Sẽ dùng tiền ngân sách để bồi thường
Hôm 6/6, giới truyền thông dẫn lời đại diện Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ làm hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính duyệt chi ngân sách bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn số tiền 7,2 tỷ đồng theo thỏa thuận.
Theo đó, sau khi thỏa thuận xong về số tiền bồi thường với ông Nguyễn Thanh Chấn (bị kết án chung thân oan, sai), theo đúng quy trình, tòa sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về sau 10 năm chịu án oan, sai (ảnh: Petrotimes) |
Trong quá trình kiểm tra, nếu không phát hiện sai sót, hồ sơ sẽ được chuyển cho Vụ kế hoạch tài chính Tòa án Nhân dân tối cao, sau đó chuyển sang Bộ Tài chính để cấp phát kinh phí.
Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt, tiền chi trả bồi thường sẽ được chuyển về Vụ kế hoạch tài chính Tòa án Nhân dân Tối cao để chi trả cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng thì đây là trường hợp nhận được bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
“Không thể lấy tiền thuế của dân để bồi thường án oan sai”
Nhận định về động thái trên từ phía cơ quan chức năng, hôm 6/6, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là dấu hiệu tích cực.
"Điều này cho thấy, cơ quan có thẩm quyền đã cầu thị, nhận lỗi, sửa sai, chấp nhận bồi thường thiệt hại cho ông Chấn theo quy định", Đại biểu Bùi Thị An nhận định.
Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, cần làm rõ hành vi, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra án oan, sai, bởi hậu quả của nó gây ra là cực kỳ nghiêm trọng.
“Ông Nguyễn Thanh Chấn bị bức cung, nhục hình, bị bắt phải ký vào bản khai, hoặc gia đình kháng cáo không được xem xét…. Như vậy đó là những cái sai từ quá trình điều tra cho tới khi xét xử.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang) |
Thực tế đã có những gia đình đã ly tán vì những phán quyết sai lệch của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy phải truy cứu trách nhiệm tổ chức, cá nhân đến cùng sự việc”, Đại biểu Bùi Thị An đề nghị.
Đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, hiện nay, luật quy định về trách nhiệm(tiền) bồi thường đối với người gây nên án oan, sai còn quá nhẹ so với những số tiền nhà nước đã bỏ ra để đền bù cho những người bị kết án oan, sai.
“Cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan tới vụ việc là người phải chịu trách nhiệm chính, cao nhất về vật chất, tinh thần đã gây ra đối với người bị kết án oan. Nếu không làm rõ trách nhiệm người gây ra oan sai, rất dễ trở thành tiền lệ cho những án oan, sai phát sinh.
Mặt khác, việc đền bù án oan sai không phải là chuyện hơi một tí là lấy tiền của nhà nước do dân đóng thuế ra mà chi trả. Như thế là không ổn. Dân đóng thuế không phải để đền bù cho những thiệt hại do bản thân người có trách gây ra cho dù đó là lỗi vô ý hoặc cố ý.
Còn một trách nhiệm nữa mà người gây ra oan sai phải chịu đó là làm tổn thương hay làm mất lòng tin của người dân vào công lý. Hậu quả này thì những người gây ra oan, sai định đền bù bằng gì đây?” Đại biểu Bùi Thị An gay gắt.
Từ những phân tích trên, Đại biểu Nguyễn Thị An đề xuất, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa để hạn chế án oan, sai trong thời gian tới.
“Người nào gây ra hậu quả (oan, sai) thì phải bỏ tiền túi ra đền bù đúng số tiền nhà nước đã bỏ ra chi trả cho người bị oan sai, để họ có trách nhiệm hơn với công việc. Tôi nghĩ đây là một trong những biện pháp chống oan sai sẽ mang lại hiệu quả", Đại biểu Bùi Thị An đề xuất.
“Đây là hành vi cố ý”
Đồng tình với quan điểm của Đại biểu Bùi Thị An, luật sư Đoàn Quốc Dự (Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và Cộng sự), cũng cho rằng cần phải xác định rõ hành vi vi phạm của người thi hành công vụ trong việc gây ra oan, sai để quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.
Theo luật sư Đoàn Quốc Dự, quy định luật bồi thường của nhà nước đã quy định mức bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, người gây nên án oan, sai phải phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền quá nhỏ (một phần) so với những gì mà Nhà nước đã bỏ tiền ra chi trả cho người bị kết án oan. Như vậy là chưa công bằng.
Luật sư Đoàn Quốc Dự viện dẫn: Điều 10 và Điều 56 Luật bồi thường của nhà nước quy định rõ trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại.
Hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đoàn Quốc Dự chỉ rõ, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ trong trường hợp người thi hành công vụ đó liên đới cùng gây ra thiệt hại nhưng không phải là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Cũng theo luật sư Đoàn Quốc Dự: "Đây là hành vi cố ý trong hoạt động tố tụng, cần xử lý nghiêm minh, nhằm tránh các trường hợp tương tự có thể xảy ra", luật sư Đoàn Quốc Dự cảnh báo.