực tế đối đầu với Trung Quốc vì lợi ích của riêng đất nước họ. Họ thừa nhận rằng rút lại chủ nghĩa dân tộc và rút lại các cuộc thập tự chinh chống Trung Quốc không phải câu trả lời. Không có gì nghi ngờ rằng họ đang lo ngại về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Họ muốn có giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng đó không nên là điều bắt buộc ASEAN hy sinh các ưu tiên khác", Phoak Kung lập luận.
Chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Bắc Kinh đúng là đầu tiên vì quyền lợi quốc gia dân tộc của các nước bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng đồng thời cũng để bảo vệ, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và luật pháp quốc tế trong khu vực. Thế giới ngày nay không chấp nhận thói bá quyền, ỷ lớn hiếp nhỏ lộng hành ngang ngược.
Cần nói cho rõ, các bên yêu sách ở Biển Đông đặc biệt là Việt Nam và Philippines mà Phoak Kung ám chỉ, không chống Trung Quốc, chỉ chống lại âm mưu, thủ đoạn bành trướng lãnh thổ, thôn tính Biển Đông, xưng hùng xưng bá trong khu vực. Hòa bình, ổn định và trật tự luật pháp ở Biển Đông chính là một lợi ích cốt lõi của Đông Nam Á, không phải của riêng Việt Nam và Philippines - PV.
Phoak Kung lập luận: "Trong thực tế những thách thức lớn nhất đối với sự thống nhất của ASEAN và vai trò trung tâm của khối không phải là Trung Quốc mà là sự phát triển kinh tế không đồng đều trong nhóm. Dù tăng trưởng mạnh mẽ, khug vực vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức tiếp tục cản trở khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển. Vấn đề quan trọng nhất là các nước nghèo thiếu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, cần thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
"Trong tháng 9/2011, các nước thành viên ASEAN và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ Hạ tầng ASEAN đầu tiên (AIF) với tổng vốn cam kết của Hoa Kỳ là 485,4 triệu USD. AIF dự kiến cung cấp các khoản vay ban đầu lên tới 300 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên theo ADB, ASEAN sẽ cần khoảng 60 tỉ USD mỗi năm để giải quyết đầy đủ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực".
Một khi để Trung Quốc tự tung tự tác bồi lấp xây cất đảo nhân tạo và các pháo đài quân sự ở Trường Sa thì sẽ có ngày ai đi qua Biển Đông cũng phải xin phép Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Mỹ, Nhật, Úc, Ấn và nhiều nước đặc biệt quan ngại, phản đối. Ảnh: Lính Trung Quốc đồn trú trên công sự bất hợp pháp ngoài đá Chữ Thập mà Bắc Kinh xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988 đến nay. |
"Khoảng cách tài trợ rất lớn này buộc các nước thành viên ASEAN tìm kiếm các nguồn tài trợ vốn từ bên ngoài. Kể từ khi Trung Quốc có khả năng cung cấp các nguồn lực cần thiết, họ sẽ chấp nhận đề nghị của Bắc Kinh, bất chấp sự phản đối từ các thành viên khác trong khối. Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình tuyên bố lập quỹ Con đường Tơ lụa mới 40 tỉ USD và chi 50 tỉ USD thành lập AIIB, nhiều quốc gia trong khu vực nhanh chóng ủng hộ."
"Tách ra khỏi Trung Quốc và các sáng kiến gần đây của nó là không thực tế và phản tác dụng. Những gì các thành viên ASEAN cần xem xét là làm thế nào sử dụng đồng tiền Trung Quóc để tăng cường nền kinh tế khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Cơ sở hạ tầng kết nối tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của Cộng đồng ASEAN dự kiến thành lập vào cuối năm nay".
Lập luận của học giả Campuchia mới nghe thì có vẻ cũng dễ xuôi tai, nhưng lại ẩn chứa những rủi ro và hậu họa khôn lường nếu nó trở thành sự thật. Đúng là tiền thì ai cũng cần, bất kể nước giàu nước nghèo, không nước nào chê tiền. Có điều không ai cho không ai cái gì, đặc biệt là Trung Quốc.
Thực tế cho thấy những dự án Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài, cho vay vốn ưu đãi...thường đi kèm điều kiện sử dụng công nghệ lạc hậu và lao động tay chân Trung Quốc, chưa kể các điều kiện chính trị khác. Những khu người Hán nhanh chóng mọc lên ở nơi nào có nhiều nhân dân tệ đầu tư. Những hệ lụy kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng đối với quốc gia nhận nhân dân tệ có thể phải sau này mới đánh giá hết được - PV.
Mặt khác, nguồn cung cấp vốn từ nước ngoài không hẳn là câu trả lời cho các nước muốn vươn lên thoát nghèo. Những tấm gương thành công như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đều chủ yếu dựa vào nội lực, tự lực cánh sinh và họ rất trân quý, tìm cách sử dụng hiệu quả nhất từng đồng vốn đi vay mà không để chủ nợ giật dây thao túng mình.
Hơn nữa, vì muốn kiếm ít vốn (mới trên lời nói) từ Trung Quốc mà chấp nhận bán rẻ lợi ích bạn bè, làm ngơ quyền lợi chính đáng của đối tác, hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế bị xâm hại thì dù quốc gia đó có tiền nhưng không bao giờ có chuyện hình thành một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phát triển khi ai đó chỉ lo kiếm cho bát cơm của mình đầy mà bất chấp tất cả. Rủi ro một ngày nào đó lại lòi ra một Pol Pot thì người Campuchia nhờ ai cứu? - PV.