Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Hãng thông tấn Mỹ AP ngày hôm nay bình luận, các tranh chấp trên tuyến hàng hải chiến lược ở Biển Đông đang gia tăng khi Trung Quốc đã chống lại các nước láng giềng nhỏ hơn và yếu hơn về mặt quân sự bằng cách liên tục thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV). Chỉ có khoảng 45 thực thể trong số các đảo và bãi đá (ở Trường Sa) có quân chiếm đóng biến vùng biển này trở thành một trong các điểm nóng hàng đầu thế giới.
Quân đội Mỹ đã bắt đầu tích cực hoạt động công khai hơn thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng như hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) của Bắc Kinh trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988, 1995 tới nay). Hôm 22/5, một máy bay do thám P-8 của Hải quân Mỹ đã bay từ căn cứ không quân Clack ở Philippines ra đá Vành Khăn rồi đá Chữ Thập.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã xây dựng đường băng, cầu cảng, doanh trại và các công trình khác ở 7 bãi đá này. Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ Trung Quốc đã đưa 2 hệ thống pháo phòng không ra đảo nhân tạo (bất hợp pháp).
Trong đoạn video do đài CNN công bố về chuyến bay của chiếc P-8, đã 8 lần hải quân Trung Quốc phát tín hiệu xua đuổi, nhưng lần nào các phi công Hoa Kỳ cũng điềm đạm trả lời: "Chúng tôi là máy bay quân sự Hoa Kỳ hoạt động quân sự hợp pháp trên không phận quốc tế. Quan tâm của chúng tôi là chính đáng và phù hợp luật pháp quốc tế".
Mỹ từ chối công nhận chủ quyền của Trung Quốc với các đảo (nước này nhảy vào) tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trong vùng biển quốc tế. Washington xem xét tăng cường các chuyến bay tuần tra quân sự trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp).
Tàu chiến USS Forth Worth tháng trước cũng vừa hoàn thành hoạt động tuần tra trên Biển Đông bất chấp tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc bám theo. Fred Kacher, thuyền trưởng USS Forth Worth khẳng định rằng hoạt động tuần tra Biển Đông sẽ trở thành "trạng thái bình thường mới" sau khi 4 tàu chiến duyên hải sẽ được điều đến Biển Đông thời gian tới.
Mỹ và Trung Quốc có thể bất đồng trong vấn đề Biển Đông, nhưng hai cường quốc này không có khả năng bắt đầu một cuộc chiến tranh ở đó, AP bình luận. Thay vào đó Biển Đông trở thành nơi đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Washington và Bắc Kinh.
Điều này liên quan chặt chẽ đến các chuyến bay quân sự và hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ tại khu vực này. Mỹ không chỉ vũ trang cho đồng minh cũ là Philippines mà còn tìm kiếm những đối tác mới trong khu vực, cụ thể là Việt Nam.