"Không vay nổi ngân hàng mới đi vay nặng lãi"

10/06/2015 13:59
Ngọc Quang
(GDVN) - Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ngân hàng cho vay cũng phải xác định được khách hàng có trả được không, chứ không đơn thuần vì phần trăm lãi suất.

Sáng nay (10/6), Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Dân sự (Sửa đổi). Đây là bộ luật nền để triển khai nhiều luật khác, do đó Quốc hội dự kiến thảo luận sau 3 kỳ họp mới tính đến biểu quyết thông qua chính thức.

Một trong những vấn đề được đông đảo giới chuyên gia kinh tế tài chính quan tâm hiện nay là Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định trần lãi suất theo hướng nâng từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM (Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội) đã phải thốt lên: “Tôi chẳng hiểu sao lại đưa ra con số đó, cơ sở gì?”.

Ngăn chặn tín dụng đen, sao lại trói buộc ngân hàng? 

Đại biểu Trần Du Lịch nói thẳng, không nên quy định theo hướng áp trần lãi suất với các ngân hàng, bởi vì không có khái niệm lãi suất cơ bản, và suốt từ 2009 đến nay Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản.

Năm 2005, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự và áp trần lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động tín dụng. Vì vậy, Quốc hội sau đó phải ra Nghị quyết để giải thoát vấn đề này, thị trường theo hướng áp dụng lãi suất thỏa thuận.

“Chúng ta phải làm như vậy để chờ sửa đổi Bộ luật Dân sự. Thế mà bây giờ lại quay trở lại như cũ là sao? Tôi cũng chẳng hiểu đưa ra con số 150% hay 200% là cơ sở gì? Chúng ta đừng có làm cái chuyện như vậy”, ông Lịch nói.

TS Trần Du Lịch: Người ta cho vay ngày, cho vay đêm, cho vay ở các chợ… chúng ta có áp dụng được luật được đâu? Ảnh: Ngọc Quang.
TS Trần Du Lịch: Người ta cho vay ngày, cho vay đêm, cho vay ở các chợ… chúng ta có áp dụng được luật được đâu? Ảnh: Ngọc Quang.

Cũng theo ông Trần Du Lịch, mục tiêu áp trần lãi suất nếu vì muốn chống tín dụng đen, cho vay nặng lãi thì phải tham khảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự của các nước. Tức là phải xem xét động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì chúng ta có nhiều cách để trừng trị, chứ không thể nào lại bóp méo thị trường.

“Cái tội cho vay nặng lãi, tức là hành vi ép buộc người dân trong một tình thếnào đó thì nhan nhản trong thực tế đời sống. Người ta cho vay ngày, cho vay đêm, cho vay ở các chợ… chúng ta có áp dụng được luật được đâu. Do vậy, cái này quy định như vậy thì chỉ chết các ngân hàng thôi.

Chúng ta phải hiểu là các ngân hàng làm sao có thể cho vay nặng lãi được, tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vậy thì tại sao lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường để trói buộc các ngân hàng? Mục tiêu chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi trong dân chúng, vậy thì ta phải tìm cách nào để giải quyết chỗ này trong luật hình sự”, ông Lịch nêu quan điểm.

Không vay nổi ngân hàng mới đi vay nặng lãi

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, tự do hóa lãi suất là xu hướng tất yếu, đúng với bản chất của một thị trường cạnh tranh.

TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình) nhận định: “Tôi cho rằng, đúng con đường đi tới và nếu đi đến cùng thì thị trường tự do hoàn toàn. Tuy nhiên, để tiến tới tự do hóa lãi suất là cả một chặng đường dài, trong đó có yếu tố rất quan trọng là sự ổn định của nền kinh tế.

Một số quốc gia khác trên thế giới cho phép tự do cạnh tranh, vì vậy các tổ chức tín dụng phải tự động điều chỉnh xuống mức giá hợp lý. Hai bên có quyền tự thỏa thuận, nếu anh đòi hỏi mức lãi quá cao thì người ta sẽ đi vay chỗ khác. Sự cạnh tranh của họ rất minh bạch, đấy là điều ở Việt Nam sẽ phải học tập và hướng đến. Thị trường có được sự minh bạch là do hệ thống luật pháp của họ ở một trình độ rất cao, xử lý các vi phạm rất nghiêm minh”.

Theo bà Hường, một nền kinh tế phát triển và hội nhập thì trong đó không thể thiếu yếu tố cạnh tranh minh bạch, khi luật cho phép các ngân hàng được tự do thỏa thuận lãi suất thì sẽ góp phần tạo ra một thị trường lành mạnh hơn.

Ngân hàng nào có mức lãi suất thấp thì sẽ thu hút được khách hàng và ngược lại ngân hàng nào lãi suất quá cao thì không thu hút được khách hàng.

“Theo tôi, cần phải cởi trói cho các ngân hàng, để họ được quyền thỏa thuận với chính khách hàng của họ, đấy là câu chuyện thị trường, không nên can thiệp bằng những biện pháp quá khô cứng. Hơn nữa, ngân hàng còn chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng, sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Tôi hiểu rằng, mục đích đưa ra như dự thảo luật là nhằm chống cho vay nặng lãi, chống tín dụng đen. Tuy nhiên, các ngân hàng đang hoạt động theo các quy định của pháp luật. Trong khi đó các đối tượng cho vay nặng lãi đang hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật.

Vì vậy, chúng ta không thể đưa ra một quy định quản lý các đối tượng hoạt động ngoài vòng pháp luật mà lại gây ra tác động xấu cho thị trường ngân hàng”, bà Hường cho hay.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, khi ngân hàng cho vay cũng phải xác định được khách hàng có trả được không, chứ không đơn thuần vì phần trăm lãi suất cao hay thấp.

“Rất nhiều bài học từ kinh doanh nhất là giai đoạn bất động sản khó khăn vừa qua, có khi chủ doanh nghiệp chỉ cần có vốn để vượt qua một giai đoạn ngắn, nhưng vì các quy định ngặt nghèo của luật nên họ không thể vay nổi của ngân hàng, cực chẳng đã mới phải đi vay nặng lãi.

Tôi tin rằng, tự do hóa lãi suất với hệ thống ngân hàng chính là một biện pháp ngăn chặn tín dụng đen. Nếu chúng ta thấy lo lắng vì có chuyện lợi dụng hay chèn ép khách hàng thì luật phải có những điều khoản quy định theo hướng đó, tức là phải có tính phổ quát, quản lý tổng thể, chứ không thể áp đặt một con số số nào đó”, bà Hường bày tỏ.

Ngọc Quang