Sáng 8/6/2015, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Đại biểu Nguyễn Thái Học - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu: “đề nghị Chính phủ phải làm như nói thì dân mới tin". [1]
Đúng như ông Nguyễn Thái Học phát biểu, nhiều vấn đề các quan chức Chính phủ nói nhưng thực tế lại không như lời nói, điển hình là chuyện “quan chức cắp ô” tỷ lệ là 30% hay chỉ có chừng 1%?
Hay như chuyện kê khai tài sản, gần một triệu người phải kê khai, chỉ có vài người phải làm lại trong khi Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa.”
9h20 phút, phòng họp tổ chỉ còn nhân viên phục vụ dọn dẹp bàn trà (ảnh Vneconomy.vn) |
Tuy nhiên, cổ nhân có câu: “nói người phải nghĩ đến ta”. Việc Quốc hội đề cập đến những thiếu sót, tồn đọng của Chính phủ không có gì phải bàn luận.
Vấn đề là Quốc hội có thiếu sót, tồn đọng hay không? Các thành viên Quốc hội, cụ thể là các ĐBQH đã hoàn thành nhiệm vụ dân giao chưa? Có mấy vấn đề xin mạn phép đề cập.
Thư nhất: chuyện phát ngôn của đại biểu quốc hội
Một số ĐBQH tỏ ra thiếu cẩn trọng khi phát ngôn giữa nghị trường. Khi bị phê phán về phát biểu, rằng người Việt hiên nay “dân trí thấp” thì vị ĐBQH lại biện minh đó là lấy ý kiến của một vị PGS.TS khác, có thể thấy tài ngụy biện của vị này nổi trội hơn những “tài” khác, vốn không dễ nhận ra trong tình trạng đất nước hiện nay.
Có đại biểu, thậm chí cứ trình bày ý kiến cá nhân thì đa phần bị phản đối bởi các đại biểu khác như trường hợp đại biểu Hoàng Hữu Phước từ các năm trước; và một vài vị mới có phát biểu gây sóng gió ngay trong kỳ họp đang diễn ra này. Nhiều ngôn từ mà các vị ấy sử dụng khó có thể tin là của đại biểu quốc hội.
Thứ hai: trách nhiệm của đại biểu quốc hội
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, ý thức trách nhiệm của ĐBQH thể hiện qua việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…, qua việc thông qua Luật, Pháp lệnh…
Để xảy ra tình trạng Luật ban hành ngay lập tức phải sửa không thể quy lỗi hoàn toàn cho cơ quan soạn thảo. Để xảy ra tình trạng Ủy ban Tư pháp không nhất trí với Tòa án Tối cao về công văn 234 cho thấy sự không đồng bộ giữa Lập pháp và Tư pháp.
Một số Luật ban hành khó thực thi nếu không có các văn bản dưới luật, một số hình phạt quy định với khoảng dung sai lớn dễ tạo điều kiện lách luật,…
Điều này cho thấy, luật ban hành rất nhiều nhưng đáp ứng đòi hỏi của thực tế lại không tương xứng, cá biệt có trường hợp, cả Quốc hội và Chính phủ đều nhận thấy sự cần thiết nhưng 4 năm vẫn chưa ban hành được luật như Luật Biểu tình.
Quyền biểu tình, quyền im lặng của nghi can, nghi phạm khi bị tam giam điều tra đã được quy định trong Hiến pháp song vẫn chưa được luật hóa.
Thứ ba: thái độ làm việc của đại biểu quốc hội
Người công nhân, nhân viên làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… đặc biệt là cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đi làm muộn, về sớm 5 phút là bị trừ lương, thưởng.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nêu một số hiện tượng:
ĐBQH bấm nút hộ đại biểu khác, đọc bài của người khác,…
Báo chí đã đặt câu hỏi: “Phải chăng nhận xét Quốc hội không nên duy trì các phiên họp tổ, có vẻ cũng không hoàn toàn vô lý? [2] Bức ảnh chụp phòng họp với ghi chú “9h20 phút, phòng họp tổ chỉ còn nhân viên phục vụ dọn dẹp bàn trà” nói lên điều gì?
Họp tổ là như vậy, họp toàn thể Quốc hội thì sao? Bức ảnh dưới đây là của tác giả Viễn Sự báo Tuoitre.vn chụp từ màn hình trực tiếp tại trung tâm báo chí Quốc hội cho thấy sự chênh lệch về thời gian giữa hai bức ảnh họp tổ và họp toàn thể chỉ là 12 phút!
Hội trường Quốc hội lúc 9g32 sáng 9/6/2015 (Ảnh: Viễn Sự - Tuoitre.vn) |
Có lẽ không cần bình luận gì thêm về các bức ảnh này, không biết nếu nhìn chúng, các đại biểu Võ Thị Dung, Trần Hoàng Ngân có một lần nữa phải cảm thấy xấu hổ như khi nói về Luật BHXH?
Thêm một số đại biểu nữa xấu hổ có lẽ không quan trọng bằng những người đang đóng thuế sẽ nghĩ gì về những người được mình lựa chọn để hoạch định đường lối, chính sách, để xây dựng một “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”?
Đương nhiên cũng còn một câu hỏi, phải chăng mọi điều đã được chuẩn bị chu đáo đến mức không cần thảo luận, đến mức chỉ cần bấm nút?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Noi-phai-di-doi-voi-lam-thi-dan-moi-tin-post158991.gd
[2] http://vneconomy.vn/thoi-su/goc-nghi-truong-bien-ban-hop-to-2015052909505891.htm