Thời báo Hoàn Cầu lại xúi Bắc Kinh bắn hạ máy bay Úc nếu vào Trường Sa

05/06/2015 15:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuyên bố nồng mùi thuốc súng của Thời báo Hoàn Cầu được đưa ra sau khi truyền thông Úc cho biết, Canberra đang cân nhắc điều máy bay hoặc tàu đến Biển Đông.
Chiến đấu cơ Trung Quốc, hình minh họa.
Chiến đấu cơ Trung Quốc, hình minh họa.

AFR ngày 5/6 đưa tin, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo diều hâu của nhà nước Trung Quốc hôm nay kêu gọi Bắc Kinh có thể bắn hạ máy bay quân sự Úc nếu tiến vào khu vực lân cận đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

"Nếu một máy bay quân sự Úc đến theo kế hoạch, Trung Quốc nên sử dụng máy bay quân sự để đuổi nó đi như cách mà Nga đã làm. Nếu biện pháp này không hiệu quả, chúng ta chỉ cần bắn hạ nó là xong", tờ báo sặc mùi hiếu chiến tuyên bố. 

Tuyên bố nồng mùi thuốc súng của Thời báo Hoàn Cầu được đưa ra sau khi truyền thông Úc cho biết, Canberra đang cân nhắc điều máy bay hoặc tàu đến Biển Đông. Điều này có thể liên quan đến khả năng máy bay trinh sát RAAF của Úc tiến vào 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) Trung Quốc đang xây dựng.

"Chúng ta không nên chỉ phát cảnh báo như đã làm với Mỹ. Thay vào đó chúng ta nên tiếp đón hoành tráng khi nó đến. Điều này sẽ răn đe những ai còn lại (có ý định bay vào phạm vi 12 hải lý?)", Thời báo Hoàn Cầu viết. Bắc Kinh thường sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước kiểm soát chặt chẽ để phát cảnh báo và những lời đe dọa.

Thời báo Hoàn Cầu nổi tiếng là tờ báo hiếu chiến và các thông điệp của nó có thêm trọng lượng khi nó trực thuộc tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, AFR lưu ý. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews đã tuyên bố máy bay và tàu quân sự Úc sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra của riêng mình ở Biển Đông mà không nhất thiết là phải tiến hành cùng với Mỹ.

Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng các đòn bẩy kinh tế, thương mại trong quan hệ với Canberra để gây sức ép trả đũa Úc về hành động của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên các động thái của Trung Quốc chủ yếu mang màu sắc chính trị chứ không phải kinh tế.

Hồng Thủy