Theo dự kiến chương trình làm việc, 4 giờ chiều nay (5/6), Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.
Sự kiện này đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, đặc biệt là thời gian gần đây Trung Quốc liên tục có các hành vi xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phải đối của Việt Nam và dư luận quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định mong muốn Quốc hội sẽ nghe và thảo luận, đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa về tình hình Biển Đông, về những hành vi sai trái của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Thưa ông, chiều nay Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông. Ông mong muốn gì từ chương trình này?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Ngoài những thông tin về những hành vi của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, tôi tin là sẽ có nhiều điều mà các phương tiện thông tin đại chúng chưa có. Thậm chí góc nhìn của chúng ta cũng có thể khác so với góc nhìn của các nước liên quan.
Điều tôi rất chờ đợi là những định hướng, biện pháp, cách thức mà Đảng, Nhà nước ta phải làm và sẽ làm như thế nào để tiếp tục khẳng định chủ quyền và an lòng dân.
Ở kỳ họp trước, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng đã nói một câu rất hay: “Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hữu nghị tin cậy lẫn nhau.
Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, cùng phát triển cùng thịnh vượng. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, để bảo vệ quyền lợi của nước ta trên cơ sở nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước”.
Hợp tác là điều rất cần thiết, nhưng không phải vì hợp tác mà chúng ta quên đi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền. Chúng ta không phải vì hợp tác mà chấp nhận hy sinh, dù chỉ là một tấc đất của tổ quốc. Đấy là điều mà Đại biểu chúng tôi rất quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn mong muốn Quốc hội sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn về tình hình Biển Đông. ảnh: Ngọc Quang |
Đến bây giờ, tôi rất băn khoăn vì trong chương trình của Quốc hội chỉ bố trí thời gian để nghe, chứ không thảo luận.
Trong thâm tâm tôi rất muốn có cơ hội để nói một tiếng nói chính thức, vì tôi hình dung rằng đến một ngày nào đó, không phải là bây giờ mà rất lâu sau thì người ta (Trung Quốc – PV) sẽ đưa ra một bằng chứng rằng ngày ấy khi chúng tôi làm như thế mà Quốc hội các ông, Chính phủ các ông không có quan điểm gì cụ thể.
Điều ấy thì đã xảy ra trong lịch sử rồi, Trung Quốc đã viện ra các loại văn bản để nói rằng ngày trước các ông đã đồng tình với chúng tôi. Mặc dù bản chất vấn đề không phải như thế, nhưng người ta vẫn vin vào để xuyên tạc.
Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Có thể kể tới cuộc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, rồi chiếm đảo Gạc Ma mà rất nhiều đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc tiếp tục hành động leo thang khi xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối, nhưng theo ông ứng xử như vậy đã đáp trả xứng đáng với những hành vi của Trung Quốc?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Về phương diện ngoại giao thì tất nhiên chúng ta phải có những cân nhắc, tùy theo bối cảnh cụ thể của hai nước để có thể đưa ra tuyên bố phù hợp.
Ông Dương Trung Quốc: Cha ông dạy ta hòa hiếu với nguyên tắc vững chủ quyền
Cử tri cũng nói với tôi rằng, dường như chúng ta vẫn còn rụt rè, chưa thật mạnh dạn và kiên quyết khẳng định những gì thuộc về chúng ta.
Thậm chí người ta còn so sánh rằng, nước ngoài còn tuyên bố mạnh mẽ hơn chúng ta.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề một toàn cục hơn, không phải chỉ có mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc mà còn là mối quan hệ với các quốc gia khác.
Có những lo lắng rằng, Việt Nam là một nước nhỏ ở cạnh Trung Quốc, và nếu những phản quá mạnh thì sẽ gây ra bất lợi. Quan điểm của ông thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Tôi tin rằng Đảng và Nhà nước ta cũng đã phải tính toán rất cụ thể để khi đưa ra những quyết định để không đặt mình vào tình thế khó khăn. Chúng ta cần có những bước đi phù hợp để tìm ra tiếng nói chung, đồng thời không phải lúng túng.
Theo ông, Quốc hội nên thể hiện quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Tôi nghĩ rằng nếu chỉ là một thông báo như kỳ họp trước thì có lẽ chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.
Ở góc độ cá nhân, tôi kiến nghị hai vấn đề: Một là Quốc hội nghe về tình hình Biển Đông. Thứ hai là Quốc hội thảo luận về vấn đề này.
Trân trọng cảm ơn ông!